Singapore đã áp dụng nhiều chính sách từ sớm để thích ứng xu hướng không thể tránh khỏi này và đang thúc đẩy các giải pháp mới nhằm chuẩn bị sẵn sàng cho một xã hội siêu già trong vài năm tới.
Được hưởng điều kiện sống ngày một tốt hơn, cũng như những tiến bộ về y tế, người dân Singapore hiện có tuổi thọ trung bình ở mức hơn 83 tuổi, so với mức 72 tuổi vào năm 1980. Khi tuổi thọ người dân tăng lên thì tốc độ già hóa dân số cũng tăng nhanh. Theo cách xác định của Liên hợp quốc, một quốc gia bước vào giai đoạn già hóa dân số khi tỷ lệ người từ 65 tuổi trở lên vượt 7%, có dân số già nếu tỷ lệ này cao hơn 14% và dân số siêu già khi tỷ lệ này ở mức 21% trở lên.
Theo đó, Singapore đã trở thành nước có dân số già từ năm 2017 và dự kiến trở thành nước có dân số siêu già vào năm 2026. Tỷ lệ người cao tuổi tăng, song tỷ lệ sinh thấp lại kéo theo những gánh nặng với xã hội, nền kinh tế của Singapore. Già hóa dân số ảnh hưởng sự bền vững của hệ thống phúc lợi xã hội, tạo áp lực lên hệ thống y tế, dẫn đến thiếu hụt lao động.
Nhằm thích ứng tình trạng già hóa dân số, Chính phủ Singapore đã sớm hoạch định các chính sách về cải cách hệ thống chăm sóc sức khỏe, tăng dần tuổi nghỉ hưu, quy hoạch đô thị, phát triển kinh tế. Sau khi đã nâng độ tuổi nghỉ hưu từ 60 lên 63, Singapore tiếp tục lộ trình nâng độ tuổi nghỉ hưu lên 65 vào năm 2030.
Singapore đã trở thành nước có dân số già từ năm 2017 và dự kiến trở thành nước có dân số siêu già vào năm 2026.
Singapore cũng sẽ nâng độ tuổi lao động của người cao tuổi có đủ điều kiện và mong muốn tiếp tục làm việc từ 68 hiện nay lên 70 vào năm 2030. Các chính sách này sẽ góp phần cải thiện tình trạng thiếu hụt lao động, đồng thời tạo cơ hội để người cao tuổi tiếp tục đóng góp vào sự phát triển kinh tế-xã hội của Singapore.
Là một trong những thị trấn lâu đời ở Singapore, Queenstown đã có hơn 20% cư dân từ 65 tuổi trở lên từ cách đây vài năm. Tại thị trấn này, nhiều sáng kiến nhằm nâng cao sức khỏe và phúc lợi của người dân ở mọi độ tuổi đã được triển khai trong những năm qua. Nhằm tạo môi trường sống thân thiện với người cao tuổi, Singapore thúc đẩy xây dựng thêm viện dưỡng lão, công viên; cải thiện hạ tầng giao thông tạo thuận lợi cho việc di chuyển.
Chương trình trợ cấp mua nhà để các thế hệ trong một gia đình được sống cùng hoặc gần nhau cũng là một trong những sáng kiến được áp dụng. Bộ trưởng Y tế Singapore Ong Ye Kung nhận định, Queenstown cho thấy phần nào những thành quả mà các sáng kiến này có thể đem lại cho người cao tuổi trên cả nước trong tương lai.
Theo Bộ trưởng Ong Ye Kung, Singapore đang tăng cường các biện pháp nhằm chuẩn bị cho một xã hội siêu già. Với mục tiêu tiếp cận hơn nửa triệu người từ 50 tuổi trở lên, chương trình Live Well, Age Well đang được triển khai nhằm hỗ trợ người dân tự chăm sóc sức khỏe, tiếp tục đóng góp cho xã hội và duy trì kết nối với gia đình, cộng đồng.
Vào tháng 7 tới, Singapore dự kiến triển khai chiến lược mang tên Healthier SG hướng đến chăm sóc sức khỏe, phòng ngừa bệnh tật cho người dân, trong đó ưu tiên người từ 40 tuổi trở lên. Tham gia chương trình này, người dân Singapore có thể liên hệ thường xuyên với bác sĩ để khám sàng lọc định kỳ nhằm phát hiện bệnh sớm.
Cùng với những khó khăn đặt ra, già hóa dân số cũng tạo ra các cơ hội, như phát triển các ngành dịch vụ chăm sóc sức khỏe và những sản phẩm phục vụ người cao tuổi. Nhiều biện pháp được các nhà chức trách Singapore triển khai từ sớm, cũng như sự chuẩn bị kỹ lưỡng là cơ sở để đảo quốc sư tử ứng phó hiệu quả những thách thức và tận dụng những lợi ích mà vấn đề này đem lại.