Phim ngắn trên mạng xã hội: Gạn đục khơi trong

Trào lưu sản xuất phim ngắn trên các nền tảng mạng xã hội vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Và giữa rừng nội dung ấy, người xem thật khó để phân biệt những hay - dở, tốt - xấu.

Kênh Trung thảo mai - Anh ba dân với những phim ngắn mảng hài dân gian.

Cơn sốt triệu view

Đạo diễn Tôn Nguyễn - người đứng sau series phim Bên hiếu bên tình, chia sẻ, cá nhân anh rất bất ngờ khi bộ phim nhận được sự quan tâm, lượt xem, chia sẻ vượt qua sự kỳ vọng của ê kíp cũng như đơn vị phát hành.

Bên hiếu bên tình gồm 31 tập, trong đó có 2 tập ngoại truyện với thời lượng 3-5 phút/tập, phát sóng tập đầu tiên từ ngày 30-1. Tính đến nay, chỉ tính riêng trên kênh Cơm sườn, phim thu hút gần 130 triệu lượt xem cùng hàng trăm ngàn lượt bình luận, chia sẻ đồng thời được cắt ghép, chia sẻ trên nhiều nền tảng khác nhau. So với nhiều series phim ngắn chiếu mạng hiện nay, bộ phim được đầu tư khá chỉn chu về nội dung, diễn xuất, góc máy, khâu hậu kỳ và đặc biệt, không làm phiền khán giả trong việc chèn nội dung quảng cáo. Đạo diễn Tôn Nguyễn cho rằng, chính nhờ sự tương tác, chia sẻ của khán giả nên bộ phim mới tiếp cận được đông đảo người xem.

Ngoài Bên hiếu bên tình, kênh Cơm sườn còn có 1 số series phim đã và đang phát sóng đáng chú ý như: Hồng nhan bạc phận hay hàng ngàn tập phim lẻ với nội dung xoay quanh các tình huống trong gia đình, bài học cuộc sống. Tương tự, kênh Yeah1 Phim cũng đăng tải hàng loạt các series phim ngắn: Làm dâu hào môn, Làm dâu khó lắm ai ơi - Sống chung mẹ chồng, Nhật ký mẹ đơn thân, Đại ca tôi đi học, Biệt đội công lý…

Các series phim ngắn đang vào thời “trăm hoa đua nở” trên khắp các nền tảng từ Facebook đến TikTok, YouTube… Tủn cùi bắp TV cũng là một trong những kênh hoạt động khá sôi nổi. Với 2 triệu người theo dõi, kênh này sở hữu kho nội dung lớn, liên tiếp ra mắt các tập phim mới mỗi ngày. Các series gần đây đáng chú ý có: Phận tơ tằm, Con dâu nhà họ Mạc, Đời công nhân… hay hàng loạt các series thu hút hàng chục triệu view khác, như: Vợ khờ, Chuyện xin việc, Đại chiến gia tộc, Kiều nữ và đại gia...

Anh Nguyễn Chí Nguyện, chủ kênh Tủn cùi bắp TV, cho biết, toàn bộ các nội dung trên kênh của anh được xây dựng từ chính những trải nghiệm của cá nhân cũng như quan sát cuộc sống xung quanh. “Trong quá trình thực hiện, tôi hoàn toàn không xây dựng kịch bản, chỉ bàn bạc với các diễn viên vai diễn của họ là gì, tính cách nhân vật như thế nào rồi để họ ứng biến một cách tự nhiên”, anh Chí Nguyện chia sẻ.

Các kênh phim ngắn cũng không thể không kể đến những cái tên như: Trung thảo mai - Anh ba dân, Bé 7, Anh áo đen, Anh shipper… Nhiều kênh như: Nguyệt Fake, Anh Còi, Vợ chồng Khánh Ngọc… sản xuất phim ngắn nhưng cũng đồng thời PR cho công việc kinh doanh, bán sản phẩm của mình.

Đi tìm sự khác biệt

Câu chuyện về những phim ngắn có nội dung câu view, phản cảm, nội dung nhảm nhí, vi phạm thuần phong mỹ tục… từng là chủ đề nhận được rất nhiều sự quan tâm. Hiện tại, không khó để bắt gặp những nội dung này vẫn xuất hiện nhan nhản trên nhiều nền tảng mạng xã hội. Đó là những câu chuyện về chèn ép trong gia đình, công sở, những mối tình vụng trộm, tiểu tam… Ngay cả trend “chủ tịch và cái kết” cho đến giờ vẫn được không ít kênh khai thác lại.

