Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) có sức lan tỏa mạnh trong sản xuất nông nghiệp, khu vực nông thôn của tỉnh. Chương trình được triển khai đã thúc đẩy sản xuất sản phẩm chất lượng mang đặc trưng, lợi thế vùng, miền và khai thác những tiềm năng, nội lực sản xuất hàng hóa trong Nhân dân.
Các sản phẩm OCOP được phát triển bởi 128 chủ thể; có 231 sản phẩm OCOP thuộc nhóm ngành thực phẩm, 17 sản phẩm nhóm ngành đồ uống, 5 sản phẩm dược liệu, 12 sản phẩm thủ công mỹ nghệ, 1 sản phẩm du lịch và 1 sản phẩm sinh vật cảnh.
Để triển khai hiệu quả Chương trình OCOP, các sở, ngành và cơ quan chuyên môn của tỉnh, huyện đã tư vấn, hướng dẫn, hỗ trợ cải tiến, nâng cấp chất lượng sản phẩm theo Bộ tiêu chí Chương trình OCOP cho các hộ cá nhân, đơn vị có sản phẩm tiềm năng. Đồng thời, tổ chức tập huấn kỹ năng về thuyết trình, giới thiệu sản phẩm; phương pháp quản lý sản xuất, xây dựng kế hoạch kinh doanh; xây dựng thương hiệu, quảng bá, phát triển sản phẩm; xây dựng và hoàn thiện hồ sơ để tham gia đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP.
Bên cạnh đó, ngành nông nghiệp đã phối hợp với các sở, ngành, địa phương đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại, quảng bá các sản phẩm OCOP bằng nhiều hình thức, như hỗ trợ đưa sản phẩm OCOP lên sàn thương mại điện tử; tham gia các hội chợ, triển lãm, tuần lễ nông sản an toàn và sản phẩm OCOP trong và ngoài tỉnh… Nhờ đó, hầu hết chủ thể sản phẩm OCOP có doanh thu tăng từ 20 - 30% trở lên.
Việc được chứng nhận đạt tiêu chuẩn OCOP đã mang lại nhiều lợi ích đối với các chủ thể, tuy vậy, đến hết năm 2024, toàn tỉnh có 19/34 sản phẩm đến hạn phải đánh giá, công nhận lại OCOP nhưng chưa thực hiện. Theo quy định, giấy chứng nhận sản phẩm OCOP có giá trị trong thời hạn 36 tháng. Sau thời gian trên, để tiếp tục được sử dụng logo OCOP có gắn sao, các chủ thể sản xuất thực hiện đăng ký đánh giá, phân hạng lại theo Quyết định số 148/QĐ-TTg ngày 24/2/2023 của Thủ tướng Chính phủ và các văn bản liên quan.
Việc công nhận lại sản phẩm OCOP đang gặp không ít trở ngại, nhiều chủ thể chưa chủ động hoàn thiện các thủ tục để được cơ quan chức năng đánh giá, công nhận lại. Ngoài ra, hồ sơ đề nghị công nhận lại đòi hỏi tương tự như đối với công nhận lần đầu, trong khi tiêu chuẩn yêu cầu cao hơn, tốn kém thời gian, chi phí. Hiện nay, bộ tiêu chí và quy trình đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP mới có điều chỉnh, bổ sung một số nội dung, đặc biệt, sản phẩm OCOP 4 sao có thêm một số tiêu chí cứng về môi trường, sở hữu trí tuệ, chứng nhận chất lượng… đây là những tiêu chí khó và cần nhiều thời gian để thực hiện.
Cùng với đó, hoạt động đánh giá, công nhận lại sản phẩm OCOP chưa có cơ chế, chính sách hỗ trợ đối với sản phẩm giữ hạng; thị trường tiêu thụ, sự phát triển của một số sản phẩm còn hạn chế, quy mô sản xuất nhỏ, mang tính thời vụ nên các chủ thể chưa chú trọng nâng hạng cũng như hoàn thành thủ tục để tái chứng nhận sản phẩm OCOP.
Là chủ thể có 2 sản phẩm OCOP đến hạn phải đánh giá, phân hạng lại nhưng Công ty TNHH Một thành viên Traphaco Sa Pa không làm hồ sơ. Ông Đỗ Tiến Sỹ, Giám đốc công ty chia sẻ: Hiện, đơn vị có 12/50 sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP từ 3 sao trở lên, trong đó có 2 sản phẩm đạt tiêu chuẩn 5 sao. Năm 2024, đơn vị đã làm hồ sơ đánh giá, nâng hạng đối với 2/4 sản phẩm có chất lượng và thị trường tiêu thụ ổn định, đánh giá mới và được công nhận thêm 2 sản phẩm đạt tiêu chuẩn 3 sao. Việc đánh giá lại và đánh mới sản phẩm của công ty dựa trên tình hình kinh doanh thực tế, vùng nguyên liệu và các tiêu chí cụ thể, nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, mở rộng thị trường tiêu thụ và tăng doanh thu.
Theo ông Nguyễn Hữu Trường, Phó Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), hằng năm, Chi cục đã thống kê và gửi thông báo đến các chủ thể có sản phẩm hết thời hạn công nhận sản phẩm OCOP đúng theo quy định. Đồng thời tuyên truyền, vận động các chủ thể tiếp tục duy trì, cải tiến, nâng cao chất lượng sản phẩm; bổ sung, hoàn thiện hồ sơ đăng ký, đánh giá lại sản phẩm để được sử dụng logo OCOP có gắn sao theo quy định.
"Trong trường hợp chủ thể không tham gia đánh giá, phân hạng lại, các cơ quan chuyên môn sẽ đề xuất thu hồi chứng nhận OCOP và xử lý nếu có hành vi lợi dụng danh hiệu OCOP để tiêu thụ sản phẩm trên thị trường" - ông Trường nhấn mạnh.
Thời gian tới, để thực hiện hiệu quả chương trình, ngành nông nghiệp chú trọng phối hợp với các ngành, địa phương đẩy mạnh thông tin tuyên truyền, phổ biến để chủ thể OCOP hiểu rõ hơn về nội dung, mục đích, ý nghĩa và có trách nhiệm đối với việc duy trì, phát triển sản phẩm OCOP; khuyến khích, hỗ trợ chủ thể về hồ sơ, thủ tục để tham gia đánh giá, công nhận lại sản phẩm OCOP khi đến hạn.
Cùng với đó, chính quyền địa phương, ngành chức năng chủ động tăng cường hỗ trợ, hướng dẫn các chủ sơ sở, doanh nghiệp nâng cao tinh thần tự giác, trách nhiệm chấp hành thực thi các quy định đảm bảo chất lượng sản phẩm OCOP. Về phía các chủ thể cũng cần chủ động hơn trong việc đăng ký lại chứng nhận OCOP cho sản phẩm hết thời hạn; quan tâm nâng cao chất lượng, uy tín của sản phẩm để chiếm lĩnh thị trường.