Thủ tướng chỉ thị xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2026

Thủ tướng Chính phủ vừa có Chỉ thị số 14/CT-TTg ngày 28/5/2025 về xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2026.

Xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2026. Ảnh: baochinhphu.vn
Xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2026. Ảnh: baochinhphu.vn

Chỉ thị nêu: Năm 2025, tình hình thế giới biến động nhanh, phức tạp, khó lường, nhiều khó khăn, thách thức, đặc biệt là chính sách thuế quan của Mỹ và cạnh tranh chiến lược nước lớn, triển vọng tăng trưởng toàn cầu suy giảm; khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, trí tuệ nhân tạo phát triển mạnh mẽ, mang lại cả cơ hội và thách thức đối với các quốc gia.

Trong nước, tình hình chính trị - xã hội, kinh tế vĩ mô ổn định, tăng trưởng kinh tế phục hồi tích cực; chủ động ứng phó từ sớm, kịp thời, hiệu quả với chính sách thuế của Mỹ và thúc đẩy thương mại hài hòa, bền vững; đồng thời hoàn thành việc sắp xếp tổ chức bộ máy, xây dựng chính quyền địa phương hai cấp, tạo không gian phát triển mới; đẩy mạnh 3 đột phá, "bộ tứ trụ cột" và các chiến lược về khoa học công nghệ, hội nhập quốc tế, phát triển kinh tế tư nhân, xây dựng và thi hành pháp luật, chăm sóc sức khỏe nhân dân, giáo dục và đào tạo.

Năm 2026 là năm diễn ra Đại hội lần thứ XIV của Đảng, tổ chức bầu cử đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp, cũng là năm đầu triển khai Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2026 - 2030, bước vào Kỷ nguyên vươn mình phát triển giàu mạnh, thịnh vượng của dân tộc, tăng trưởng hai con số ngay từ năm 2026. Tuy nhiên, tình hình thế giới dự báo tiếp tục có những thay đổi sâu sắc, phức tạp, khó lường, nhiều khó khăn, thách thức. Nền kinh tế tập trung giải quyết các điểm nghẽn, vấn đề nội tại, đồng thời thích ứng hiệu quả hơn với bối cảnh toàn cầu mới.

Trong bối cảnh đó, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước, các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (các bộ, cơ quan trung ương và địa phương) không ngừng đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, không để lãng phí thời gian và cơ hội, coi người dân, doanh nghiệp là trung tâm, chủ thể của mọi chính sách, phát huy ý chí tự lực, tự cường và khát vọng vươn lên, chung sức, đồng lòng, biến mọi khó khăn, thách thức thành cơ hội bứt phá, quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt để tăng trưởng cả nước năm 2026 đạt hai con số và hoàn thành các mục tiêu đề ra, tạo đà thực hiện thắng lợi Kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 5 năm 2026 - 2030. Tập trung xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế xã hội, dự toán ngân sách nhà nước năm 2026 và Kế hoạch tài chính - Ngân sách nhà nước 3 năm 2026 - 2028.

Thực hiện giải pháp đồng bộ, đảm bảo mục tiêu tăng trưởng hai con số

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Kế hoạch phát triển kinh tế xã hội năm 2026 được xây dựng trên cơ sở đánh giá đầy đủ, thực chất kết quả thực hiện Kế hoạch năm 2025 và dự báo tình hình thế giới, trong nước; phân tích, dự báo, chủ động các phương án, giải pháp đồng bộ, có trọng tâm, trọng điểm, đảm bảo mục tiêu tăng trưởng hai con số.

Các bộ, cơ quan trung ương, địa phương xây dựng báo cáo Kế hoạch phát triển kinh tế xã hội năm 2026 với các nội dung chủ yếu, gồm:

Đánh giá tình hình thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế xã hội năm 2025 đúng thực chất. Trên cơ sở kết quả thực hiện 6 tháng năm 2025, các bộ, cơ quan trung ương và địa phương tổ chức đánh giá và ước thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế xã hội năm 2025 trên tất cả các ngành, lĩnh vực được phân công phụ trách, quản lý.

