Việc người nổi tiếng quảng cáo tràn lan trên mạng xã hội ngày càng phổ biến và nảy sinh nhiều bất cập. (Ảnh chụp màn hình)
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ kiến nghị bổ sung thêm chế tài mạnh hơn để xử lý các nghệ sỹ, người nổi tiếng có hành vi quảng cáo sai sự thật, vi phạm Luật Quảng cáo.
Đó là thông tin bà Ninh Thị Thu Hương, Cục trưởng Cục Văn hóa Cơ sở đưa ra trong cuộc Họp báo thường kỳ của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ngày 9/10 tại Hà Nội.
Theo bà Ninh Thị Thu Hương, Điều 19 Luật Quảng cáo quy định: Nội dung quảng cáo phải bảo đảm trung thực, chính xác, rõ ràng, không gây thiệt hại cho người sản xuất, kinh doanh và người tiếp nhận quảng cáo. Hình thức được thể hiện trên các phương tiện khác nhau sau khi được cơ quan thẩm quyền phê duyệt nội dung.
“Chúng ta đã có cơ chế, chế tài, quy định để kiểm soát về mặt nội dung, hình thức, để mỗi quảng cáo đến với người tiêu dùng đảm bảo được tính chính xác, trung thực theo đúng tính năng, chất lượng mà sản phẩm quảng cáo đưa ra. Bên cạnh đó, cũng đã có những quy định về quyền và trách nhiệm đối với các đối tượng tham gia quảng cáo," bà Ninh Thị Thu Hương nói.
Bà Ninh Thị Thu Hương, Cục trưởng Cục Văn hóa Cơ sở phát biểu tại cuộc họp.
Thời gian qua, rất nhiều quảng cáo trên mạng có nội dung không đúng với tính năng, chất lượng của sản phẩm. Theo Cục trưởng Cục Văn hóa Cơ sở, đối với các nghệ sỹ, những người nổi tiếng, có tầm ảnh hưởng lớn, cơ quan chức năng cần đưa ra những chế tài pháp lý chặt chẽ hơn, bởi họ có khả năng định hướng người tiêu dùng lựa chọn sai, gây nguy hại cho sức khỏe.
“Dự thảo về Luật Quảng cáo sửa đổi, bổ sung cũng đưa ra định nghĩa cụ thể thế nào là người có uy tín trong xã hội, người nổi tiếng tham gia quảng cáo… chứ không chỉ giới hạn trong đối tượng nghệ sỹ," bà Ninh Thị Thu Hương nói.
Cũng tại buổi họp báo, ông Nguyễn Thanh Sơn, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) cho biết Bộ này đang phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông xây dựng Quy trình xử lý, kiểm soát đối với các trường hợp nghệ sỹ quảng cáo sai sự thật hay không tuân thủ quy tắc ứng xử, có tác động lớn đến xã hội.
Ông Nguyễn Thanh Sơn, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phát biểu tại cuộc họp.
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành bộ Quy tắc ứng xử, trong đó có nội dung liên quan đến các hoạt động nghề nghiệp, hoạt động với công tác xã hội, hoạt động với đồng nghiệp và hoạt động trên cơ sở của báo chí, truyền thông.
Những hành vi vi phạm chuẩn mực đạo đức ứng xử được quy định trong bộ quy tắc ứng xử, nhất là về quảng cáo không trung thực, cung cấp sai thông tin tới công chúng, gây ảnh hưởng thì ngoài việc xử lý theo quy định pháp luật về quảng cáo, nghệ sỹ này sẽ bị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và Bộ Thông tin và Truyền thông đưa vào diện xem xét, kiểm soát hình ảnh, sự hiện diện của nghệ sỹ trên các phương hiện thông tin đại chúng cũng như ở trong các hoạt động xã hội và quảng cáo.
Ông Nguyễn Thanh Sơn cho biết quy trình phối hợp giữa hai bộ về việc này đang trong quá trình hoàn thiện, dự kiến cuối năm nay sẽ hoàn tất, từ đó sẽ có biện pháp xử lý chặt chẽ hơn với những nghệ sỹ quảng cáo sai sự thật.
"Chúng tôi mong muốn quy trình này cùng với các quy định pháp luật, xử phạt hành chính liên quan tới các lĩnh vực của ngành sẽ nâng cao ý thức trách nhiệm của các chủ thể tham gia, nhất là những nghệ sỹ có tác động lớn đến xã hội,” ông Sơn nói.
Trước đó, Bộ Thông tin và Truyền thông cho hay sẽ phối hợp Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xây dựng hai danh sách - trắng và đen. Trong đó, danh sách đen (black list) gồm những người sai phạm, cơ quan quản lý Nhà nước không khuyến khích các nhà quảng cáo hợp tác, ủng hộ. Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử sẽ tiến hành chặn các tài khoản vi phạm, không cho xuất hiện trên các nền tảng mạng xã hội. Đó là một trong những cách để giúp môi trường mạng ngày càng trong sạch.