
The Manor Tower Lào Cai - tòa tháp phức hợp cao cấp đầu tiên tại trung tâm thành phố Lào Cai đã đón những chủ nhân mới vào sinh sống từ cuối năm 2024. Dự án có diện tích xây dựng 8.870 m2, tổng diện tích sàn xây dựng 79.588 m2, mật độ xây dựng 58%, gồm 1 tầng hầm và 25 tầng nổi, cao 99,85 m. Số lượng và cơ cấu bất động sản của dự án gồm 259 căn hộ ở, 100 phòng khách sạn, 44 căn condotel (căn hộ khách sạn) cùng sản phẩm khác như trung tâm thương mại, dịch vụ (hội nghị, trung tâm thương mại...).
Nằm ở vị trí trung tâm thành phố Lào Cai và kết nối giao thông thuận tiện, The Manor Tower Lào Cai góp phần thay đổi diện mạo thành phố, tạo cơ hội cho người dân nơi đây được trải nghiệm điều kiện sống không thua kém các thành phố lớn của cả nước.

Trước đó, trên địa bàn thành phố Lào Cai cũng có nhiều dự án nhà ở cao tầng được xây dựng như tòa nhà chung cư Tecco Lào Cai, khách sạn Mường Thanh, khách sạn Sapaly, khách sạn Aristo. Hiện nay, các dự án nhà ở xã hội đang triển khai cũng được thiết kế là các khu nhà ở cao tầng hiện đại. Trong đó, dự án nhà ở xã hội khu bờ tả sông Hồng (xã Vạn Hòa) có 4 tòa nhà cao 12 tầng với 760 căn hộ; dự án nhà ở xã hội khu dân cư giáp B6 kéo dài (phường Bắc Lệnh) có 4 tòa nhà, cao từ 18 tầng đến 23 tầng với 2.192 căn hộ; dự án nhà ở xã hội tại phường Cốc Lếu gồm 1 khối chung cư cao 7 tầng với 164 căn hộ...
Quy hoạch các khu nhà cao tầng tại thành phố Lào Cai không đơn thuần đáp ứng nhu cầu nhà ở ngày càng tăng mà còn là giải pháp nhằm tiết kiệm quỹ đất, tạo điều kiện phát triển các tiện ích công cộng và nâng cao chất lượng sống cho người dân. Kiến trúc sư Nguyễn Giang Thi, Giám đốc Công ty Cổ phần Tư vấn kiến trúc - quy hoạch - xây dựng Lào Cai cho biết: Trong xu hướng phát triển đô thị nén, việc xây dựng các khu nhà cao tầng mang lại nhiều lợi ích thiết thực. Trước hết là tiết kiệm quỹ đất, bởi khi dân số ngày càng đông, diện tích đất ở trở nên khan hiếm, nhà cao tầng là giải pháp hiệu quả để sử dụng tối ưu không gian, giảm áp lực về nhu cầu đất ở.

Theo các chuyên gia đô thị, xét về quan điểm quản lý nhà cao tầng là phản ánh hiệu quả sử dụng đất đai. Đơn cử, cùng một khu đất rộng khoảng 1 ha nếu xây các căn nhà thấp tầng san sát với diện tích trung bình 80 m2/căn, mật độ xây dựng chiếm khoảng 80% diện tích đất thì có khoảng 100 căn nhà. Giả sử trung bình mỗi gia đình có 4 người thì khu đất này có mật độ dân cư khoảng 400 người/ha. Tuy nhiên, nếu xây nhà cao tầng cho 400 người thì chỉ cần một tòa nhà chung cư 25 tầng và diện tích đất cần là 1.150 m2, tương đương gần 10% diện tích khu đất 1 ha.
Việc tiết kiệm quỹ đất từ các khu nhà cao tầng tạo điều kiện để đầu tư vào các công viên, cây xanh, khu vui chơi và không gian công cộng. Đây là yếu tố quan trọng để xây dựng một đô thị xanh, đáng sống. Bằng cách dành quỹ đất cho việc mở rộng đường sá, xây dựng hệ thống giao thông hiện đại, thành phố có thể giảm thiểu ùn tắc và gia tăng sự kết nối giữa các khu vực. Một trong những yếu tố không kém phần quan trọng là các tòa nhà cao tầng với kiến trúc hiện đại là một phần không thể thiếu trong việc tạo nên diện mạo mới cho thành phố, giúp Lào Cai ngày càng trở nên năng động và thu hút đầu tư.

Tuy nhiên, việc phát triển các khu nhà cao tầng cũng đặt ra những thách thức không nhỏ, đòi hỏi sự cẩn trọng trong công tác quy hoạch, thiết kế kiến trúc và quản lý đô thị. Đầu tiên kể đến việc quy hoạch phải được thực hiện một cách bài bản, đảm bảo sự hài hòa giữa các khu nhà cao tầng với không gian xung quanh, tránh tình trạng phát triển tự phát, thiếu đồng bộ. Các tòa nhà cao tầng cần được thiết kế không chỉ để tối đa hóa diện tích sử dụng mà còn phải mang đậm dấu ấn thẩm mỹ, phù hợp với đặc trưng văn hóa và cảnh quan địa phương. Ngoài ra, sự phát triển của các khu nhà cao tầng đòi hỏi hệ thống hạ tầng kỹ thuật và xã hội phải được nâng cấp tương ứng, từ giao thông, cấp thoát nước đến quản lý dân cư.

Kinh nghiệm từ các đô thị trong và ngoài nước cho thấy một trong những yếu tố then chốt để đảm bảo sự phát triển bền vững của các khu nhà cao tầng là quy hoạch giao thông và hạ tầng kết nối. Khi mật độ dân cư tại các khu nhà cao tầng tăng lên đồng nghĩa với lượng phương tiện giao thông cá nhân cũng tăng theo, dễ dẫn đến tình trạng ùn tắc giao thông nếu không có sự chuẩn bị phù hợp. Vì vậy, cần có giải pháp phát triển hệ thống giao thông công cộng, gắn kết các khu nhà cao tầng với hệ thống giao thông công cộng như xe buýt, tàu điện hoặc các tuyến xe công cộng liên vùng giúp giảm áp lực từ phương tiện cá nhân. Đây là giải pháp quan trọng để đảm bảo sự thuận tiện trong di chuyển cho cư dân, đồng thời giảm thiểu ô nhiễm môi trường.

Kiến trúc sư Nguyễn Giang Thi cho rằng, để đô thị Lào Cai phát triển bền vững trong bối cảnh xây dựng các khu nhà cao tầng cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan chức năng, nhà đầu tư và cộng đồng dân cư. Quy hoạch phải được thực hiện trên cơ sở nghiên cứu kỹ lưỡng, có sự tham vấn từ các chuyên gia trong và ngoài nước nhằm đảm bảo sự phát triển hài hòa giữa hiện đại hóa và bảo tồn các giá trị văn hóa, thiên nhiên. Song song với đó, việc chú trọng đầu tư vào các công trình xanh, thân thiện với môi trường cũng sẽ giúp Lào Cai trở thành đô thị kiểu mẫu, vừa hiện đại vừa bền vững, đáp ứng xu thế chung của thế giới.