Trong đó, tập trung làm rõ một số vấn đề cụ thể sau:

Công tác rà soát, bổ sung, hoàn thiện thể chế gắn với nâng cao hiệu lực, hiệu quả tổ chức thi hành pháp luật theo Nghị quyết số 66-NQ/TW của Bộ Chính trị; cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, quy định kinh doanh, tháo gỡ các điểm nghẽn; giải quyết các dự án tồn đọng; xây dựng khung khổ pháp lý để triển khai các Nghị quyết của Bộ Chính trị về kinh tế tư nhân, đổi mới sáng tạo... Hoàn thiện các quy định về sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy Nhà nước, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền...

Điều hành, phối hợp chặt chẽ, đồng bộ, hài hòa, hiệu quả các chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa và các chính sách vĩ mô khác. Làm rõ công tác điều hành tín dụng, lãi suất, tỷ giá, quản lý thị trường vàng; thu chi ngân sách nhà nước; điều hành giá; các chính sách miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất...; thúc đẩy đầu tư công; thu hút vốn đầu tư nước ngoài; thúc đẩy thương mại hài hòa, bền vững với các đối tác; tạo đột phá cho các động lực tăng trưởng mới.

Công tác sắp xếp tổ chức bộ máy; tăng cường phân cấp, phân quyền, nâng cao trách nhiệm người đứng đầu; kỷ luật, kỷ cương, hành chính gắn với kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực và phân bổ nguồn lực, nâng cao năng lực thực thi; công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, lợi ích nhóm; đẩy mạnh sắp xếp, xử lý hiệu quả tài sản công sau sáp nhập, tinh gọn tổ chức bộ máy.

Tập trung hoàn thiện hệ thống hạ tầng chiến lược đồng bộ, hiện đại, ưu tiên công trình giao thông trọng điểm, quan trọng quốc gia, hệ thống đường bộ cao tốc, các dự án có tính liên vùng và hạ tầng đô thị lớn, hạ tầng chuyển đổi số; kết nối hệ thống cao tốc với sân bay, cảng biển và triển khai hệ thống đường sắt tốc độ cao, đường sắt đô thị; tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các dự án quy mô lớn. Thu hút đầu tư các dự án kết cấu hạ tầng theo phương thức đối tác công tư.

Thực hiện cơ cấu lại các ngành, lĩnh vực và trong nội ngành gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh, tính tự chủ, khả năng thích ứng và sức chống chịu của nền kinh tế. Phát triển toàn diện các lĩnh vực văn hóa, xã hội, bảo đảm gắn kết hài hòa với phát triển kinh tế; bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao đời sống Nhân dân. Đổi mới, nâng cao chất lượng chính sách xã hội đáp ứng yêu cầu phát triển...

Kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội năm 2026 phải cụ thể, có định lượng, rõ kết quả

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, cơ quan trung ương và địa phương nghiên cứu, xác định các vấn đề cơ bản của Kế hoạch năm 2026, trong đó các mục tiêu, chỉ tiêu tăng trưởng, phát triển phải cụ thể, có định lượng, rõ kết quả, bảo đảm mục tiêu tăng trưởng cả nước đạt hai con số trong năm 2026 và phù hợp với điều kiện thực tiễn, trình độ phát triển.

Về các định hướng, nhiệm vụ chủ yếu phát triển kinh tế xã hội năm 2026, cần tiếp tục đẩy nhanh việc hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường đầy đủ, theo định hướng xã hội chủ nghĩa, hiện đại, năng động và hội nhập. Xác định công tác xây dựng và thi hành pháp luật là "đột phá của đột phá" trong hoàn thiện thể chế phát triển đất nước. Đẩy mạnh cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, khuyến khích đổi mới sáng tạo, thu hút mọi nguồn lực cho phát triển; tập trung rà soát, cắt giảm thủ tục hành chính, chuyển từ "tiền kiểm" sang "hậu kiểm", giảm chi phí tuân thủ cho người dân và doanh nghiệp. Sửa đổi, bổ sung, ban hành mới văn bản pháp luật đảm bảo cơ sở pháp lý đồng bộ cho hoạt động của bộ máy nhà nước theo mô hình ba cấp.

Phối hợp đồng bộ, hiệu quả các chính sách tài khóa, tiền tệ, đầu tư, thị trường, giá cả, thương mại và các chính sách khác để thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế hai con số gắn với giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, các cân đối lớn của nền kinh tế, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.

Đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, cơ cấu lại nền kinh tế, tạo lập mô hình tăng trưởng mới, chất lượng cao, tăng năng suất lao động. Tiếp tục cơ cấu lại 3 lĩnh vực trọng tâm về đầu tư công, doanh nghiệp nhà nước và các tổ chức tín dụng. Cơ cấu lại các ngành sản xuất và dịch vụ theo hướng hiện đại, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả. Triển khai đồng bộ các giải pháp kích cầu tiêu dùng, thúc đẩy xuất khẩu; đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công. Đẩy mạnh xây dựng thương hiệu quốc gia, phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.

Phát triển kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng nhất của nền kinh tế quốc gia, là lực lượng tiên phong thúc đẩy tăng trưởng, tạo việc làm, nâng cao năng suất lao động, năng lực cạnh tranh quốc gia, công nghiệp hóa, hiện đại hóa, tái cấu trúc nền kinh tế theo hướng xanh, tuần hoàn, bền vững theo yêu cầu tại Nghị quyết số 68-NQ/TW của Bộ Chính trị; thúc đẩy tinh thần kinh doanh trong toàn xã hội.

Tiếp tục đẩy nhanh xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, nhất là hạ tầng giao thông, khai thác không gian phát triển mới, lấy đô thị làm động lực phát triển vùng. Thực hiện hiệu quả các quy hoạch, phát triển hạ tầng vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Tập trung nguồn lực cho hạ tầng chiến lược, trọng điểm; phát triển hạ tầng năng lượng đáp ứng yêu cầu tăng trưởng kinh tế cao, bảo đảm an ninh năng lượng. Phát triển kinh tế số, xã hội số, thúc đẩy ứng dụng công nghệ số.

Tiếp tục thực hiện hiệu quả đổi mới căn bản, toàn diện, đột phá phát triển giáo dục và đào tạo, nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển; nâng cao chất lượng giáo dục các cấp học, đào tạo toàn diện, chú trọng công tác giáo dục và đào tạo vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số; hoàn thiện hệ thống giáo dục theo định hướng mở, linh hoạt, liên thông, tạo cơ hội học tập suốt đời cho mọi công dân và thực hiện đào tạo theo nhu cầu của thị trường lao động.

Tạo môi trường đầu tư thông thoáng, minh bạch; thu hút nguồn vốn trong và ngoài nước cho phát triển khoa học công nghệ, các cơ sở nghiên cứu, các ngành công nghệ cao, công nghệ chiến lược, công nghệ lõi, công nghệ nguồn, công nghệ số; thúc đẩy khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số.

Đổi mới mô hình quản trị quốc gia theo hướng hiện đại. Tiếp tục xây dựng và hoàn thiện tổ chức bộ máy tinh, gọn, mạnh, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả. Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền gắn với phân bổ nguồn lực, nâng cao năng lực thực thi và tăng cường kiểm tra, giám sát. Tăng cường kiểm soát quyền lực; phòng chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, lợi ích nhóm, lợi ích cục bộ. Siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính. Xây dựng đội ngũ cán bộ có trình độ, năng lực, phẩm chất đạo đức tốt, có khát vọng vươn lên, khát vọng phát triển; bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung.

Chú trọng, làm tốt công tác an sinh xã hội, phát triển văn hóa, giáo dục, y tế, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần và sức khỏe nhân dân. Tăng cường phòng chống thiên tai, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo đảm an ninh nguồn nước; quản lý, sử dụng hiệu quả tài nguyên và bảo vệ môi trường; thực hiện mục tiêu phát triển bền vững; phát triển kinh tế tuần hoàn.

Bảo đảm vững chắc quốc phòng, an ninh; kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ và giữ vững độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc; giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Tập trung thực hiện hiện đại hóa cơ sở vật chất của lực lượng Quân đội nhân dân, Công an nhân dân; phát triển nền công nghiệp quốc phòng, an ninh tự lực, tự cường, hiện đại, lưỡng dụng.

