Nhiều chuyển biến tích cực
Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021 được xem như Hội nghị Diên Hồng về văn hóa bởi tính chất hiệu triệu lòng người trong các thông điệp của hội nghị. Sau hội nghị, nhiều chuyển biến tích cực đã được ghi nhận từ nhận thức đến hành động, từ cơ quan quản lý đến những người làm văn hóa, yêu văn hóa.
Cụ thể, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chương trình Tổng thể về phát triển văn hóa giai đoạn 2023-2025 như một tiền đề để triển khai các chương trình, dự án về văn hóa; nghị quyết mới về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù cho TPHCM, lĩnh vực văn hóa cũng được ưu tiên trong hợp tác theo phương thức đối tác công - tư (PPP)…
Những điều này chắc chắn sẽ giúp văn hóa được vận hành tốt hơn, trở thành những điểm sáng, từ đó lan tỏa đi các địa phương trên cả nước, xây dựng nên sức mạnh và sự tự hào từ văn hóa Việt Nam trên trường quốc tế.
Nếu trong 5 năm giai đoạn trước, nguồn chi đầu tư cho văn hóa chiếm bình quân 1,57% tổng chi thường xuyên của ngân sách nhà nước thì sau Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021, sự chuyển biến này diễn ra mạnh mẽ hơn: đạt khoảng 1,8%, chưa kể trên thực tế đã bổ sung nhiều khoản chi cho văn hóa. Nguồn lực từ xã hội hóa, doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực văn hóa cũng được tăng cường. Các chính sách xã hội hóa, chính sách ưu đãi đầu tư, thuế, tín dụng... trong lĩnh vực văn hóa được quan tâm, chú trọng.
Không chỉ là những chuyển biến từ phía Nhà nước, các thành phần xã hội cũng thể hiện sự năng động, nhiệt huyết đối với lĩnh vực văn hóa. Các tuần lễ sáng tạo ở Hà Nội và một số thành phố lớn, sự hình thành của Nhà hát Đó ở Nha Trang, những bộ phim ăn khách của khối tư nhân như Nhà bà Nữ… cùng những ca khúc Việt Nam mang hơi thở mới, chinh phục không chỉ khán giả trong nước mà cả khán giả quốc tế.
Điều đó cho thấy chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước đã bắt nhịp sự sôi động của thị trường văn hóa, để văn hóa đóng góp nhiều hơn cho quá trình phát triển đất nước. Giờ đây, nhiều người bắt đầu nói về một công cuộc phục hưng, đổi mới cho lĩnh vực văn hóa.
Khơi thông điểm nghẽn
Tuy có rất nhiều tín hiệu tích cực trong phát triển văn hóa, nhưng cũng còn đó những băn khoăn. Sau Nghị quyết Hội nghị lần thứ 5 (Ban Chấp hành Trung ương khóa VIII) về xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, thì văn hóa được quan tâm đặc biệt, thể hiện ở các chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa.
Sự ra đời của các luật về văn hóa, nghệ thuật; công tác cán bộ văn hóa đã có những ưu tiên nhưng sau đó chỉ 1, 2 nhiệm kỳ, văn hóa lại ít được nhắc đến. Giờ đây, liệu văn hóa có lặp lại vòng quay ấy không? Bây giờ đang là cơ hội, thuận lợi rất lớn nếu ngành văn hóa biết phát huy thời cơ để chấn hưng văn hóa nước nhà.
So với nhiều nước, Việt Nam có nhiều hỗ trợ cho phát triển văn hóa với hệ thống chính sách, luật pháp tương đối rõ ràng. Chúng ta là một trong số ít các nước có nhiều luật về văn hóa, như Luật Di sản văn hóa hay Luật Điện ảnh. Luật Di sản văn hóa năm 2001 được xem là một trong những luật cập nhật, thậm chí tiên phong trong lĩnh vực văn hóa, với những tư tưởng, quan điểm mới về di sản văn hóa phi vật thể. Chúng ta còn cập nhật ở luật năm 2009 và sắp sửa đổi một lần nữa. Luật Điện ảnh cũng tương tự như vậy, cập nhật cả xu thế công nghiệp văn hóa. Tuy nhiên, thực tế còn một số hạn chế khiến văn hóa chưa phát triển như kỳ vọng.
