Nghị quyết khắc phục một số điểm không còn phù hợp của Nghị quyết 41/2020/NQ-HĐND, giúp người dân, tổ chức ở cơ sở có nguồn kinh phí cho việc tổ chức, quản lý khai thác công trình.
Theo Nghị quyết 41, tổng kinh phí hỗ trợ công tác quản lý, khai thác, bảo trì các công trình kết cấu hạ tầng cấp xã trên địa bàn tỉnh đã thực hiện chi hỗ trợ năm 2021, 2022 hơn 119 tỷ đồng và kinh phí được cấp từ nguồn vốn sự nghiệp kinh tế ngân sách tỉnh.
Năm 2023, kinh phí đã giao từ nguồn ngân sách tỉnh hỗ trợ thực hiện Nghị quyết 41 gần 39 tỷ đồng, ngoài ra còn giao kinh phí hỗ trợ duy tu, bảo dưỡng thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững 8,265 tỷ đồng, Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi 26,444 tỷ đồng.
Theo kết quả giám sát của Ban Kinh tế - Ngân sách và Ban Dân tộc (HĐND tỉnh), báo cáo đánh giá của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, từ thực tế triển khai đã phát sinh một số nội dung không còn phù hợp.
Trước hết, đó là từ năm 2023, tỉnh thực hiện thêm nguồn vốn hỗ trợ từ Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững.
Tuy nhiên, danh mục công trình được hỗ trợ theo Nghị quyết 41 chưa thống nhất với các chương trình trên và chưa quy định hỗ trợ cho một số loại công trình, như trụ sở UBND cấp xã, trụ sở công an xã, nhà công vụ, trạm y tế cấp xã... nên không sử dụng được kinh phí của các chương trình mục tiêu quốc gia để duy tu, sửa chữa.
Theo quy định của Nghị quyết 41, nhiều định mức thấp so với yêu cầu thực tế hiện nay nên không đủ bù đắp chi phí cho công tác quản lý, khai thác và bảo trì công trình.
Mức hỗ trợ bảo trì công trình cấp nước sinh hoạt tập trung nông thôn, công trình kè chống sạt lở bờ sông, suối không gắn với đường giao thông, công trình hội trường kiêm nhà văn hóa, công trình trường học...
Một số công trình thủy lợi là các công trình có tuyến chạy dài nhưng diện tích phục vụ ít, manh mún, trong khi đó theo chính sách của Nghị quyết 41 thì loại công trình thủy lợi đang được hỗ trợ theo diện tích canh tác, do đó chưa thực sự phù hợp với thực tế.
Theo nghị quyết mới, các định mức đều tăng, bù mức trượt giá thị trường sẽ phù hợp với chi phí sửa chữa, duy tu các công trình trên địa bàn.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (cơ quan tham mưu soạn thảo Nghị quyết 08/2023/NQ-HĐND thay thế Nghị quyết 41/2020/NQ-HĐND) thì nghị quyết mới ngoài tăng kinh phí hỗ trợ, bù trượt giá cho từng loại mục công trình, còn có nhiều điểm mới như: Đối với công trình thủy lợi phục vụ tưới tiêu, thay đổi cách thức hỗ trợ theo diện tích sang hỗ trợ theo quy mô công trình; công trình cấp nước sinh hoạt tập trung nông thôn, thay đổi cách thức hỗ trợ theo số người dùng nước sang theo số hộ đấu nối.
Chủ tịch UBND xã Nghĩa Đô (Bảo Yên) - Lý Văn Nội cho biết: Công tác quản lý, duy tu các công trình thủy lợi, nước sạch, giao thông nông thôn trên địa bàn được giao cho các tổ quản lý ở thôn, bản. Theo nghị quyết mới, các định mức đều tăng, bù mức trượt giá thị trường sẽ phù hợp với chi phí sửa chữa, duy tu các công trình trên địa bàn.
Việc thực hiện chính sách cần quy định các mức chi và nội dung chi thuộc thẩm quyền của HĐND tỉnh, do đó cần tích hợp nội dung hướng dẫn thực hiện chính sách trong nghị quyết để đảm bảo tính pháp lý.
Ông Vàng Láo Lở, Chủ tịch UBND xã Phìn Ngan (huyện Bát Xát) cho rằng, công tác quản lý, duy tu từng công trình cụ thể được giao cho các tổ, nhóm ở thôn, tuy nhiên khi sửa chữa phải tiến hành nhiều thủ tục, hồ sơ nên gây khó khăn nhất định. Để thuận lợi cho việc giải ngân, UBND xã đã cử cán bộ hỗ trợ các tổ đội trong quá trình lập hồ sơ, thanh toán, quyết toán các hạng mục.
Theo Chủ tịch UBND xã Lùng Khấu Nhin (huyện Mường Khương) - Đặng Công Huân thì nghị quyết mới sẽ giúp xã thuận lợi hơn trong việc lồng ghép nguồn vốn từ các chương trình mục tiêu quốc gia phục vụ cho công tác quản lý, duy tu các công trình trên địa bàn.
Chính sách đi vào cuộc sống sẽ tác động tích cực đến đời sống của người dân trong tỉnh. Nghị quyết 08/2023/NQ-HĐND được kỳ vọng sẽ giúp người dân, tổ chức có nguồn vốn để bước đầu đảm bảo cho công tác tổ chức, quản lý khai thác công trình; làm thay đổi nhận thức về trách nhiệm trong giữ gìn các công trình kết cấu hạ tầng đã được Nhà nước đầu tư, tạo sự chuyển biến tốt trong cộng đồng dân cư về sự tự nguyện tham gia giữ gìn kết cấu hạ tầng của người hưởng lợi, đảm bảo an sinh xã hội.