Huyện Bảo Thắng đã chỉ đạo thành lập 25 tổ truyền thông cộng đồng tại 25 thôn thuộc 12 xã, thị trấn, gồm 250 thành viên. Trong đó có 207/250 thành viên là người dân tộc thiểu số; 125/250 thành viên là nữ giới. Các thành viên tham gia tổ truyền thông là cán bộ thôn, người có uy tín trong cộng đồng, có năng lực truyền thông trên địa bàn thôn/bản, tiên phong đi đầu và có khả năng tập hợp phụ nữ...
Trong năm 2024, Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện đã tổ chức 3 lớp bồi dưỡng cho 242 lượt người là thành viên tổ truyền thông cộng đồng nhằm cung cấp kỹ năng vận hành và quản lý tổ truyền thông. Các cấp hội phụ nữ cũng phối hợp với các tổ truyền thông tổ chức 25 buổi truyền thông nâng cao nhận thức về bình đẳng giới và phòng ngừa ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới tại các thôn, bản được hưởng lợi từ dự án. Ngoài ra, còn thực hiện truyền thông trên fanpage của tổ chức hội, trong đó ưu tiên các hình ảnh, video sinh động nhằm lan tỏa đến người dân biết nội dung hoạt động đang triển khai tại địa phương.
Qua hoạt động truyền thông đã góp phần xóa bỏ định kiến và khuôn mẫu giới trong gia đình và cộng đồng, những hủ tục và một số vấn đề xã hội cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em, nhất là vấn đề bạo lực gia đình, bình đẳng giới.
Bà Lê Hải Thanh, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) huyện Bảo Thắng cho biết: Nét mới trong công tác truyền thông bình đẳng giới trong năm nay là Hội LHPN đã tổ chức truyền thông tại các chợ phiên, đồng thời xây dựng bộ tài liệu phục vụ truyền thông, gồm tờ rơi và sổ tay tuyên truyền về chủ đề “Pháp luật về bình đẳng giới và phòng chống bạo lực gia đình”. Dự kiến năm 2025, Hội LHPN huyện tiếp tục xây dựng tài liệu phục vụ chiến dịch truyền thông tại các thôn, các trường và các phiên chợ.
Hình thức truyền thông cũng được đổi mới. Các cấp hội phụ nữ đã chỉ đạo, hướng dẫn các tổ truyền thông tổ chức tuyên truyền bằng tiếng địa phương, có hình ảnh minh họa, khẩu hiệu ngắn gọn, dễ nhớ, dễ hiểu, dễ làm theo để người dân dễ dàng hiểu được các nội dung. Bên cạnh đó, từ những câu chuyện trong thực tế, các tổ truyền thông đã sáng tạo, xây dựng các tiểu phẩm tuyên truyền trong các hoạt động.
Hội LHPN huyện còn tổ chức hội thi mô hình sáng tạo và hiệu quả nhằm thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong phòng, chống bạo lực gia đình năm 2024. Qua hội thi, có nhiều tiểu phẩm truyền thông đặc sắc, như: “Điều con muốn nói”, “Chuyện nhà A Sử”, “Ước mơ của Say”… đã phản ánh được nhiều vấn đề liên quan đến bình đẳng giới, phòng chống bạo lực gia đình, xây dựng môi trường sống an toàn cho phụ nữ, trẻ em tại địa phương. Trong đó có tiểu phẩm phản ánh nội dung mới khi đề cập đến đối tượng gây ra bạo lực gia đình là nữ giới; bạo lực gia đình về tinh thần… Hội thi cũng góp phần nâng cao các kỹ năng hoạt động của tổ truyền thông cộng đồng tại địa phương.
Bên cạnh đó, Hội LHPN huyện cử cán bộ, hội viên, Nhân dân các xã tham gia các lớp tập huấn do trung ương, tỉnh, huyện tổ chức nhằm trang bị kiến thức về bình đẳng giới, kỹ năng thực hiện lồng ghép giới. Cán bộ hội phụ nữ các cấp cũng tuyên truyền, phát huy vai trò của cán bộ trong hệ thống chính trị, trưởng thôn, người có uy tín trong cộng đồng đối với việc tuyên truyền về bình đẳng giới. Trong năm 2024, Hội LHPN huyện đã tổ chức tập huấn cho 90 người là bí thư chi bộ, trưởng thôn, người uy tín về công tác này.
Những kết quả nổi bật trong công tác truyền thông về bình đẳng giới đã góp phần khẳng định, phát huy vai trò của phụ nữ, đồng thời xây dựng cuộc sống an toàn, hạnh phúc cho phụ nữ, trẻ em.