Nổi bật là các ý kiến thảo luận đối với các báo cáo của UBND tỉnh, trong đó về nông nghiệp - phát triển nông thôn, một số đại biểu băn khoăn hiện tượng thời tiết cực đoan gây ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp nhưng thông tin trên báo cáo chưa thể hiện rõ điều này, thậm chí cho rằng năng suất, sản lượng cây trồng vẫn tăng; chương trình mỗi xã một sản phẩm là khó thực hiện với những xã thiếu tiềm năng, xã nghèo; việc chia tách đất tại một số địa bàn thuộc thị xa Sa Pa gặp nhiều khó khăn, nhiều hộ dân bức xúc bởi nhu cầu thực tế nhưng không được đáp ứng do liên quan đến quy hoạch.
Về đầu tư, sản xuất công nghiệp, một số đại biểu cho rằng do nắng hạn, lượng mưa thấp khiến sản lượng điện năng, nguồn thu từ các sự án sản xuất thủy điện đạt rất thấp, nếu không điều chỉnh, rất khó đạt kế hoạch vào cuối năm. Hiện nay, một số công trình, dự án tại các khu công nghiệp chưa phát huy hiệu quả, trong đó có công trình xử lý nước thải công nghiệp. Điều này đang gây lo ngại trong Nhân dân trên địa bàn, nhất là những hộ đang phải sử dụng nguồn nước ngầm để sản xuất, sinh hoạt đời sống hàng ngày.
Đại biểu huyện Bắc Hà đề nghị bố trí nguồn lực đầu tư cho một số dự án, công trình để khai thác thế mạnh phát triển du lịch; đại biểu huyện Văn Bàn đề nghị sớm bố trí nguồn lực cho các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn, cùng với đó là thu hút, đầu tư cơ sở sản xuất để tạo nhiều việc làm hơn nữa lao động địa phương, tránh những hệ lụy xã hội từ hiện tượng thất nghiệp. Việc đầu tư nâng cấp mạng lưới điện theo các đề án, kế hoạch đang có tiến độ chậm nên nhiều nơi, thậm chí là địa bàn thành phố Lào Cai có hạ tầng điện lưới phục vụ sản xuất, sinh hoạt không đảm bảo, xuống cấp nghiêm trọng.
Tình trạng thiếu giáo viên trong năm học vừa qua và năm học tới đây tiếp tục căng thẳng, nhất là huyện vùng cao, xa xôi như Si Ma Cai; việc thiếu bác sĩ, nhất là bác sĩ chuyên khoa, bác sĩ có trình độ cao tại tuyến y tế cơ sở cũng là vấn đề cử tri quan tâm bày tỏ cần giải quyết. Đại biểu thuộc tổ đại biểu HĐND thành phố Lào Cai cho rằng đã đến lúc cần có quy định kiểm soát chặt chẽ hơn các xe siêu trường, siêu trọng hoạt động, lưu thông trên các tuyến phố nội đô nhằm đảm bảo an toàn, lưu thông thuận lợi cho Nhân dân.
Về cơ chế, chính sách, một số đại biểu có ý kiến, bổ sung cần bổ sung theo hướng nâng chỉ tiêu tuyển sinh đối tượng là học sinh dân tộc thiểu số, nhất là với huyện có dân tộc rất ít người. Đề nghị hỗ trợ người làm công tác chuyển đổi số ở các thôn, bản và bố trí nguồn vốn chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin mức 200 triệu đồng/xã.
Quy định hiện nay, mức kinh phí chi thường xuyên của cơ quan Công an xã do Bộ Công an chịu trách nhiệm, nhưng đến nay chưa được thực hiện khiến ngân sách các xã đang gặp khó khăn, nhất là nơi có nguồn thu ngân sách đạt thấp nhưng vẫn phải bố trí cho đơn vị công an xã. Mức thu học phí của học sinh các thôn vùng II, vùng III của thị trấn Phố Lu (sau sáp nhập xã Lu vào thị trấn) được tính là vùng đô thị khiến nhiều gia đình thấy việc học tập là gánh nặng.
Phát biểu tại buổi thảo luận, đồng chí Vũ Văn Cài, Phó chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh nhấn mạnh: Ngoài 13 đại biểu có các ý kiến, nhóm ý kiến tại hội trường, trước Kỳ họp các tổ đại biểu cũng đã thu nhận 42 ý kiến, trong đó có ý kiến trùng với nội dung thảo luận tại hội trường. Về chất lượng các ý kiến thảo luận, kiến nghị, đề xuất, Phó chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh đánh giá có sự tập trung, mạch lạc, trực diện các vấn đề, nội dung cử tri, đại biểu quan tâm.
Tiếp thu các nội dung thảo luận tại hội trường và trước Kỳ họp, Thường trực HĐND trực tiếp giải trình một số ý kiến, một số giao các ban của HĐND tỉnh tiếp thu, điều lý, bổ sung vào các dự thảo các nghị quyết, báo cáo trình Kỳ họp và yêu cầu các đơn vị lập báo cáo điều chỉnh.