Từ một xã đặc biệt khó khăn, tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số chiếm đa số (dân tộc Nùng chiếm gần 50%), đến nay, Bản Sen được biết đến là xã đi đầu trong phong trào giảm nghèo của huyện Mường Khương. Nhờ sử dụng hiệu quả nguồn vốn vay ưu đãi của Ngân hàng Chính sách xã hội để đầu tư sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, đến nay xã chỉ còn gần 4% hộ nghèo.
Để giúp người dân có điều kiện vươn lên thoát nghèo, huyện Mường Khương đã tập trung khai thác thế mạnh tài nguyên đất đai, phát triển trồng rừng và nông nghiệp hàng hóa, từng bước hình thành vùng sản xuất tập trung, quy mô lớn, như chè, dứa, chuối, quýt...
Cùng với sự đồng thuận của người dân, công tác giảm nghèo trên địa bàn huyện đạt bình quân 10%/năm, Mường Khương được đánh giá là địa phương có tỷ lệ giảm nghèo ấn tượng nhất tỉnh Lào Cai trong những năm qua.
Là huyện nghèo, xa nhất của tỉnh, để công tác giảm nghèo đạt hiệu quả, Si Ma Cai tập trung nâng cao vai trò của tổ chức cơ sở đảng trong công tác lãnh đạo, tổ chức thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo ở địa phương. Ông Hà Đức Minh, Bí thư Huyện ủy Si Ma Cai cho biết: Huyện sẽ tập trung phát triển nông nghiệp hàng hóa gắn với du lịch nông nghiệp, xác định 3 cây, 3 con chủ lực của huyện, là cây lê, cây mận, dược liệu và trâu, bò, lợn đen.
Nhờ vậy, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn huyện Si Ma Cai giảm mạnh qua các năm, bình quân đạt trên 8%/năm.
Theo chuẩn nghèo đa chiều, năm 2021, tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh là 25,1%, đến cuối năm 2022 còn 19,3%; dự kiến hết năm 2023, tỷ lệ hộ nghèo còn trên 14%.
Đề án Giảm nghèo bền vững tỉnh Lào Cai giai đoạn 2021 - 2025 đến nay đã đi được nửa chặng đường và đã đạt những kết quả quan trọng. Trong tổng số 6 chỉ tiêu, có 2 chỉ tiêu đạt 100% và vượt mục tiêu đề án; 2 chỉ tiêu đạt trên 70% so với mục tiêu đề án; 1 chỉ tiêu đạt 50% và 1 chỉ tiêu đạt dưới 50%.
Kết quả trên cho thấy sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị đối với công cuộc giảm nghèo bền vững.
Để công tác giảm nghèo mang tính bền vững, cùng với sự hỗ trợ của Trung ương, tỉnh đã ban hành một số chính sách, cơ chế riêng hỗ trợ người dân vươn lên thoát nghèo. Đó là Nghị quyết số 20 ngày 24/5/2019 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về giảm nghèo bền vững đối với các xã có tỷ lệ hộ nghèo từ 40% trở lên đến hết năm 2020, tầm nhìn đến 2025, có xét đến năm 2030; Nghị quyết 06 ngày 10/7/2019 của HĐND tỉnh về việc sử dụng ngân sách địa phương ủy thác qua Ngân hàng Chính sách xã hội để cho vay phát triển kinh tế - xã hội tại các xã có tỷ lệ hộ nghèo từ 40% trở lên trên địa bàn tỉnh Lào Cai, giai đoạn 2019 - 2025; Nghị quyết số 26 ngày 4/12/2020 của HĐND tỉnh ban hành Quy định một số chính sách khuyến khích phát triển sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Lào Cai…
Một trong những “chìa khóa” để thực hiện thành công trong giảm nghèo nhanh và bền vững của tỉnh Lào Cai là thực hiện hiệu quả các dự án thành phần Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025. Đến 31/1/2023, kết quả giải ngân các chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững của toàn tỉnh được 814,5 tỷ đồng, đạt 92,7% kế hoạch. Cùng với đó, tỉnh triển khai hiệu quả 5 chính sách hỗ trợ nghèo đa chiều, gồm giáo dục, y tế, nhà ở, nước sạch và vệ sinh môi trường, tiếp cận thông tin. Kết hợp chặt chẽ, đồng bộ giữa thực hiện các mục tiêu giảm nghèo với kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội gắn với xây dựng nông thôn mới; thực hiện hiệu quả các chương trình, đề án trọng tâm của Tỉnh ủy.
Nhờ các chính sách, cơ chế và các dự án được triển khai đồng bộ và kịp thời, cùng với bản lĩnh vượt khó, kinh nghiệm, sáng tạo và đột phá trong tư duy xây dựng chính sách giảm nghèo và sự vào cuộc của các cấp, ngành, địa phương, Lào Cai sẽ sớm đạt mục tiêu giảm nghèo bền vững.