Đoàn công tác đã đi khảo sát, kiểm tra cơ sở vật chất và công tác cai nghiện ma túy tại Cơ sở cai nghiện ma túy số 2 tại xã Tả Phời (thành phố Lào Cai) và Cơ sở cai nghiện ma túy số 1 của tỉnh tại xã Xuân Quang (Bảo Thắng); nghe các cơ sở báo cáo về tình hình công tác cai nghiện, những thuận lợi, khó khăn, vướng mắc cần được giải quyết.
Theo báo cáo của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, tính đến tháng 8/2023, toàn tỉnh có 3.689 người nghiện ma túy có hồ sơ quản lý. Người nghiện chủ yếu trong độ tuổi trưởng thành, từ 18 đến 50 tuổi, là lực lượng lao động chính trong gia đình (chiếm 99,7%). Trung bình mỗi năm có 2.250 người nghiện ma túy được cai bằng các hình thức, trong đó, 2 cơ sở cai nghiện tập trung tiếp nhận 846 người; điều trị bằng thuốc Methadone 1.400 người/năm. Trong những năm qua, công tác quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy, người nghiện và quản lý sau cai đã được các cấp ủy, chính quyền và các cơ quan chức năng từ tỉnh đến cơ sở quan tâm, số người nghiện phát sinh mới có chiều hướng gia tăng chậm so với giai đoạn trước đây.
Tuy nhiên, công tác cai nghiện ma túy tại các cơ sở còn gặp một số khó khăn do hệ thống cơ sở vật chất lâu năm đã xuống cấp và thiếu trang - thiết bị phục vụ công tác khám, điều trị; thiếu hụt nguồn nhân lực; chưa có hệ thống cơ sở dịch vụ cai nghiện tại cộng đồng đáp ứng yêu cầu theo quy định và nhiều nguyên nhân khác dẫn đến tình trạng các cơ sở cai nghiện tập trung thường xuyên trong tình trạng quá tải, 1 cán bộ quản lý 15 học viên (vượt trên 50% so với quy định).
Sau khi kiểm tra, khảo sát thực tế, Đoàn công tác đã làm việc, thảo luận với các đơn vị về việc triển khai kế hoạch, mục tiêu từ nay đến năm 2030; dự kiến các hạng mục đầu tư; quy hoạch hạ tầng và đầu tư cơ sở vật chất, kỹ thuật; công tác tổ chức bộ máy, quản lý hành chính, nhân sự; công tác thu dung, điều trị và triển khai các phương pháp cai nghiện; tái hòa nhập cộng đồng và hỗ trợ người nghiện sau cai nghiện…
Mục tiêu của tỉnh đến cuối năm 2025, nâng cấp, mở rộng cơ sở vật chất và bố trí nguồn nhân lực tại các cơ sở cai nghiện tập trung để nâng quy mô tiếp nhận từ 800 người lên 1.700 người; đến cuối năm 2030, nâng quy mô tiếp nhận tại cơ sở cai nghiện tập trung từ 1.700 lên 3.100 người, thành lập thêm 5 cơ sở cai nghiện tại gia đình, cộng đồng ở các huyện, thị xã với khả năng cai nghiện từ 1.000 - 1.200 người/năm, còn lại được điều trị bằng Methadone và quản lý tại gia đình, cộng đồng.
Để triển khai hiệu quả các văn bản chỉ đạo của Trung ương, các thông báo kết luận của Thường trực Tỉnh ủy và Đề án số 405/ĐA-UBND ngày 19/12/2022 của UBND tỉnh về nâng cao năng lực, hiệu quả công tác cai nghiện ma túy trên địa bàn tỉnh, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã đề xuất, kiến nghị cụ thể đối với từng cơ sở cai nghiện ma túy, nhất là đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất, kỹ thuật, trang - thiết bị và phương tiện; kinh phí đầu tư và lộ trình thực hiện theo từng giai đoạn.
Qua kiểm tra, nắm bắt tình hình thực tế và làm việc với các cơ sở cai nghiện ma túy của tỉnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Giàng Thị Dung chia sẻ với những khó khăn của các đơn vị trong bối cảnh hiện nay.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các ngành chức năng và địa phương cần tiếp tục quan tâm, tăng cường tuyên truyền, tạo sự thay đổi trong nhận thức và sự quan tâm của toàn xã hội đối với công tác cai nghiện ma túy.
Các sở, ngành, địa phương cần rà soát, đánh giá chính xác số người nghiện ma túy trên địa bàn để có phương án quản lý, tổ chức cai nghiện, góp phần đảm bảo an toàn xã hội.
Các cơ sở cai nghiện cần tăng cường phối hợp, hợp tác với các cơ sở dạy nghề để tổ chức đào tạo nghề cho học viên, đảm bảo các học viên sau khi kết thúc thời gian cai nghiện ma túy bắt buộc đều được trang bị ít nhất một nghề để có thể ổn định cuộc sống tại địa phương.
Đồng chí Giàng Thị Dung khẳng định: Những đề xuất, kiến nghị của các cơ sở cai nghiện ma túy bắt buộc đều rất cần thiết, phù hợp với thực tế và đã được tỉnh giao cho các sở, ngành liên quan thực hiện theo quy định, từ quy hoạch, đề xuất danh mục đầu tư, xây dựng phương án cai nghiện tổng thể; tổ chức bộ máy, tài chính mang tính lâu dài, cũng như những việc cần giải quyết trước mắt (giao thông, nước sạch sinh hoạt, thoát nước thải sinh hoạt, hệ thống chống sét…) đảm bảo hiệu quả cai nghiện và trị liệu sau cai cho người nghiện ma túy.