Ra mắt sách tranh giúp trẻ em yêu nét đẹp nghề truyền thống

Nhà xuất bản Kim Đồng vừa ra mắt bộ sách "Vang danh nghề cổ" - series tranh truyện độc đáo giới thiệu về các làng nghề thủ công - truyền thống của Việt Nam dành cho bạn đọc nhỏ tuổi.

2.jpg
Bộ sách hấp dẫn của Nhà xuất bản Kim Đồng.

Trên khắp đất nước ta, có biết bao làng nghề thủ công - truyền thống với lịch sử văn hóa lâu đời. Mỗi nghề truyền thống ra đời và phát triển đều gắn với nét đặc trưng về địa lý, khí hậu, thổ nhưỡng hay phong tục riêng của mỗi vùng đất.

Nghề truyền thống được lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác, biến đổi và phát triển nhằm phù hợp với mỗi giai đoạn lịch sử, không chỉ là kế sinh nhai mà còn lưu giữ mạch nguồn văn hóa truyền đời.

Mỗi sản phẩm thủ công truyền thống chứa đựng bao tâm huyết, là minh chứng cho sự tài hoa, khéo léo và sức sáng tạo của người Việt. Ngày nay, những sản phẩm thủ công của nước ta đã được biết đến trên khắp thế giới, góp phần quảng bá văn hóa Việt đến bạn bè năm châu.

Sách được trình bày bắt mắt, phù hợp với bạn đọc nhỏ tuổi.
Sách được trình bày bắt mắt, phù hợp với bạn đọc nhỏ tuổi.

Viết về lịch sử-văn hóa truyền thống cho trẻ em luôn là một đề tài khó và thử thách đối với các tác giả trong nước. Bằng sự trân trọng đối với các giá trị văn hóa truyền thống, mong muốn bảo tồn tinh hoa nghề cổ, "truyền lửa" cho thế hệ tương lai, nhóm tác giả của bộ sách "Vang danh nghề cổ" đã ấp ủ dự án này trong nhiều năm.

"Vang danh nghề cổ" đã phát hành sáu cuốn tại hệ thống nhà sách trên toàn quốc: Lãnh Mỹ A - Huyền thoại lụa, Làng mộc Chàng Sơn - Nét chạm của thời gian, Chạm bạc Đồng Xâm - Gìn giữ tinh hoa, Làng rèn Vân Chàng - Lửa rèn còn mãi, Nước mắm Phú Quốc - Vị ngon đảo ngọc, Làng gốm Bàu Trúc - Đất vàng trên cánh đồng thiêng.

Là người tham gia sản xuất nhiều chương trình truyền hình về làng nghề, tác giả Thành Nguyễn đã có dịp đi khắp Việt Nam, gặp gỡ, trò chuyện với nhiều nghệ nhân, anh chia sẻ: "Ở mỗi làng nghề, những câu chuyện văn hóa, lịch sử về vùng đất được chia sẻ. Khi chấp bút cho bộ sách này, chúng tôi không chỉ hướng tới việc cung cấp cho độc giả quy trình làm ra sản phẩm của làng nghề, mà còn muốn độc giả biết được sự tài hoa của nghệ nhân của nước mình, hiểu được văn hóa, tín ngưỡng và tập tục của vùng đất đó".

Mỗi trang sách mở ra cho các em nhỏ thế giới đầy thú vị về nghề cổ.
Mỗi trang sách mở ra cho các em nhỏ thế giới đầy thú vị về nghề cổ.

Để truyền tải câu chuyện về những nghề cổ truyền của dân tộc theo cách dễ hiểu và sống động nhất, mỗi cuốn trong bộ "Vang danh nghề cổ" được xây dựng giống như một tập phim.

Nhân vật chính của bộ sách là cô bé An khoảng 7 tuổi, vô cùng lém lỉnh, thông minh và ham học hỏi. Qua câu chuyện gợi mở về những đồ dùng gần gũi trong nhà hay những kỷ niệm của gia đình, bé An đã có cơ hội cùng ông bà, bố mẹ có những chuyến trải nghiệm đầy thú vị tại các làng nghề truyền thống ở khắp các tỉnh thành trên cả nước.

