LCĐT - Sau hơn 1 năm tham gia xây dựng dự án vùng nguyên liệu và chính sách phát triển cây bồ đề sản xuất cánh kiến trắng, nhiều hộ ở huyện Văn Bàn đã có thêm nguồn thu, có thêm sinh kế từ nghề rừng.
Đã từ lâu, nghề rừng trở thành nghề chính, mang lại thu nhập ổn định cho người dân xã Nậm Tha. Bên cạnh các loại cây như quế, xoan, mỡ thì cây bồ đề cũng được người dân đưa vào trồng lấy gỗ. Trước đây, khi cây bồ đề đến thời gian thu hoạch, người dân Nậm Tha chủ yếu khai thác gỗ, xuất bán cho các cơ sở chế biến lâm sản trên địa bàn xã, huyện. Những năm gần đây, nhờ được hướng dẫn, tập huấn mà người dân Nậm Tha đã biết cách khai thác nhựa từ cây bồ đề để sản xuất cánh kiến trắng.
![]() |
Nông dân Văn Bàn được hướng dẫn kỹ thuật cải tạo, khai thác nhựa bồ đề. |
Gia đình ông Triệu Tài Lâm (thôn Khe Cóc, xã Nậm Tha) gắn bó với nghề rừng hơn chục năm nay. Cách đây 3 năm, ông được biết cây bồ đề ngoài cho khai thác gỗ còn có thể cho thu hoạch nhựa. Tuy nhiên, do thiếu kỹ thuật khai thác, với 2 ha cây bồ đề, ông chỉ thu hoạch được khoảng 70 kg nhựa.
Ông Triệu Tài Lâm cho biết: Trước đây chưa biết cách khai thác, khai thác không đúng mùa, gặp thời tiết ẩm nên sản lượng nhựa đạt rất thấp. Năm 2019, khi dự án sản xuất cánh kiến trắng được đưa vào triển khai tại huyện, qua các buổi tập huấn, tôi mới xác định được nguyên nhân và được hướng dẫn cách khai thác theo mùa, đúng kỹ thuật để năng suất đạt cao hơn.
Theo tính toán của các ngành chuyên môn, nếu khai thác đúng kỹ thuật, 1 ha cây bồ đề có thể cho thu hoạch khoảng 300 kg nhựa. Cây bồ đề cho thu hoạch nhựa có độ tuổi từ 6 năm trở lên, mật độ trồng cũng phải đảm bảo không quá cao (khoảng 1.000 cây/ha). Chất lượng nhựa bồ đề tại Văn Bàn được doanh nghiệp thu mua đánh giá cao, giá thu mua hiện nay là 350.000 đồng/kg. Như vậy, với 1 ha cây bồ đề, ngoài thu hoạch gỗ thì mỗi năm người dân có thể thu nhập thêm 100 triệu đồng từ khai thác nhựa. Tuy nhiên, vì thiếu kỹ thuật trồng, chăm sóc và khai thác nên hiệu quả thu hoạch nhựa từ rừng bồ đề đạt chưa cao.
Huyện Văn Bàn hiện có gần 480 ha cây bồ đề, có 364 hộ và 4 doanh nghiệp trồng và khai thác. Tuy nhiên trên thực tế, cây bồ đề được trồng làm nguyên liệu giấy, ván bóc, sản xuất đũa... Mục tiêu lấy gỗ nhỏ và dài nên người dân trồng rất dày, khoảng 3.000 - 5.000 cây/ha. Mặt khác, người dân chưa từng nghĩ cây bồ đề có nhựa và nhựa bồ đề có thể bán được. Vì vậy, việc tuyên truyền để người dân tỉa thưa, trồng mới với mật độ 800 - 1.200 cây/ha để sản xuất nhựa cánh kiến trắng gặp nhiều khó khăn. Diện tích bồ đề đang được thu hoạch nhựa tại Văn Bàn hiện chỉ đạt khoảng 50 ha.
Trước thực tế đó, các đơn vị tham gia dự án đã tổ chức các buổi hướng dẫn, tập huấn, xây dựng các mô hình để nâng cao năng lực cho người dân. Hạt Kiểm lâm huyện Văn Bàn đã xây dựng mô hình cải tạo rừng trồng bồ đề từ lấy gỗ sang lấy nhựa với quy mô 5 ha/5 hộ và xây dựng mô hình trồng mới, chăm sóc, bảo vệ cây bồ đề lấy nhựa để sản xuất cánh kiến trắng.
Hạt Kiểm lâm huyện Văn Bàn cũng phối hợp với các cơ quan chuyên môn xây dựng quy trình kỹ thuật trồng, cải tạo và khai thác bồ đề lấy nhựa và tài liệu hóa kết quả thực hiện phát triển chuỗi giá trị bồ đề. Người dân làm nghề rừng trên địa bàn huyện cũng thường xuyên được tham gia các lớp tập huấn, tuyên truyền để nắm được kỹ thuật trồng, chăm sóc, cải tạo rừng bồ đề để khai thác nhựa.
Ông Đỗ Ngọc Minh, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Văn Bàn nhận định: Dự án khai thác nhựa cây bồ đề mang lại luồng gió mới, tạo ra ngành nghề mới trong phát triển lâm nghiệp ở địa phương. Người dân Văn Bàn, nhất là những người hưởng lợi trực tiếp rất háo hức, mong triển khai việc chuyển hóa, đầu tư trồng rừng bồ đề lấy gỗ chuyển sang lấy nhựa. Việc khai thác nhựa bồ đề mang về lợi ích kép đối với nghề rừng, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Cùng với đó, người dân cũng dần thay đổi nhận thức chuyển đổi hình thức sản xuất, khai thác lâm sản theo hướng liên kết sản xuất. Dự án tạo hành lang pháp lý cho việc phát triển cây bồ đề, có cơ chế cho việc phát triển ngành nghề mới tại địa phương, qua đó doanh nghiệp, người dân và chính quyền đều được hưởng lợi.