Phát triển dịch vụ logistics xứng với tiềm năng, lợi thế

LCĐT - Mặc dù có nhiều tiềm năng, lợi thế, song do điểm xuất phát thấp, kết cấu hạ tầng chưa hoàn thiện, tiềm lực doanh nghiệp còn yếu, nên dịch vụ logistics trên địa bàn tỉnh phát triển chưa tương xứng…

Cảng Nội địa ICD Lào Cai của Công ty Cổ phần Vinalines Logistics Việt Nam đặt vị trí tại Khu Công nghiệp Đông Phố Mới, thành phố Lào Cai. ICD Lào Cai có quy mô 10 ha gồm các công trình: Khu bãi chứa container; khu kho CFS và kho ngoại quan; khu văn phòng điều hành, dịch vụ; khu tiếp nhận hàng đường sắt (khoảng 1 km), với khả năng thông quan hàng hóa đạt công suất 130.000 đến 300.000 TEU/năm. Năm 2017, doanh thu của ICD Lào Cai đạt khoảng 18,3 tỷ đồng, trong đó công suất thông quan hàng hóa đạt khoảng 600 TEU. Nguồn thu chủ yếu là từ các hoạt động: Khai thác hoạt động vận chuyển hàng hóa (xe container, vận tải đường sắt); khai thác bến bãi, nâng hạ, gửi bãi; cho thuê kho ngoại quan, kho thường CFS; dịch vụ tư vấn làm thủ tục hải quan, thông quan hàng tạm nhập, tái xuất, gửi kho ngoại quan, quá cảnh; hoạt động kinh doanh thương mại.

Ông Phạm Thành Giang, Giám đốc Chi nhánh Lào Cai - Công ty Cổ phần Vinalines Logistics Việt Nam - cho biết: ICD Lào Cai là “cửa ngõ” thông thương hàng hóa quan trọng kết nối tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) với vùng Tây Bắc (Việt Nam) và các vùng lân cận. ICD Lào Cai còn là cảng nội địa miền Bắc duy nhất có kết nối đường sắt quốc gia khai thác, vận chuyển hàng từ Lào Cai - Hải Phòng - cảng Cái Lân - cảng Sài Gòn và các tỉnh, thành phố trong cả nước bằng sự kết hợp chuỗi các phương thức vận tải đường sắt, biển nội địa, đường bộ.

Cùng với ICD Lào Cai, Trung tâm Logistics Kim Thành (thành phố Lào Cai) của Công ty Cổ phần Logistics Kim Thành cũng là một đối tác tin cậy của nhiều doanh nghiệp kinh doanh xuất - nhập khẩu. Trung tâm có khả năng lưu chứa và luân chuyển từ 1,2 đến 1,5 triệu tấn hàng hoá. Các dịch vụ cốt lõi của Công ty Cổ phần Logistics Kim Thành gồm: Dịch vụ khai hải quan, dịch vụ cho thuê kho, bãi, dịch vụ giao nhận vận tải, cung cấp dịch vụ vận tải và phân phối hàng hóa, dịch vụ thương mại, xuất - nhập khẩu, dịch vụ giao hàng và thu tiền.

Ngoài hai đơn vị trên, tại các khu thương mại, công nghiệp trên địa bàn tỉnh có một số doanh nghiệp đầu tư dự án kho bãi tham gia cung ứng một số dịch vụ logistics như: Cho thuê kho, bãi lưu giữ hàng hóa hoặc tham gia vận tải hàng hóa.

ICD Lào Cai cung cấp dịch vụ tư vấn làm thủ tục hải quan, thông quan hàng tạm nhập tái xuất.
ICD Lào Cai cung cấp dịch vụ tư vấn làm thủ tục hải quan, thông quan hàng tạm nhập tái xuất.

Theo Sở Công thương, hiện có gần 200 doanh nghiệp tham gia cung ứng các dịch vụ liên quan đến logistics và đang dần hình thành một số doanh nghiệp đi đầu trong việc triển khai chuỗi cung ứng dịch vụ logistics theo tiêu chuẩn quốc tế. Cơ sở hạ tầng phục vụ cho hoạt động logistics đang ngày được hoàn thiện. Khoảng cách về không gian, thời gian kết nối giữa các địa phương trong cả nước với Lào Cai và các tỉnh Tây Nam (Trung Quốc) được rút ngắn. Một số dịch vụ trong chuỗi cung ứng logistics đang phát triển khá mạnh: Dịch vụ hải quan, dịch vụ ngân hàng, dịch vụ kiểm nghiệm, kiểm hóa.

Tuy nhiên, ngành dịch vụ logistics của tỉnh đang trong giai đoạn phát triển, trong đó dịch vụ logistics liên quan đến vận tải chiếm tỷ trọng chủ yếu. Tuy số lượng đông, nhưng hoạt động dịch vụ logistics của các doanh nghiệp Lào Cai còn manh mún, thiếu kinh nghiệm và chuyên nghiệp, chỉ cung cấp dịch vụ cơ bản, cạnh tranh về giá là chủ yếu. Tiềm lực các doanh nghiệp logistics Lào Cai yếu về tài chính, nhân sự, tổ chức mạng lưới, hệ thống thông tin, tính liên kết… Hạ tầng giao thông vận tải còn yếu, công nghệ thông tin chưa hỗ trợ hiệu quả nên chi phí logistics tại Lào Cai khá cao, trong đó chi phí vận tải chiếm 30% đến 40% giá thành sản phẩm (tỷ lệ này là 15% ở các quốc gia khác), điều này làm giảm khả năng cạnh tranh của dịch vụ, hàng hóa của các doanh nghiệp Lào Cai.

