Tay chân thoăn thoắt
Xã Nậm Chảy nằm ở phía Tây huyện lị Mường Khương với 10 dân tộc anh em (Mông, Dao, Pa Dí, Tu Dí, Phù Lá, Kinh, Tày, Mường, Nùng, Thái) cùng sinh sống; trong đó, người Mông chiếm đa số. Đây là vùng đất nằm trên cao nguyên cổ Bắc Hà, thuộc dãy Tây Côn Lĩnh. Đường dẫn vào trung tâm xã dù được thảm nhựa, nhưng bên núi đá, bên vực vẫn khiến cánh lái xe chờn tay. Điều đặc biệt là khi đặt chân đến vùng đất này, cảnh sắc không phải những dãy núi đá xám xịt mà là màu xanh tít tắp của quế, chuối. Bên đường không phải là những căn nhà gỗ xiêu vẹo, lúp xúp tạm bợ mà là những căn nhà vườn rộng rãi, khang trang.
Vàng Seo Dua nộp tiền cho tổ vay vốn tại trụ sở xã.
Hôm nay, được Ly Vần Hương, Bí thư Đoàn xã dẫn đường, 7h30 sáng, chúng tôi có mặt tại nhà Bí thư Gia Khâu A Vàng Seo Dua. Căn nhà xây kiên cố rộng rãi, mặt bám đường chính vào trung tâm xã. Cạnh nhà là khu bán hàng tạp hóa và khu bán phân bón, được xây tường ngăn cách. Nhà Bí thư Dua bày biện đơn giản, trên tường treo la liệt bằng khen của vợ chồng Dua. Trước gian hàng tạp hóa là sân bê tông rộng được bắn tôn che nắng. Phía dưới là hai dãy bàn kê cho khách ngồi.
Biết có khách đến nhưng Dua chỉ kịp mời ngồi, chị còn đang mải miết ghi chép, đếm tiền nộp lãi ngân hàng cho mấy hộ dân đang đứng chờ. Khi giấy tờ được gói ghém cẩn thận, chị mới rót nước trò chuyện với chúng tôi. Chưa ấm chỗ, Dua lại tranh thủ cắt mẹt bánh đúc để kịp bán cho khách. Đôi bàn tay thoăn thoắt, khéo léo, từng miếng bánh bằng nhau chằn chặn. Câu chuyện liên tục bị ngắt quãng vì có khách mua hàng; đôi khi, có cả người vào nhờ Bí thư Dua ghi vài chữ trên phong thư làm quà mừng nhà mới.
Ông Giàng Quốc Hưng, Bí thư Huyện ủy Mường Khương cho biết: “Sau đại hội Đảng bộ huyện, Mường Khương có nhiều chuyển đổi, nhất là về lĩnh vực kinh tế. Mường Khương trở thành huyện trọng điểm về nông nghiệp tỉnh Lào Cai (chiếm 5 trong 17 ngành hàng cây, con giống chủ lực) và đang đứng đầu tỉnh về chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng vật nuôi. Thay đổi đó có đóng góp quan trọng của các Bí thư Chi bộ ở cơ sở.
Để có hàng bán, 5h sáng chị đã dậy để chuẩn bị. “Mỗi ngày lãi 50 - 60 nghìn thôi. Lúc rảnh thì nhận sửa, may quần áo dân tộc nữa. Cái chân, tay, cái miệng nó quen bận rộn thế, mà ngồi một chỗ chờ khách đến thì không quen đâu!”, Dua nói rồi mang rổ rau thơm ra vòi nước rửa, thái trộn vào bánh đúc cho khách.
Xong việc, chị lấy điện thoại hẹn cán bộ ngân hàng để nộp lãi cho tổ vay vốn. Dua là tổ trưởng, cũng là Chi hội trưởng Hội Phụ nữ thôn từ năm 2016. Mỗi khi có nguồn vốn, lãi suất thấp chị tổ chức họp hội viên xem ai có nhu cầu vay chị sẽ giúp làm hồ sơ, rồi đi nộp. “Có những gia đình nghèo quá chưa chuẩn bị kịp mà mình biết thì lấy hoa hồng cá nhân để nộp trước. Họ thu xếp được sẽ gửi bù lại”, Dua giải thích. Hàng tháng, ngoài tổ chức sinh hoạt, chị em trong chi hội phụ nữ còn tổ chức tập dân vũ để chuẩn bị biểu diễn tại các ngày hội, ngày lễ. Giờ thì đội văn nghệ xung kích của thôn luôn luôn thường trực để biểu diễn bất cứ lúc nào.