Đó là xứ lụa Tân Châu - nơi tạo ra huyền thoại lụa Lãnh Mỹ A (An Giang); làng rèn Vân Chàng (Nam Định) có lịch sử hơn 7 thế kỷ; làng mộc Chàng Sơn (Thạch Thất, Hà Nội), làng nghề mỹ nghệ-trang sức Đồng Xâm (Thái Bình), làng gốm Bàu Trúc (Ninh Thuận) - nơi gìn giữ kỹ thuật nung gốm lộ thiên cổ xưa; đảo ngọc Phú Quốc với nghề làm mắm trứ danh…

Vẻ đẹp tinh hoa nghề chạm bạc trong cuốn sách.
Vẻ đẹp tinh hoa nghề chạm bạc trong cuốn sách.

Khi đến thăm mỗi vùng đất, gia đình bé An sẽ ghé qua các xưởng nghề, gặp gỡ các nghệ nhân và nghe họ giới thiệu về quy trình cơ bản để tạo ra các sản phẩm thủ công nức tiếng bốn phương.

Bên cạnh đó là những câu chuyện về lịch sử làng nghề thuở sơ khai, giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp ẩn chứa trong mỗi sản phẩm thủ công mỹ nghệ, các lễ hội nghề dân gian độc đáo, bức tranh làng nghề xưa và nay, cùng những sự thay đổi để thích ứng với thời cuộc…

Với cách truyền tải dễ hiểu, cô đọng kiến thức, hình hóa, những nội dung kiến thức có tính “chuyên môn", đặc thù, đã trở nên dễ hiểu, dễ đọc với các em nhỏ trong độ tuổi tiểu học.

Các họa sĩ trẻ Bùi Xuân Quỳnh, NGART, Ruốc Đặng tham gia vào dự án cho biết: Bộ sách mang đến lượng thông tin và kiến thức rất phong phú về các nghề truyền thống, vì vậy nhóm họa sĩ đã có quá trình nghiên cứu, tìm hiểu nhiều tư liệu lịch sử-văn hóa để đảm bảo tính chính xác và chân thực của mỗi hình minh họa.

Chúng tôi đã nỗ lực làm cho nội dung trở nên dễ hiểu và gần gũi, giúp các bạn nhỏ không chỉ cảm nhận được nét đẹp của nghề truyền thống mà còn dễ dàng liên tưởng và đồng cảm với các câu chuyện.

Họa sĩ Bùi Xuân Quỳnh

"Việc tìm kiếm tư liệu hình ảnh không quá khó khăn vì có rất nhiều tài liệu, video và hình ảnh sẵn có về các nghề truyền thống. Tuy nhiên, việc chọn lọc tư liệu tham khảo sao cho phù hợp, chính xác và đồng nhất với tinh thần mà bộ sách muốn truyền tải lại là một thử thách", họa sĩ Ruốc Đặng bộc bạch.

Bày tỏ cảm xúc với dự án, họa sĩ NGART xúc động cho biết: "Mặc dù gặp không ít khó khăn trong quá trình thực hiện, nhưng khi nhìn bộ sách được hoàn thiện, chúng tôi thấy rất vui và tự hào vì đã học hỏi và tích lũy được thêm nhiều kiến thức quý giá, giúp hiểu sâu sắc hơn về nét đẹp của nghề truyền thống và ý nghĩa của việc bảo tồn di sản văn hóa dân tộc".

Mỗi cuốn sách mở ra một thế giới đa dạng sắc màu, âm thanh của làng nghề.
Mỗi cuốn sách mở ra một thế giới đa dạng sắc màu, âm thanh của làng nghề.

Bộ sách có minh họa tươi sáng, gần gũi, mang đậm màu sắc Việt, giúp các em nhỏ thêm yêu mến và trân trọng nét đẹp làng nghề truyền thống, thôi thúc cộng đồng chung tay gìn giữ và bảo tồn những nghề cổ đã vang danh sử sách.

