Chị Hầu Thị Mỉ, ở thôn Sân Bay, xã Thải Giàng Phố là 1 trong 15 phụ nữ dân tộc thiểu số thuộc diện khó khăn của xã được hỗ trợ vốn vay không lãi suất từ Dự án “Góp tiếng nói - Thêm bình đẳng” của Quỹ Vì tầm vóc Việt phối hợp với Hội Phụ nữ tỉnh triển khai. Với 10 triệu đồng, chị Mỉ mua 3 con lợn và xây mới chuồng nuôi kiên cố, sạch sẽ. Không chỉ được vay vốn để làm chuồng nuôi, mua vật nuôi, chị Mỉ còn được cán bộ hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi thông qua các khóa tập huấn của dự án. Do vậy, đàn lợn sinh trưởng nhanh so với chăn nuôi bằng kinh nghiệm tự có trước đây. Sau một năm, đàn lợn đã xuất chuồng với trọng lượng cao hơn.
Chị Hầu Thị Mỉ cho biết: “Nhờ nguồn vốn vay ưu đãi, gia đình có điều kiện phát triển chăn nuôi lợn. Đến nay, gia đình đã xuất bán được 1 lứa lợn. Tôi đã trả được vốn vay ban đầu, còn dư tiền để lo sinh hoạt và mua thêm 2 con lợn giống”.
Còn tại xã Bản Cái, mô hình “Hỗ trợ sinh kế giúp đỡ hội viên nghèo” được Hội Phụ nữ xã triển khai từ năm 2023 đã đem lại niềm vui cho chị em trên địa bàn. Theo đó, Hội Phụ nữ xã đã hỗ trợ 4 hội viên có hoàn cảnh khó khăn 200 con gà giống và 20 kg cám để phục vụ chăn nuôi. Ngoài ra, cán bộ Hội Phụ nữ xã cũng hướng dẫn hội viên thực hiện đúng kỹ thuật chăn nuôi để đạt hiệu quả kinh tế. Sau 3 tháng, 200 con gà giống của 4 hộ đều sinh trưởng tốt, mỗi con đạt từ 2 kg trở lên. Từ đó tạo được nguồn thực phẩm sẵn có cho gia đình, cũng như nguồn thu từ cung ứng sản phẩm cho thị trường, giúp gia đình nâng cao chất lượng, ổn định cuộc sống.
Để duy trì và nhân rộng mô hình này, sau khi gà đạt từ 2 kg trở lên, Hội Phụ nữ xã Bản Cái sẽ nhận lại từ mỗi gia đình hội viên 5 con gà thịt, tương đương khoảng 40 kg. Sau khi bán ra thị trường, số tiền này tiếp tục để mua gà giống hỗ trợ các hộ khác vào năm tiếp theo.
Thời gian qua, Hội Phụ nữ huyện Bắc Hà đã phối hợp, triển khai nhiều mô hình hỗ trợ sinh kế, qua đó duy trì và nhân rộng nhiều mô hình nuôi con chủ lực của địa phương theo Nghị quyết 10-NQ/TU ngày 26/8/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy. Trong đó, nổi bật là mô hình nuôi lợn nái sinh sản tại 13 xã, với 34 hội viên được hỗ trợ 34 con giống lợn đen bản địa; mô hình hỗ trợ nuôi gà giống tại 4 xã, với trên 900 con giống. Bên cạnh đó, ngoài các nguồn quỹ do Hội Phụ nữ huyện quản lý, như Quỹ hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, Quỹ hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, Hội Phụ nữ huyện còn phối hợp triển khai tốt các nguồn vốn vay ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện, giúp hội viên phụ nữ tiếp cận nguồn vốn để khởi nghiệp với các mô hình sinh kế giảm nghèo.
Bà Sùng Thị Hoa, Chủ tịch Hội Phụ nữ huyện Bắc Hà cho biết: “Trao sinh kế là một giải pháp “trao cần câu” giúp phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn vươn lên trong cuộc sống. Đây là hoạt động mang ý nghĩa nhân văn, thắm đượm nghĩa tình giữa các hội viên phụ nữ trong phong trào giúp nhau phát triển kinh tế, giảm nghèo.