Theo định hướng phát triển, Lào Cai đặt mục tiêu đến năm 2020 trở thành trung tâm dịch vụ vận tải quốc tế, tỷ trọng đóng góp của ngành dịch vụ logistics vào GRDP đạt 4,5% đến 5%, tốc độ tăng trưởng dịch vụ đạt 12% đến 15%. Đến năm 2030, tỷ trọng đóng góp của ngành dịch vụ logistics vào GRDP đạt 8% đến 10%, tốc độ tăng trưởng dịch vụ đạt 15% đến 20%.

Ông Đỗ Trường Giang, Giám đốc Sở Công thương cho biết, quan điểm của tỉnh là phát triển dịch vụ logistics thành một ngành dịch vụ đem lại giá trị cao; đóng vai trò hỗ trợ, kết nối và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; gắn dịch vụ logistics với phát triển sản xuất hàng hóa xuất - nhập khẩu, thương mại trong nước và phát triển hạ tầng giao thông vận tải, công nghệ thông tin.

Để phát triển dịch vụ logistics tương xứng với tiềm năng, lợi thế, thời gian tới Lào Cai sẽ tiếp tục ban hành một số cơ chế, chính sách nhằm hỗ trợ thu hút đầu tư, hỗ trợ và giảm chi phí logistics, ưu đãi về giá thuê đất. Cải cách thủ tục hành chính, đơn giản hóa, minh bạch hóa, tin học hóa thủ tục hải quan; cải tiến quy trình thủ tục hải quan xuất - nhập khẩu phù hợp với thông lệ của các nước trong khu vực ASEAN và quốc tế. Xây dựng chính sách ưu đãi, thu hút nguồn nhân lực chuyên ngành về lĩnh vực logistics làm việc tại các trung tâm logistics trên địa bàn tỉnh. Cùng với đó, tăng cường giới thiệu, quảng bá các tiềm năng, lợi thế của Lào Cai trong việc phát triển dịch vụ logistics, kêu gọi các nhà đầu tư trong và ngoài nước đầu tư vào các trung tâm logistics của tỉnh.

Theo điều 233, Luật Thương mại 2005, dịch vụ logistics là hoạt động thương mại, theo đó thương nhân tổ chức thực hiện một hoặc nhiều công việc bao gồm nhận hàng, vận chuyển, lưu kho, lưu bãi, làm thủ tục hải quan, các thủ tục giấy tờ khác, tư vấn khách hàng, đóng gói bao bì, ghi ký mã hiệu, giao hàng hoặc các dịch vụ khác có liên quan đến hàng hóa theo thỏa thuận với khách hàng để hưởng thù lao.

Có thể bạn quan tâm

Tin cùng chuyên mục

Vì sao lãi suất ngân hàng giảm liên tiếp?

Vì sao lãi suất ngân hàng giảm liên tiếp?

Theo Ngân hàng Nhà nước, lãi suất là yếu tố quan trọng trong việc duy trì sức mạnh của một đồng tiền. Thời gian qua, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ về việc giảm lãi suất cho vay để đảm bảo tăng trưởng kinh tế, Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các tổ chức tín dụng tiết giảm chi phí, giảm lãi suất cho vay .

Lào Cai: Thành lập các Hạt Kiểm lâm khu vực

Lào Cai: Thành lập các Hạt Kiểm lâm khu vực

Sau khi thực hiện sắp xếp lại đơn vị hành chính theo mô hình chính quyền địa phương hai cấp, tỉnh Lào Cai đã thành lập các Hạt Kiểm lâm khu vực nhằm đảm bảo công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng được duy trì hiệu quả, liên tục.

Động lực tăng trưởng của Lào Cai

Động lực tăng trưởng của Lào Cai

Khu kinh tế cửa khẩu Lào Cai được đầu tư với kết cấu hạ tầng, hệ thống dịch vụ đồng bộ, đáp ứng nhu cầu giao thương xuất - nhập khẩu, du lịch và dịch vụ giữa Việt Nam và Trung Quốc; hướng đến trở thành trung tâm logistics hiện đại, khu vực động lực tăng trưởng kinh tế của tỉnh, kết nối với khu vực và quốc tế.

"Sơn ngư" trên đỉnh Dền Sáng

"Sơn ngư" trên đỉnh Dền Sáng

CÁ TẦM NẶNG HƠN 50KG NGỠ CHỈ LÀ CHUYỆN HOANG ĐƯỜNG NHƯNG LẠI CÓ THẬT Ở MỘT TRANG TRẠI NUÔI CÁ NƯỚC LẠNH TRÊN ĐỈNH DỀN SÁNG. 6 CON CÁ TẦM, MỖI CON NẶNG HƠN 50KG ĐANG ĐƯỢC NUÔI DƯỠNG TẠI ĐÂY, NGOÀI RA CÒN VÀI TRĂM CON NẶNG TỪ 10KG TRỞ LÊN. CHỦ TRẠI CÁ LÀ LÃO NÔNG U70 CÓ NIỀM ĐAM MÊ VỚI CÁ NƯỚC LẠNH, ÔNG GỌI CHÚNG LÀ “SƠN NGƯ” KHỔNG LỒ.

Cất nóc 2 tòa nhà thuộc dự án NOXH Golden Square Lào Cai

Cất nóc 2 tòa nhà thuộc dự án NOXH Golden Square Lào Cai

Ngày 5/7, Lễ cất nóc dự án Nhà ở xã hội (NOXH) Golden Square Lào Cai đã diễn ra, đánh dấu cột mốc quan trọng hành trình kiến tạo không gian sống chất lượng; góp phần hiện thực hóa mục tiêu an cư cho người lao động, cán bộ, công chức và các đối tượng chính sách tại địa phương.

fb yt zl tw