Thông tư này áp dụng cho cán bộ, công chức, viên chức trong các cơ quan Nhà nước, cơ quan Đảng, đơn vị sự nghiệp công lập, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội... được cử đi công tác hoặc được cử đi bồi dưỡng ngắn hạn ở nước ngoài do ngân sách Nhà nước đảm bảo kinh phí (gọi chung là đi công tác). Thời gian công tác ngắn hạn ở nước ngoài không quá 180 ngày cho một đợt công tác.
Theo Thông tư, những khoản thanh toán trực tiếp cho cá nhân người đi công tác nước ngoài gồm: Tiền vé các phương tiện đi lại; Tiền thuê phòng nghỉ ở nước đến công tác; tiền ăn và tiêu vặt ở nước đến công tác; lệ phí thị thực, lệ phí cấp hộ chiếu...
Những khoản thanh toán chung cho cả đoàn gồm: Tiền cước hành lý, tài liệu mang theo phục vụ cho đợt công tác; tiền thuê phương tiện đi làm việc hàng ngày tại nước đến công tác; tiền thuê phương tiện trong trường hợp phải quá cảnh; tiền điện thoại, fax, internet...
Thông tư nêu rõ, ngoài mức công tác phí quy định tại Thông tư này, cơ quan, đơn vị cử người đi công tác và cơ quan, đơn vị của Việt Nam đóng tại nước sở tại nơi người đi công tác đến làm việc không được sử dụng ngân sách Nhà nước để chi thêm bất cứ khoản chi nào dưới bất kỳ hình thức nào cho người đi công tác.
Trong 15 ngày làm việc kể từ khi về nước, đoàn đi công tác nước ngoài có trách nhiệm tập hợp đầy đủ chứng từ, thực hiện quyết toán kinh phí đã tạm ứng để cơ quan, đơn vị tổng hợp gửi Kho bạc Nhà nước nơi giao dịch để được thanh toán tạm ứng; cuối năm tổng hợp chung trong báo cáo quyết toán của đơn vị.
Trong 7 ngày làm việc kể từ khi nhận được hồ sơ thanh toán tạm ứng của cơ quan, đơn vị, Kho bạc Nhà nước có trách nhiệm thực hiện thanh toán tạm ứng kinh phí cho cơ quan, đơn vị.
Các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế được vận dụng chế độ công tác phí quy định tại Thông tư này để thực hiện đảm bảo tiết kiệm, hiệu quả và phù hợp với đặc điểm sản xuất kinh doanh của đơn vị.
Thông tư có hiệu lực từ ngày 10-8-2012.