Các phương tiện vận tải phải xuất và nhập cảnh tại cùng một cửa khẩu.
(PLVN) - Bộ Giao thông Vận tải vừa ban hành Thông tư 37/2023/TT-BGTVT quy định về quản lý hoạt động vận tải đường bộ qua biên giới bao gồm cả quy định đối với hoạt động vận tải đường bộ giữa Việt Nam và Trung Quốc trong khuôn khổ Hiệp định vận tải đường bộ Việt Nam - Trung Quốc.
Gắn ký hiệu phân biệt quốc gia nơi phương tiện được đăng ký
Thông tư quy định, đối với phương tiện vận tải trong hoạt động vận tải đường bộ giữa Việt Nam và Trung Quốc, Thông tư 37/2023/TT-BGTVT quy định bao gồm phương tiện vận tải đường bộ và xe công vụ.
Cụ thể, phương tiện vận tải đường bộ là xe ô tô chở hàng, xe rơ moóc, xe đầu kéo, xe sơ mi rơ moóc dùng để vận chuyển hàng hoá; xe ô tô chở khách dùng để vận chuyển người và hành lý trong vận tải hành khách, được đăng ký trong lãnh thổ của một Bên ký kết. Xe công vụ là xe của các cơ quan nhà nước, các cơ quan của Đảng và đoàn thể, tổ chức chính trị xã hội các cấp đi công tác.
Chủ phương tiện vận tải hoặc cơ quan quản lý xe công vụ của một Bên ký kết hoạt động trên lãnh thổ của Bên ký kết kia phải mua bảo hiểm trách nhiệm dân sự bắt buộc đối với người thứ ba của cơ quan bảo hiểm nước đến.
Thông tư 37/2023/TT-BGTVT nêu rõ, phương tiện vận tải qua lại biên giới, ngoài biển đăng ký, phải gắn ký hiệu phân biệt quốc gia nơi phương tiện được đăng ký. Ký hiệu phân biệt được gắn phía trước và phía sau phương tiện ở vị trí dễ thấy.
Ký hiệu phân biệt quốc gia cho phương tiện vận tải của mỗi Bên ký kết như sau: Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa: CHN; Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam: VN.
Về phạm vi hoạt động của phương tiện, đối với phương tiện vận tải hành khách định kỳ (theo tuyến cố định) khởi hành từ bến xe đầu tuyến và kết thúc tại bến xe cuối tuyến theo phương án khai thác tuyến vận tải hành khách định kỳ giữa Việt Nam và Trung Quốc đã được cơ quan quản lý tuyến thông báo khai thác tuyến theo quy định tại Nghị định 119/2021/NĐ-CP.
Phương tiện vận tải hành khách không định kỳ (theo hợp đồng và vận tải khách du lịch) được hoạt động qua các cặp cửa khẩu và tuyến đường được quy định. Phương tiện vận tải hàng hóa được hoạt động qua các cặp cửa khẩu và tuyến đường quy định.
Đối với xe công vụ của một Bên ký kết khi vào lãnh thổ của Bên ký kết kia phải hoạt động theo tuyến đường, cửa khẩu mà Bên ký kết kia chỉ định, đồng thời phải tuân thủ các quy định về quản lý phương tiện nhập cảnh của nước đến.
Các phương tiện vận tải phải xuất và nhập cảnh tại cùng một cửa khẩu
Cũng theo Thông tư 37/2023/TT-BGTVT, phương tiện vận tải đường bộ và xe công vụ phải có các giấy tờ hợp lệ, còn hiệu lực và xuất trình cho các cơ quan có thẩm quyền khi được yêu cầu.
Cụ thể, phương tiện vận tải hành khách phải có các giấy tờ sau: Giấy phép vận tải; giấy chứng nhận đăng ký xe; giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường; danh sách hành khách đối với xe vận chuyển hành khách định kỳ hoặc danh sách hành khách đối với xe vận chuyển hành khách không định kỳ; giấy chứng nhận bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự đối với người thứ ba; hợp đồng vận chuyển hành khách (nếu là phương tiện vận tải hành khách theo hợp đồng) hoặc lộ trình du lịch mà công ty du lịch nước chủ nhà xác nhận (nếu là phương tiện vận chuyển hành khách du lịch); các giấy tờ có liên quan tại cửa khẩu áp dụng đối với xe xuất nhập cảnh.
Đối với phương tiện vận tải hàng hoá các giấy tờ bao gồm: Giấy phép vận tải; giấy chứng nhận đăng ký xe; giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường; phiếu gửi hàng; tờ khai hải quan đối với hàng hoá; giấy chứng nhận bảo hiểm trách nhiệm dân sự đối với người thứ ba; các giấy tờ có liên quan tại cửa khẩu áp dụng đối với xe xuất nhập cảnh.
Xe công vụ phải có các giấy tờ hợp lệ, còn hiệu lực gồm: Giấy phép vận tải; giấy chứng nhận đăng ký xe; giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường; giấy chứng nhận bảo hiểm trách nhiệm dân sự đối với người thứ ba; các giấy tờ có liên quan tại cửa khẩu áp dụng đối với xe xuất nhập cảnh.
Ngoài ra, Thông tư 37/2023/TT-BGTVT quy định đối với lái xe qua lại biên giới phải mang theo các giấy tờ hợp lệ, còn hiệu lực khi xuất, nhập cảnh tại cửa khẩu bao gồm: Hộ chiếu hoặc giấy tờ đi lại quốc tế có giá trị thay hộ chiếu và thị thực do cơ quan có thẩm quyền cấp (trừ trường hợp được miễn thị thực); giấy phép lái xe phù hợp với loại xe điều khiển. Và phải chịu sự kiểm tra, kiểm soát của các cơ quan chuyên ngành tại cửa khẩu.
Theo Thông tư 37/2023/TT-BGTVT, cơ quan quản lý vận tải tại cửa khẩu là Trạm Quản lý vận tải cửa khẩu được thành lập theo quy định tại Hiệp định vận tải đường bộ Việt - Trung.
Trạm Quản lý vận tải cửa khẩu có nhiệm vụ kiểm tra Giấy phép vận tải của phương tiện, Ký hiệu phân biệt quốc gia, các giấy tờ có liên quan đến vận tải; đóng dấu của Trạm vào Giấy phép vận tải tại nơi quy định trên Giấy phép vận tải. Đối với Giấy phép vận tải loại A, E cấp cho phương tiện vận tải hành khách định kỳ có hiệu lực qua lại nhiều lần trong năm thì không thực hiện đóng dấu trên Giấy phép vận tải. Kiểm tra các phương tiện vận tải hàng siêu trường, siêu trọng, hàng nguy hiểm của Việt Nam và Trung Quốc, duy trì trật tự thị trường vận tải tại cửa khẩu.
Thống kê số liệu, cập nhật và báo cáo về hoạt động vận tải đường bộ Việt - Trung theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền. Phối hợp với các cơ quan chức năng khác tại cửa khẩu thực hiện các nhiệm vụ khác theo quy định.
Thông tư 37/2023/TT-BGTVT quy định các phương tiện vận tải phải xuất và nhập cảnh tại cùng một cửa khẩu (không bao gồm phương tiện vận tải khách du lịch hoặc theo hợp đồng).
Thông tư 37/2023/TT-BGTVT có hiệu lực từ ngày 1/3/2024.