Theo quan niệm dân gian, ngày 23 tháng Chạp là ngày tết ông Công, ông Táo nên vào ngày này, các gia đình thường chuẩn bị lễ vật để “tiễn” ông Công (thần trông coi nhà cửa, đất đai trong gia đình) và ông Táo (vị thần cai quản việc bếp núc) về chầu trời, trong đó cá chép là “lễ vật sống” không thể thiếu để làm lễ và phóng sinh ra môi trường tự nhiên. Nhằm phục vụ thị trường ngày tết ông Công, ông Táo, một số cơ sở, hộ dân trong tỉnh đã đầu tư nuôi cá chép đỏ làm “phương tiện” cho ông Công, ông Táo về trời.
Nắm bắt xu thế thị trường, năm nay, Trại Nghiên cứu và Sản xuất giống nông nghiệp Bát Xát (Trung tâm Giống nông nghiệp tỉnh) đã đưa cá chép đỏ vào sản xuất và cung ứng dịp 23 tháng Chạp. Đây cũng là năm đầu tiên Trại Nghiên cứu và Sản xuất giống nông nghiệp Bát Xát sản xuất cá chép đỏ phục vụ thị trường.
Ông Vũ Đình Hòa, Trại trưởng Trại Nghiên cứu và Sản xuất giống nông nghiệp Bát Xát cho biết: Chúng tôi nhập cá hương về nuôi từ khoảng tháng 9 âm lịch vì trại không sản xuất giống dòng cá này. Kỹ thuật nuôi cá chép đỏ phục vụ thị trường tết ông Công, ông Táo tương đối đơn giản. Ngoài đảm bảo nguồn nước sạch, cần khống chế lượng thức ăn để cá đạt kích cỡ vừa đủ, phù hợp với nhu cầu thị trường. Từ cuối tháng 11 âm lịch, chúng tôi lọc cá theo từng kích cỡ; cá cỡ nhỏ được thả vào ao riêng để bổ sung thức ăn, giúp đạt kích cỡ đồng đều khi xuất bán.
Cũng theo ông Hòa, năm nay Trại Nghiên cứu và Sản xuất giống nông nghiệp Bát Xát nuôi cá chép đỏ do trên địa bàn tỉnh có ít cơ sở, hộ dân nuôi vì đây là sản phẩm có tính thời vụ, khó cạnh tranh với các cơ sở sản xuất ở các tỉnh miền xuôi. Trại chủ yếu sản xuất theo đơn đặt hàng số lượng lớn nên tương đối đảm bảo về đầu ra. Trại đã thu hoạch và cung ứng ra thị trường khoảng 50 vạn con cá chép đỏ trong dịp này.
Là hộ có nhiều kinh nghiệm ương nuôi cá giống, gia đình chị Phạm Thị Hà (thôn Tân Tiến, xã Thống Nhất, thành phố Lào Cai) thường nhập cá chép hương về ương nuôi vào khoảng tháng 9 âm lịch. Theo chị Hà, việc đầu tư nuôi cá chép đỏ không tốn nhiều chi phí, cá dễ nuôi, sử dụng ít thức ăn. Việc ương nuôi cá chép hương ít bị hao hụt, hiệu quả kinh tế cao hơn so với nhập cá thương phẩm về bán. Những năm gần đây, cá chép đỏ rất dễ bán vì trong tỉnh ít cơ sở nuôi.
Sau gần 2 tháng chăm sóc, gia đình chị Hà đã thu hoạch cá, đưa về bể để bán buôn cho thương lái và bán lẻ cho người dân trong khu vực. Năm nay, gia đình chị Hà cung ứng ra thị trường hơn 1 vạn con cá chép đỏ với nhiều kích cỡ khác nhau. Giá cá chép đỏ trung bình từ 10.000 - 15.000 đồng/3 con đối với bán lẻ và 100.000 đồng/kg đối với bán buôn.
Theo tìm hiểu của phóng viên, các cơ sở, hộ nuôi cá chép đỏ làm “phương tiện” đưa ông Công, ông Táo về trời tập trung chủ yếu tại huyện Bảo Thắng, huyện Bát Xát và thành phố Lào Cai. Do nhu cầu tiêu thụ loại cá này chỉ mang tính thời vụ, tập trung vào dịp 23 tháng Chạp nên hầu hết các hộ chỉ mua cá bột, cá hương về ương nuôi chứ không nuôi cá sinh sản.
Ngoài các hộ nuôi tất bật chăm sóc, thu hoạch cá, tại các chợ dân sinh trên địa bàn tỉnh, nhiều tiểu thương cũng bắt đầu nhập cá chép đỏ về bán. Như thường lệ, những ngày trước tết ông Công, ông Táo, lượng người mua còn ít vì đa số người dân sẽ làm lễ vào đúng ngày 23 tháng Chạp. Năm nay, nguồn cung cá chép đỏ tiếp tục dồi dào, giá cá chép đỏ không có nhiều biến động so với những năm trước.