Dự kiến trong thời gian tới, bộ sách sẽ ra mắt thêm bốn cuốn viết về: Thúng chai Phú Mỹ - Vươn khơi bám biển, Trống Đọi Tam - Rền vang tiếng sấm, Phường đúc Huế - Kiệt tác di sản và Giấy dó bản Sưng - Vẻ đẹp bình dị.

Theo nhandan.vn

Có thể bạn quan tâm

Tin cùng chuyên mục

Khởi công hai tác phẩm sân khấu kỷ niệm 80 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2-9

Khởi công hai tác phẩm sân khấu kỷ niệm 80 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2-9

Ngày 9/7, tại Hà Nội, Nhà hát Kịch Việt Nam khởi công chương trình nghệ thuật “Bác Hồ một tình yêu bao la” và vở nhạc kịch “Café bánh mì” có sự tham gia của nhiều nghệ sĩ Hàn Quốc. Đây là hai tác phẩm đặc biệt được dàn dựng và công diễn nhân kỷ niệm 80 năm Cách mạng Tháng Tám thành công (19/8/1945 – 19/8/2025) và Quốc khánh 2/9.

Gìn giữ nét đẹp văn hóa Then Giáy

Gìn giữ nét đẹp văn hóa Then Giáy

Trong đời sống văn hóa tâm linh của đồng bào dân tộc Giáy ở Bát Xát, cúng Then, làm Then là một nghi thức quan trọng nhằm hóa giải những điều không may mắn, cầu mong thần linh phù hộ cho con người luôn khỏe mạnh, cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Tuy nhiên, chỉ những người có duyên, am hiểu sâu sắc về văn hóa, thuộc nhiều bài cúng mới có thể làm Thầy Then và đi hành lễ.

Để di sản tỏa sáng trong đời sống đương đại

Để di sản tỏa sáng trong đời sống đương đại

Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) năm 2024 đã chính thức đi vào đời sống với nhiều điểm mới, thể hiện rõ tính ưu việt, mở ra những kỳ vọng đối với công tác bảo tồn và phát huy di sản văn hóa một cách hiệu quả trong kỷ nguyên mới.

Bản sắc và hội nhập

Bản sắc và hội nhập

Lào Cai và Yên Bái - hai vùng đất ở thượng nguồn sông Hồng, chung một mái nhà dưới dãy Hoàng Liên Sơn hùng vĩ, đã chính thức hợp nhất thành tỉnh Lào Cai mới theo Nghị quyết 202/2025/QH15 ngày 12/6/2025 của Quốc hội khóa XV. Tỉnh Lào Cai mới không chỉ mở rộng về không gian địa lý, tăng quy mô dân số mà còn là điểm hội tụ tinh hoa văn hóa của vùng Tây Bắc, mở ra nhiều cơ hội hội nhập và phát triển từ việc phát huy giá trị các di sản văn hóa, vững bước vào kỷ nguyên mới.

Viết giữa gian bếp nhỏ

Viết giữa gian bếp nhỏ

Góc làm việc của bà không phải phòng riêng, chỉ là chiếc bàn bên căn bếp nhỏ. Trên giá sách kế bên là những cuốn sách, tài liệu cũ quý giá, những thứ mà bà đã dành nhiều năm để sưu tầm, nghiên cứu. Đó là ấn tượng đầu tiên khi tôi có mặt tại nhà bà Trần Thị Minh, hội viên Hội Văn học - Nghệ thuật cũng là hội viên Hội Nhà báo tỉnh.

Rơm vàng kể chuyện tái sinh

Rơm vàng kể chuyện tái sinh

Ngày hè, nắng như rót mật xuống những thửa ruộng ở thung lũng Nghĩa Đô, cũng là lúc những sợi rơm vàng óng phơi mình trên bãi đất sau mùa gặt. Ở Nghĩa Đô, rơm không còn là phế phẩm nông nghiệp chỉ dùng để đun nấu hay lót chuồng trại chăn nuôi gia súc. Rơm đang “sống lại” trong những đôi tay tài hoa của phụ nữ bản người Tày, bản người Dao bên bếp lửa, dưới mái nhà sàn; hay góc sân nhỏ của những ngày nông nhàn sau mùa gặt, trong những câu chuyện đời thường đẹp như thơ…

fb yt zl tw