LCĐT- Nhiều năm qua, lực lượng chức năng thị xã Sa Pa đã đưa ra các giải pháp yêu cầu chấm dứt việc lợi dụng trẻ em chèo kéo, đeo bám du khách để bán hàng rong. Tuy nhiên, tình trạng đó vẫn diễn ra với nhiều hình thức và cách làm tinh vi hơn, gây bức xúc cho du khách, làm ảnh hưởng xấu đến hình ảnh thị xã du lịch.
Có dấu hiệu “trục lợi” trên thân thể trẻ em
Dạo quanh một số khu tập trung đông du khách như sân Quần, nhà thờ đá, đường Xuân Viên hay các khu du lịch Cát Cát, Tả Van không khó để bắt gặp hình ảnh 4 đến 5 em nhỏ cầm trên tay vài món quà lưu niệm, chỉ cần thấy có khách, các em lập tức năn nỉ, chèo kéo mời khách mua hàng. Những đứa trẻ chỉ khoảng 6 đến 7 tuổi, “đầu trần, chân đất”, áo quần mặc phong phanh, hoặc mặc trang phục dân tộc, cõng theo các em nhỏ chỉ vài tháng tuổi, chạy theo sau du khách. Nếu du khách mua hàng hoặc cho tiền, các em sẽ tiếp tục rủ nhau lẽo đẽo bám theo gây phiền phức.
Anh Nguyễn Ngọc Tùng, một du khách đến từ Hà Nội chia sẻ: Ở xa đến, tôi chỉ muốn tham quan, vãn cảnh nhưng lại thường thấy hình ảnh những em nhỏ đu bám, chèo kéo. Nhìn các em nhỏ trông rất đáng thương, chúng tôi không thể hắt hủi các em được. Tôi từng mua hàng, cho tiền các em, ngay sau đó rất nhiều em nhỏ cùng kéo đến làm ảnh hưởng đến quá trình tham quan của tôi, thấy rất khó chịu. Tôi mong muốn tình trạng này sẽ chấm dứt, để du khách được tham quan, nghỉ dưỡng được thoải mái hơn.
Hiện, có nhiều trẻ em bán hàng, đeo bám du khách trên địa bàn thị xã Sa Pa.
Theo khảo sát của các cơ quan chức năng thị xã Sa Pa, hầu hết các em đều làm việc này dưới sự chỉ dẫn của người lớn. Bố mẹ hoặc người thân dùng chính thân thể của con, em mình lợi dụng lòng thương của du khách để dễ bán hàng bất chấp thời tiết giá lạnh, ngày hay đêm. Mục đích của các “bà mẹ” không phải là bán hàng, chỉ là để các du khách thương hại và cho tiền. Nhiều người mẹ muốn sinh con chỉ để có đứa trẻ làm công cụ đi lang thang bán hàng, xin tiền của khách. Được biết, một đứa trẻ có thể thu nhập từ vài trăm nghìn đồng/ngày.
Bà Hoàng Thị Thúy Hồng, Trưởng phòng Lao động – Thương binh và Xã hội thị xã Sa Pa cho biết: Theo quy định tại Khoản 2, Điều 4, Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em năm 2004, Nghị định số 71/2011/NĐ-CP ngày 22/8/2011 Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em thì hành vi bắt trẻ em, tập hợp, chứa chấp trẻ em, cho thuê, cho mượn trẻ em để đi lang thang kiếm sống, ăn xin hoặc thực hiện các hoạt động khác nhằm mục đích trục lợi là một trong những hành vi vi phạm quyền trẻ em và nghiêm cấm mọi tổ chức, cá nhân dụ dỗ, lôi kéo trẻ em đi lang thang; lợi dụng trẻ em lang thang để trục lợi. Tổ chức, cá nhân có hành vi xâm hại quyền trẻ em, đặc biệt là với mục đích trục lợi đều phải chịu trách nhiệm đối với hành vi của mình. Tùy thuộc vào mức độ, tính chất nghiêm trọng của hành vi, họ có thể bị xử lý hành chính hoặc phải chịu trách nhiệm hình sự.
