LCĐT – Đó là ếch sừng fansipan (Megophrys (Panophrys) fansipanensis) và ếch sừng Hoàng Liên (Megophrys (Panophrys) hoanglienensis).
Từ năm 2012, một hành trình khám phá các loài sinh vật trên “Nóc nhà Đông Dương” được các nhà khoa học từ 10 tổ chức, đơn vị nghiên cứu khoa học, giáo dục và bảo tồn trên thế giới (đến từ Anh, Úc và Việt Nam) đã phối hợp với Vườn Quốc gia Hoàng Liên (đại diện là Trung tâm Cứu hộ, Bảo tồn và Phát triển sinh vật) tổ chức, triển khai nghiên cứu.
Đầu tháng 11/2018, các nhà nghiên cứu công bố hai loài lưỡng cư đặc hữu của Vườn Quốc gia Hoàng Liên là ếch sừng fansipan (Megophrys (Panophrys) fansipanensis) và ếch sừng Hoàng Liên (Megophrys (Panophrys) hoanglienensis).
Loài ếch sừng fansipan. |
Loài ếch sừng fansipan được tìm thấy ở độ cao 2.200 m - 2.813 m so với mực nước biển trong Vườn Quốc gia Hoàng Liên. Chúng sinh sống trong các vùng ẩm hoặc suối nhỏ, giới hạn trong khoảng biên độ độ cao không thay đổi (không tìm thấy ở nơi thấp hơn hoặc cao hơn) và vùng có kiểu sinh cảnh dễ bị tác động mạnh, thay đổi lớn bởi biến đổi khí hậu, cộng với số lượng quần thể nhỏ, do đó, chúng được đánh giá là loài bị đe dọa tuyệt chủng.
Còn ếch sừng Hoàng Liên là loài đặc hữu của Việt Nam, có vùng phân bố rộng hơn, từ khoảng độ cao 1.898 - 2.242 m so với mực nước biển. Chúng được tìm thấy phân bố ở 3 điểm mà Vườn Quốc gia Hoàng Liên là trung tâm, ngoài ra loài phân bố ở núi Ky Quan San (Khu bảo tồn thiên nhiên Bát Xát) và Khu bảo tồn Chế Tạo (Yên Bái). Chúng sinh sống trong các kiểu sinh cảnh gắn với suối nhỏ, gần nơi có nhiều hoạt động du lịch, cùng với số lượng quần thể nhỏ, vì thế, các nhà khoa học đánh giá loài này thuộc diện nguy cấp, cần có các biện pháp nhằm hạn chế tác động đe dọa tới môi trường sống của chúng.