Triển khai đồng bộ, toàn diện, hiệu quả công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế, góp phần củng cố môi trường hòa bình, ổn định và thuận lợi cho phát triển. Tăng cường thông tin, tuyên truyền, nâng cao hiệu quả công tác dân vận, củng cố niềm tin, tạo đồng thuận xã hội.

Xây dựng dự toán ngân sách nhà nước năm 2026

Về dự toán ngân sách nhà nước năm 2026, Chỉ thị nêu rõ, dự toán thu ngân sách nhà nước năm 2026 phải được xây dựng theo đúng chính sách, chế độ hiện hành, đảm bảo thu đúng, thu đủ và kịp thời các nguồn thu của ngân sách nhà nước, tính toán cụ thể các yếu tố tăng, giảm và dịch chuyển nguồn thu do thay đổi chính sách pháp luật về ngân sách, thuế, phí, lệ phí và thực hiện lộ trình cắt giảm thuế, dự báo tình hình kinh tế, tài chính thế giới và trong nước. Tăng cường công tác quản lý, chống thất thu; quản lý có hiệu quả các nguồn thu mới, quyết liệt xử lý nợ đọng thuế và kiểm soát chặt chẽ hoàn thuế.

Phấn đấu dự toán thu nội địa năm 2026 (không kể thu tiền sử dụng đất, thu xổ số kiến thiết, tiền bán vốn nhà nước tại doanh nghiệp, cổ tức, lợi nhuận sau thuế và chênh lệch thu, chi của Ngân hàng Nhà nước) bình quân cả nước tăng khoảng 10 -12% so với đánh giá ước thực hiện năm 2025 (đã loại trừ các yếu tố tăng, giảm thu do thay đổi chính sách), mức tăng trưởng tại từng địa phương phù hợp với tăng trưởng kinh tế và nguồn thu phát sinh tại từng địa phương. Dự toán thu từ hoạt động xuất nhập khẩu năm 2026 tăng bình quân khoảng 5 - 7% so với đánh giá ước thực hiện năm 2025.

Xây dựng dự toán chi ngân sách nhà nước năm 2026 đảm bảo các quy định của pháp luật; nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ ngân sách nhà nước (nếu có); đáp ứng yêu cầu cơ cấu lại ngân sách gắn với việc đẩy mạnh sắp xếp lại tổ chức bộ máy, xây dựng chính quyền địa phương 2 cấp.

Quán triệt nguyên tắc công khai, minh bạch và yêu cầu thực hành tiết kiệm chống lãng phí ngay từ khâu xác định nhiệm vụ, đảm bảo việc thực hiện các nhiệm vụ thống nhất từ khâu lập dự toán đến triển khai phân bổ, quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước; xây dựng dự toán sát khả năng thực hiện, hạn chế tối đa việc hủy dự toán và chuyển nguồn sang năm sau. Chủ động rà soát các chính sách, nhiệm vụ trùng lắp, sắp xếp thứ tự ưu tiên các khoản chi thực hiện theo mức độ cấp thiết, quan trọng và khả năng triển khai thực hiện năm 2026. Chỉ trình cấp có thẩm quyền ban hành chính sách, đề án, nhiệm vụ mới khi thực sự cần thiết và có nguồn bảo đảm; xác định các khoản giảm chi thường xuyên và chi đầu tư gắn với việc sắp xếp đơn vị hành chính các cấp và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 02 cấp; dự kiến đầy đủ nhu cầu kinh phí thực hiện các chính sách, chế độ, nhiệm vụ mới đã được cấp có thẩm quyền quyết định hoặc cho chủ trương.

Trong đó, đối với các cơ quan, đơn vị có cơ chế tài chính đặc thù: Các cơ quan, đơn vị hành chính nhà nước ở trung ương từ năm 2024 trở về trước được áp dụng cơ chế tài chính đặc thù triển khai lập dự toán thu, chi năm 2026 trên cơ sở quy định ở các văn bản quy phạm pháp luật theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước, Nghị quyết số 104/2023/QH15, Nghị quyết số 142/2024/QH15, Nghị quyết số 160/2024/QH15 của Quốc hội, trường hợp được cấp có thẩm quyền phê duyệt nội dung sửa đổi thì thực hiện theo cơ chế được phê duyệt...