Dua còn đảm nhiệm chức Bí thư Chi Đoàn. Học sinh đã nghỉ hè, chị đã chuẩn bị kế hoạch tổ chức các buổi sinh hoạt cho các em. Năm nay, Chi đoàn thôn đã xây dựng chương trình tình nguyện như xây hố rác ở thôn, xây nhà tắm cho học sinh và phát quang đường biên giới. Mọi năm, Chi đoàn đều đặn tổ chức các buổi đi bẻ ngô, cắt lúa giúp đỡ những gia đình khó khăn và năm nay kế hoạch đó vẫn tiếp tục.
Xây dựng bản làng đoàn kết
Vàng Seo Dua (SN 1991) dân tộc Mông, là con thứ 2 trong gia đình có 7 anh chị em, bố mẹ làm nông. Tốt nghiệp trường Phổ thông Dân tộc nội trú Mường Khương, chị vào học Trung cấp Y. Năm 23 tuổi, Dua lấy chồng, là cán bộ xã Nậm Chảy. Năm 2017, chị vinh dự đứng trong hàng ngũ của Đảng, là Đảng viên trẻ nhất Nậm Chảy lúc đó. Sau hai năm, Dua được tín nhiệm bầu làm Bí thư Chi bộ thôn Gia Khâu A.
Tuy bận rộn nhưng hai vợ chồng Dua trồng được 2ha quế, 1ha sa nhân, 2ha ngô, 1ha lúa nương, nuôi gà và lợn nái. Năm 2019, chị đầu tư trồng quế. Giờ quế đã lớn như bắp chân. Thấy hiệu quả, nhiều người trong thôn đã làm theo. “Người Mông có tập tính thấy hay thì làm theo thôi. Kể từ cây giống đến bao phân cũng phải tìm và dùng đúng theo nhãn mác đó”, Dua bảo.
Chúng tôi theo chân Dua lên trụ sở UBND xã Nậm Chảy giải quyết thủ tục ngân hàng. Trong tổ vay vốn của Dua có nhiều người vay vốn để có cây, con giống làm ăn. Thu hoạch xong họ lại tất toán. Và tổ vay vốn này luôn được ưu tiên vay nhiều mà chưa bao giờ có nợ xấu.
Buổi chiều, Bí thư Dua cùng Trưởng ban Công tác mặt trận Giàng Phìn, Trưởng thôn Ly Cồ Sín đến giải quyết tranh chấp đất nương giữa hai hộ Ly Sảo Hồ và Thào Cồ Lĩnh. Trên nương, có đoạn ông Hồ trồng cam sang đất nhà ông Lĩnh. Có đoạn chuối nhà ông Lĩnh mọc lan sang đất nhà ông Hồ. Hôm trước, hai người không giải quyết được đã gọi điện báo Bí thư Chi bộ. Rồi cả tổ sắp xếp công việc lên nương kiểm tra ranh giới và giải quyết. Cũng may, Trưởng ban Công tác mặt trận Giàng Phìn là người biết hết về khu vực này và từng giải quyết tranh chấp giữa hai nhà mấy năm trước. Ông Phìn bảo, ranh giới hai hộ đã được đào rãnh, xếp đá phân chia, cứ theo đó mà thực hiện. Nhưng vì chuối con lan sang đất nhà ông Hồ nên ông Lĩnh nhất quyết đòi đất nhà mình. Bí thư Dua gọi điện hỏi cán bộ địa chính và gọi cho cả người nhà ông Lĩnh (người đã chứng kiến phân ranh giới trước đây) để xác thực. Vừa nói có lý, chứng cứ đầy đủ nên cả hai đồng thuận ký vào biên bản giải quyết.
Công tác phát triển Đảng với vùng miền núi xa xôi như Gia Khâu A tưởng dễ, nhẹ nhàng nhưng để làm chất lượng không phải dễ. “Sau quá trình theo dõi những người có hướng phát triển, ưu tú, có lí lịch tốt, mình đến hỏi vợ hoặc chồng, tuyên truyền những cái tốt khi tham gia Đảng. Họ nhất trí, tư tưởng thoải mái thì giới thiệu đi học lớp đối tượng. Trong các cuộc vận động, Chi bộ thường kết hợp với ban ngành trong thôn để cùng nhau chia sẻ với người dân. Khi nói chuyện, trước tiên phải tôn trọng họ, thẳng thắn nhưng không có lời lẽ xúc phạm và giải thích thật cặn kẽ họ mới hiểu và không phản đối”, Dua nói. Trước đây, Gia Khâu A chỉ có 2 đảng viên là những giáo viên, công an viên tăng cường, đến nay đã phát triển lên 7 đảng viên, trong đó có 5 đảng viên là nông dân.
Chúng tôi trở lại nhà Dua cuối buổi chiều, vừa lúc chồng Dua về đến sân. Tạm biệt chúng tôi, hai vợ chồng chị lại tranh thủ lên nương lúa gần nhà để nhổ cỏ, bón phân…