Đây là hoạt động mà Cơ sở cai nghiện ma túy tự nguyện, Sở Lao động, Thương Binh và Xã hội thực hiện, thuộc Dự án “Nâng cao năng lực cho phụ nữ và trẻ em gái trong phòng, chống mua bán người, các hình thức xâm hại, bạo lực ở phụ nữ và trẻ em gái” do Đại sứ quán Vương quốc Hà Lan tại Việt Nam tài trợ.
Trung Chải là xã đặc biệt khó khăn của thị xã Sa Pa, có 95% là người dân tộc Mông sinh sống. Cuộc sống người dân Trung Chải còn nghèo và tồn tại không ít phong tục, tập quán lạc hậu. Chính vì vậy, cán bộ Tổ dự án của Cơ sở cai nghiện ma túy tự nguyện tỉnh Lào Cai đã phối hợp với Hội Phụ nữ thị xã Sa Pa thành lập câu lạc bộ phụ nữ tự lực tại đây với mong muốn câu lạc bộ sẽ trở thành sân chơi của phụ nữ vùng cao, đồng thời, thông qua những buổi sinh hoạt thiết thực sẽ giúp phụ nữ nơi đây nâng cao nhận thức, hiểu hơn về giá trị của bản thân và tự tin nói lên tiếng nói của mình.
Chị Giàng Thị Rể, Phó Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Trung Chải là chủ nhiệm câu lạc bộ. Trước khi thành lập, chị Rể đã được tham gia các lớp tập huấn kiến thức, kỹ năng phòng, chống xâm hại, bạo lực và mua bán người, phòng, chống tảo hôn... Khi trở về, chị vận động 20 phụ nữ trong thôn tham gia, tổ chức ra mắt và sinh hoạt câu lạc bộ. Là cán bộ hội phụ nữ rất trẻ, chị Rể luôn nhiệt tình, đoàn kết, hỗ trợ, hợp tác với các thành viên trong câu lạc bộ khi sinh hoạt nhóm, đồng thời, chị cũng chủ động học hỏi, bồi dưỡng kiến thức, nâng cao năng lực để hoàn thành nhiệm vụ được phân công.
Chị Rể chia sẻ: Các thôn ở xã Trung Chải không tập trung, người dân sống rải rác, vì vậy, việc kêu gọi, lựa chọn thành viên ở các thôn khác nhau tham gia sinh hoạt câu lạc bộ sẽ khó khăn. Chính vì vậy, tôi tổ chức thí điểm câu lạc bộ ở thôn mình đang sinh sống, khi mô hình thành công sẽ mở rộng đến các thôn khác. Tảo hôn là hủ tục nhức nhối nhất trên địa bàn xã, tại thôn Chu Lìn 1, tình trạng này diễn ra phổ biến, do vậy tôi đã lựa chọn chủ đề này để sinh hoạt câu lạc bộ.
Trong buổi sinh hoạt, chị Rể giải thích cặn kẽ cho các thành viên hiểu về tảo hôn và những hệ luỵ; đưa ra những câu chuyện thực tế tại thôn, xã làm ví dụ. Tổ chức các trò chơi để chị em giao lưu, tạo sự hào hứng trong các buổi sinh hoạt và cổ vũ các thành viên thể hiện năng khiếu.
Chị Rể chia sẻ: Thông qua những buổi sinh hoạt, tôi mong muốn giúp phụ nữ trong thôn hiểu hơn, cùng góp tiếng nói và hành động phù hợp để xoá bỏ hủ tục, trước hết trong chính gia đình mình và sẽ trở thành những tuyên truyền viên để đẩy lùi hủ tục trong cộng đồng.
Tại thôn Na Hối Tày, xã Na Hối (Bắc Hà), Câu lạc bộ Phụ nữ tự lực đã tổ chức sinh hoạt lần 3. Chị Vàng Thị Thư, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Na Hối trực tiếp là chủ nhiệm câu lạc bộ. Với kinh nghiệm chuyên môn dày dặn, chị Thư đã tổ chức các buổi sinh hoạt bổ ích, hấp dẫn, trao đổi kiến thức về phòng, chống tảo hôn, phòng, chống mua bán người. Thành công bước đầu câu lạc bộ đó là vận động, ngăn chặn kịp thời 1 trường hợp có ý định kết hôn khi chưa đủ tuổi theo quy định (là con của thành viên trong câu lạc bộ).
Các câu lạc bộ phụ nữ tự lực còn được thành lập ở tổ 1, phường Phan Si Păng (thị xã Sa Pa); tổ 3, thị trấn Bắc Hà (Bắc Hà). Mỗi câu lạc bộ phụ nữ tự lực gồm 20 phụ nữ, khi tham gia, các thành viên được cung cấp thông tin, kỹ năng, cùng tham gia tuyên truyền, vận động người dân địa phương thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong cuộc sống sinh hoạt hằng ngày, nâng cao nhận thức về các vấn đề xã hội. Bên cạnh đó, họ cùng tìm hiểu một số vấn đề xã hội cấp thiết của phụ nữ và trẻ em tại địa phương để kịp thời phản ánh với ban điều hành câu lạc bộ.
Chị Vũ Thị Thuỳ, cán bộ Tổ dự án, Cơ sở cai nghiện ma tuý tự nguyện, Sở Lao động - Thương binh và xã hội cho biết: Để đảm bảo chất lượng hoạt động, cán bộ Tổ dự án sẽ giám sát một số buổi sinh hoạt của câu lạc bộ. Chúng tôi đã hợp đồng thuê tư vấn viên dày dặn kinh nghiệm tại Hà Nội để cầm tay chỉ việc, hướng dẫn các nội dung, chủ đề sinh hoạt… Các câu lạc bộ sẽ được cung cấp tài liệu, tranh ảnh trực quan, dụng cụ, văn phòng phẩm để tổ chức hoạt động.
Câu lạc bộ phụ nữ tự lực với những hoạt động thiết thực, nhân văn đã và đang thắp lên ánh sáng cho cuộc sống của phụ nữ vùng cao. Sự quan tâm của chính quyền các địa phương sẽ là động lực để duy trì, phát huy hiệu quả và nhân rộng câu lạc bộ, giúp phụ nữ vùng cao thêm tiến bộ, hướng tới cuộc sống tốt đẹp hơn.