Thứ nhất là nhận thức về phát triển văn hóa chưa đầy đủ. Sản phẩm văn hóa cần phải được xem là những sản phẩm hàng hóa nhưng có logic đặc biệt. Việc nhấn mạnh quá mức đến tính chất tinh thần mà quên đi tính chất hàng hóa của sản phẩm văn hóa, nghệ thuật dẫn đến việc quay lưng lại với kinh tế thị trường, không chú ý đến phát triển thương hiệu, khán giả, hay kỹ năng kinh doanh, khiến các tổ chức, đơn vị văn hóa nghệ thuật trở nên quan liêu, cứng nhắc, thua lỗ.
Ở chiều ngược lại, nếu chú trọng quá mức đến tính chất hàng hóa, đề cao thái quá việc thu lợi nhuận trong lĩnh vực văn hóa, sẽ khiến giá trị tinh thần, đạo đức của sản phẩm văn hóa, nghệ thuật bị coi nhẹ, dẫn đến nhiều sản phẩm chiều theo thị hiếu tầm thường, ảnh hưởng tiêu cực đến đạo đức xã hội. Việc cân bằng hai thái cực này chưa bao giờ đơn giản, song đó là việc phải làm.
Vấn đề tiếp theo cũng khá nghiêm trọng là nhiều vấn đề, bức xúc liên quan, tạo điểm nghẽn cho phát triển văn hóa lại không hẳn đến từ văn hóa, mà lại đến từ chính trị, kinh tế, khoa học - công nghệ, giáo dục... Văn hóa là một lĩnh vực của đời sống xã hội, vì vậy, mọi vấn đề của xã hội đều sẽ được phản ánh thông qua văn hóa và ngược lại. Nhiều điểm nghẽn trong phát triển văn hóa đến từ các luật về thuế, đất đai, đầu tư công, quản lý sử dụng tài sản công, đầu tư theo phương thức đối tác công tư...
Chúng ta đã thấy những vấn đề của Khu Liên hợp Thể thao quốc gia, Hãng Phim truyện Việt Nam hay của rất nhiều các đơn vị văn hóa, nghệ thuật khác lại đến do thiếu quy định từ các luật này. Như vậy, để tháo gỡ điểm nghẽn cho văn hóa, chúng ta cần tháo gỡ từ chính các luật tưởng chừng ít liên quan đến văn hóa như trên. Thiếu những tháo gỡ đó, nhiều chính sách tạo thuận lợi về nguồn lực cho văn hóa sẽ gặp khó khăn.
Đầu tư cho văn hóa là rất cần thiết. Điều này không chỉ thể hiện sự quan tâm thật sự đến văn hóa, mà còn giúp văn hóa có thêm điều kiện để đóng góp cho sự phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương. Dĩ nhiên, đầu tư cho văn hóa rất khó khăn và phức tạp.
Điều này chủ yếu là do hiệu quả đầu tư này sẽ không thấy được ngay. Nếu xây dựng con đường, chung cư, siêu thị, chúng ta có thể tính toán tương đối được thời điểm hoàn vốn nhưng xây dựng bảo tàng, thư viện, nhà hát, lại không dễ như vậy. Thật khó lý giải vì tác động của các công trình, sản phẩm văn hóa không chỉ ở kinh tế, mà còn ở chính trị, văn hóa, xã hội, giúp cho tinh thần của chúng ta thăng hoa, môi trường xã hội lành mạnh, tạo thuận lợi cho sự phát triển nhân cách, đạo đức của con người. Mà, những thứ đó lại không đo đếm, định lượng được.
Nếu chúng ta buộc các đơn vị văn hóa, nghệ thuật như các bảo tàng, di tích, thư viện, nhà hát phải tự kiếm sống, “tự nuôi nhau”... thì thực sự gây khó cho các đơn vị đó. Nhiều khi, nhiệm vụ của họ chỉ là tạo ra những điểm nhấn cho đô thị, địa phương, từ đó hình thành nên sự hấp dẫn của điểm đến, món ăn tinh thần, rồi lan tỏa sang các lĩnh vực khác như phát triển du lịch, giao thông, nhà hàng, khách sạn...
Xét trên một quan điểm toàn diện như vậy, chúng ta sẽ thấy đầu tư cho văn hóa là không lãng phí. Các nhà quản lý sẽ không còn băn khoăn khi cấp kinh phí cho các tổ chức, sự kiện văn hóa, nghệ thuật. Có được sự bảo trợ, văn hóa sẽ phát triển.