Tuy nhiên, một thực tế không thể phủ nhận là các nội dung nhảm nhí có thể bùng phát trong thời gian ngắn nhưng không thể tồn tại lâu dài, thu hút lượng người xem lớn. Để giữ chân khán giả, yếu tố sống còn phải là chất lượng. Mọi chiêu thức cố tình câu view, câu like cũng chỉ mang tính thời điểm. Khán giả hiện nay đã có sự gạn đục khơi trong để chọn lựa những tác phẩm phù hợp, hay và hấp dẫn.

Đó cũng là lý do mà nhiều bộ phim thu hút hàng chục, thậm chí hàng trăm triệu lượt view, bình luận, chia sẻ và tạo ra hiệu ứng truyền miệng. Trong câu chuyện này, rõ ràng ý thức làm nghề một cách tử tế, chuyên nghiệp, vì khán giả mang tính quyết định. Cũng vì thế, Chí Nguyện hay Nguyễn Thành Dân (chủ kênh Trung thảo mai - Anh ba dân) cũng chung quan điểm phải giữ vững lập trường, định hướng lành mạnh cho kênh của mình. “Tôi xác định không sao chép nội dung của các kênh khác, giữ chất mộc mạc của người miền Tây. Tôi cũng đặc biệt chú ý không làm gì quá, hay vi phạm thuần phong mỹ tục”, anh Chí Nguyện cho biết.

Cuộc cạnh tranh sản xuất phim ngắn hiện vô cùng khốc liệt. Trong đó vấn đề kinh phí được xem là gánh nặng lớn nhất. Để hóa giải bài toán này, mỗi nhà sản xuất có những phương án khác nhau, có người tự xây dựng hẳn phim trường diện tích gần 4.000m2 nhưng cũng có người lại tận dụng nhà của chính diễn viên, thành viên ê kíp để quay. Đó cũng là cách để giúp tối ưu hóa chi phí sản xuất, nhằm thực hiện được nhiều sản phẩm hơn.

Báo Sài Gòn giải phóng

Có thể bạn quan tâm

Tin cùng chuyên mục

Sức hút của 'Độc đạo', phim cảnh sát hình sự đang chiếu trên VTV3

Sức hút của 'Độc đạo', phim cảnh sát hình sự đang chiếu trên VTV3

“Độc đạo” là sự trở lại của ê kíp “Biệt dược đen” gồm hai đạo diễn Phạm Gia Phương - Trần Trọng Khôi, biên tập Trung Dũng và DOP Trần Kim Vũ. Bộ phim đang thu hút sự chú ý của khán giả trên kênh VTV3 bởi diễn xuất của dàn sao nam đình đám của Trung tâm sản xuất phim truyền hình Việt Nam (VFC). Bộ phim gây chú ý ngay từ những tập đầu, với hàng triệu lượt xem các phần trích đoạn ngắn, hàng chục nghìn lượt thích và hàng nghìn lượt bình luận.

Nghệ thuật và sự sẻ chia

Nghệ thuật và sự sẻ chia

Cơn bão Yagi đã đi qua, song hậu quả để lại là vô cùng nặng nề đối với nhiều gia đình tại các tỉnh phía Bắc. Tiếp tục lan tỏa tinh thần tương thân tương ái, nhiều nhà hát và các nghệ sĩ đang lên kế hoạch tổ chức các đêm nhạc, đấu giá các tác phẩm nghệ thuật… quyên góp, giúp đỡ đồng bào các tỉnh, thành miền Bắc chịu thiệt hại nặng nề do bão lũ gây ra.

Chuyển động cùng nhạc kịch

Chuyển động cùng nhạc kịch

Nhạc kịch đang được “phủ sóng” rộng rãi từ sân khấu cho đến trường học. Ở đó, cùng với việc “Việt hóa” các tác phẩm của nước ngoài, liên kết với nhà hát quốc tế… thì việc khai thác các chất liệu văn hóa truyền thống đang giúp loại hình sân khấu này có thêm sức hút, đặc biệt là với khán giả trẻ.

Gian nan bảo vệ bản quyền

Gian nan bảo vệ bản quyền

Tròn 20 năm Việt Nam tham gia Công ước Berne (10/2004) về quyền sở hữu trí tuệ. Khoảng thời gian này không phải là ngắn, vậy nhưng tình trạng xâm phạm bản quyền ở trong nước vẫn còn phổ biến và ngày càng phức tạp.

fbytzltw