Những ngày cuối tháng 11, không khí tại Hội trường UBND thị xã Sa Pa tràn ngập sự hứng khởi và sôi nổi. 15 đội với hơn 150 thành viên đại diện cho 15 câu lạc bộ “Thủ lĩnh của sự thay đổi” tại các đơn vị trường học, địa phương trên địa bàn đã tham gia Giao lưu "Sáng tạo sản phẩm truyền thông dành cho trẻ em vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi năm 2024". Chương trình giao lưu gồm 2 phần: chào hỏi và sáng tạo sân khấu hóa bằng các tiểu phẩm.
Tại phần sáng tạo sân khấu hóa, các đội đã đem đến nhiều tiểu phẩm được dàn dựng công phu, đặc sắc, thể hiện kiến thức về bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết liên quan đến phụ nữ, trẻ em. Ngoài ra, các đội đều vận dụng sáng tạo, đầy đủ 3 phương thức tuyên truyền: tuyên truyền miệng; tuyên truyền thông qua văn nghệ để truyền tải thông tin, tạo hấp dẫn cho người xem; tuyên truyền bằng cổ động trực quan, tạo sự sinh động trên sân khấu.
Với màn thể hiện tốt, Đội Câu lạc bộ “Thủ lĩnh của sự thay đổi” đến từ Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học và THCS Hầu Thào đã xuất sắc đoạt giải Nhất tại chương trình giao lưu. Với sự chuẩn bị kỹ về kiến thức, sự đầu tư về trang phục, đạo cụ, các thành viên của đội đã đem đến tiểu phẩm hay, mang đậm nét văn hóa đặc sắc của đồng bào dân tộc thiểu số địa phương. Thông qua tiểu phẩm, các em học sinh đã truyền tải thông điệp rõ ràng, cụ thể, để lại ấn tượng sâu sắc cho Ban Giám khảo và khán giả.
Thầy giáo Bùi Huy Sơn, Phó Hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học và THCS Hầu Thào, kiêm quản lý chính Câu lạc bộ Thủ lĩnh của sự thay đổi của trường chia sẻ: "Để chuẩn bị cho chương trình giao lưu, chúng tôi đã tranh thủ thời gian sau buổi học để tập luyện. Tôi rất vui và tự hào khi học sinh của trường đoạt giải cao. Điều này cũng chứng tỏ các em đã nắm vững và hiểu rõ những kiến thức về bình đẳng giới, đồng thời đã nỗ lực, tự tin thể hiện bản thân".
Chương trình giao lưu không chỉ là sân chơi giúp học sinh truyền tải thông điệp về bình đẳng giới mà còn là nơi để các em thể hiện bản thân, cọ xát, nâng cao kỹ năng, kiến thức, qua đó trở thành những “hạt nhân” tiên phong thúc đẩy bình đẳng giới.
Em Châu Thị Me, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Thủ lĩnh của sự thay đổi Trường Phổ thông Dân tộc bán trú THCS Trung Chải cho biết: Trước đây, em rụt rè, nhút nhát, không dám nói trước đám đông và chưa được trang bị đầy đủ kiến thức về bình đẳng giới và những nguy cơ tiềm ẩn đe dọa sự an toàn bản thân. Tuy nhiên, từ khi tham gia câu lạc bộ và các buổi giao lưu, hội thi, em đã có thêm nhiều kiến thức, kỹ năng. Bên cạnh đó, em mạnh dạn hơn trong việc nói lên suy nghĩ của bản thân trong gia đình, cộng đồng và sẵn sàng chống lại những điều xấu như bạo lực học đường, tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống…
Theo đánh giá của Ban tổ chức, chương trình giao lưu không chỉ giúp học sinh củng cố kiến thức mà còn là dịp để người xem nắm bắt nhiều thông tin hữu ích về quyền lợi và nghĩa vụ của mỗi giới trong xã hội. Đặc biệt, những vở kịch ngắn do các đội mang đến đã tái hiện sinh động các tình huống đời thường liên quan đến bình đẳng giới, chạm đến những vấn đề còn tồn tại trong xã hội, từ đó khuyến khích sự thay đổi trong tư duy và hành động của người xem. Hơn nữa, chương trình giao lưu cũng góp phần tạo ra phong trào từ cơ sở, từ đó mang lại giá trị tuyên truyền cao trong cộng đồng.
Bà Hầu Tuyết Lan, Chủ tịch Hội Phụ nữ thị xã Sa Pa cho biết: Buổi giao lưu khép lại không chỉ thành công về mặt tổ chức mà còn bởi những giá trị mang lại. Các đội đã góp phần lan tỏa mạnh mẽ thông điệp tốt đẹp hướng tới xây dựng một xã hội công bằng, văn minh.
Thời gian tới, thị xã Sa Pa sẽ tiếp tục tổ chức các hoạt động giao lưu, hội thi giữa các câu lạc bộ “Thủ lĩnh của sự thay đổi”; tạo sân chơi cho học sinh chia sẻ, học hỏi kinh nghiệm để nâng cao kiến thức, kỹ năng về bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết liên quan đến phụ nữ và trẻ em.