Nói không với tình trạng đeo bám, chèo kéo du khách
Để ngăn chặn và chấm dứt tình trạng trẻ em đu bám, chèo kéo khách du lịch, thị xã Sa Pa đã tích cực tuyên truyền, xử lý tình trạng này với nhiều hình thức.
Là phường trung tâm, tập trung nhiều du khách, thời gian gần đây, Đội kiểm tra trật tự đô thị phường Sa Pa sử dụng xe lưu động, dùng loa tuyên truyền trên các tuyến phố. Ngoài xe tuyên truyền, các thành viên trong đội còn có mặt tại các vị trí đông người để đảm bảo trật tự an toàn, nhắc nhở các phương tiện dừng đỗ xe đúng quy định và tuyên truyền, vận động các đối tượng bán hàng rong, chèo kéo, đeo bám du khách trở về địa phương.
Xe lưu động của Đội kiểm tra trật tự đô thị phường Sa Pa tuyên truyền, nhắc nhở người dân.
Ông Đỗ Trọng Nguyên, Chủ tịch UBND phường Sa Pa cho biết: Mỗi ngày 3 buổi, chia làm 2 ca/buổi, mỗi ca 1 giờ đồng hồ, Đội kiểm tra trật tự đô thị của phường sẽ đi xe lưu động đến từng con phố dùng loa để tuyên truyền người dân, du khách không mua hàng, cho tiền trẻ em bán hàng. Đặc biệt, tăng cường tuyên truyền dịp cuối tuần và khu vực tập trung đông khách du lịch. Ngoài ra, UBND phường còn tuyên truyền trong các buổi họp ở tổ dân phố, phối hợp với các cơ quan, các xã, phường lân cận để chung tay ngăn chặn tình trạng trên.
Người dân ký cam kết không chèo kéo du khách.
Để chấm dứt tình trạng trên còn cần sự vào cuộc của các ban, ngành. Phòng Văn hóa – Thông tin thị xã đã tập trung tuyên truyền bằng tờ rơi viết chữ song ngữ Anh – Việt, loa phát thanh, tổ chức hội thảo tại địa phương, đăng clip trên mạng xã hội… Bên cạnh đó, kể từ tháng 8/2020, thị xã Sa Pa đưa ra giải pháp chuyển đổi mục đích sinh kế cho các bà mẹ. Theo đó, họ sẽ được đăng ký địa điểm bán hàng tại khu du lịch, làm tại các nhà hàng, khách sạn, mở homestay… thay vì đem con nhỏ đi bán hàng. Tuy nhiên, đến nay chỉ có khoảng 30% số lượng các bà mẹ lợi dụng con nhỏ bán hàng rong tham gia chương trình chuyển đổi mục đích sinh kế, số còn lại chưa tham gia bởi họ vẫn tiếc khoản thu nhập từ việc đem trẻ em đi bán hàng rong. Hiện, thị xã Sa Pa cũng đang triển khai giải tỏa mặt bằng khu trưng bày các sản phẩm Sa Pa của các doanh nghiệp để cải tạo thành không gian bán hàng cho người dân.
Bà Hoàng Thị Vượng, Trưởng Phòng Văn hóa – Thông tin thị xã Sa Pa cho biết: Những phương pháp thị xã đang làm mong muốn giải quyết tình trạng các bà mẹ, người thân lợi dụng trẻ em để trục lợi trên sự thương hại của du khách. Đồng thời tạo việc làm ổn định, tạo sinh kế cho người dân. Với tinh thần cầu thị, vì một hình ảnh Sa Pa đẹp trong mắt du khách, chúng tôi mong muốn được du khách đồng tình, ủng hộ để chấm dứt tình trạng đeo bám, chèo kéo du khách trên địa bàn thị xã.