Theo baotintuc.vn

Có thể bạn quan tâm

Tin cùng chuyên mục

Tổ chức khởi công, khánh thành trực tuyến đồng loạt các công trình lớn chào mừng 50 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước

Tổ chức khởi công, khánh thành trực tuyến đồng loạt các công trình lớn chào mừng 50 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước

Chính phủ tổ chức lễ khởi công, khánh thành trực tuyến đồng thời trên cả 03 miền Bắc - Trung - Nam các công trình, dự án quan trọng và các công trình lớn để chào mừng 50 năm ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, dự kiến vào ngày 19/4/2025.

Những điểm mới căn bản của Luật Di sản văn hóa

Những điểm mới căn bản của Luật Di sản văn hóa

Quốc hội đã thông qua Luật Di sản văn hóa 45/2025/QH15, có hiệu lực từ ngày 1/7/2025 có nhiều điểm mới, thay đổi, bổ sung căn bản của Luật Di sản văn hoá số 45 sẽ khơi thông các điểm nghẽn, huy động sức mạnh của các tổ chức, cá nhân, cơ quan quản lý trong sự nghiệp bảo vệ, gìn giữ và phát huy giá trị di sản.

Tập trung thực hiện giải pháp phòng cháy, chữa cháy rừng

Tập trung thực hiện giải pháp phòng cháy, chữa cháy rừng

Để chủ động triển khai các biện pháp phòng cháy, chữa cháy rừng, giảm thiểu đến mức thấp nhất thiệt hại do cháy rừng gây ra, Công an tỉnh Lào Cai đã có văn bản đề nghị thủ trưởng các sở, ngành, đơn vị liên quan, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố phối hợp chỉ đạo triển khai, thực hiện.

Sửa đổi quy định về chế độ, chính sách đối với sĩ quan nghỉ hưu, chuyển ngành

Sửa đổi quy định về chế độ, chính sách đối với sĩ quan nghỉ hưu, chuyển ngành

Chính phủ ban hành Nghị định số 52/2025/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 21/2009/NĐ-CP ngày 23/02/2009 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam về chế độ, chính sách đối với sĩ quan thôi phục vụ tại ngũ; sĩ quan tại ngũ hy sinh, từ trần; sĩ quan tại ngũ chuyển sang quân nhân chuyên nghiệp hoặc công chức quốc phòng.

Thủ tướng đôn đốc bộ, ngành, địa phương rà soát, tháo gỡ các dự án đầu tư có khó khăn, tồn đọng kéo dài

Thủ tướng đôn đốc bộ, ngành, địa phương rà soát, tháo gỡ các dự án đầu tư có khó khăn, tồn đọng kéo dài

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký Công điện số 13/CĐ-TTg ngày 8/2/2025 yêu cầu các bộ, ngành, địa phương khẩn trương rà soát, báo cáo đầy đủ các dự án đầu tư có khó khăn, vướng mắc, tồn đọng kéo dài để kịp thời tháo gỡ, triển khai ngay các dự án.

[Infographic] Công thức tính hưởng chính sách nghỉ thôi việc trong sắp xếp bộ máy

[Infographic] Công thức tính hưởng chính sách nghỉ thôi việc trong sắp xếp bộ máy

Cán bộ, công chức và cán bộ, công chức cấp xã quy định tại Điều 2, Thông tư 01/2025/TT-BNV được cơ quan có thẩm quyền cho nghỉ thôi việc thì được bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm xã hội hoặc hưởng bảo hiểm xã hội 1 lần theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội quy định tại khoản 3, Điều 9, Nghị định 178/2024/NĐ-CP; đồng thời được hưởng 3 khoản trợ cấp quy định tại khoản 1, khoản 2 và khoản 4, Điều 9, Nghị định số 178/2024/NĐ-CP như sau:

Bộ Nội vụ định hướng phương án sắp xếp nhân sự khi tinh gọn bộ máy

Bộ Nội vụ định hướng phương án sắp xếp nhân sự khi tinh gọn bộ máy

Bộ Nội vụ vừa có công văn gửi bộ trưởng các bộ, thủ trưởng cơ quan ngang bộ, thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ và Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc định hướng xây dựng phương án bố trí, sắp xếp CBCCVC và người làm việc theo chế độ HĐLĐ khi thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy hành chính.

fb yt zl tw