Là trung tâm sản xuất nông nghiệp lớn nhất của Việt Nam, ĐBSCL thực hiện sứ mệnh đảm bảo an ninh lương thực quốc gia và xuất khẩu, tạo công ăn việc làm cho 65% dân cư của vùng. Nơi đây đã đóng góp tỷ lệ lớn vào GDP nông nghiệp cả nước: chiếm 31,37% GDP ngành nông nghiệp, đóng góp tới 50% sản lượng lúa.
Theo định hướng phát triển nông nghiệp Việt Nam, mục tiêu phát triển vùng ĐBSCL đến năm 2025 đạt tốc độ tăng GDP nông nghiệp trên 3%/năm; thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn tăng ít nhất 2 lần so với năm 2018; tỷ lệ nông dân được đào tạo nghề nông nghiệp trên 30%; tỷ lệ sản lượng sản phẩm trồng trọt, thủy sản nuôi trồng được cấp chứng nhận sản xuất bền vững trên 20%; giảm cường độ phát thải khí nhà kính theo các cam kết.
Hướng đến mục tiêu đó, từ tháng 8/2022, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia và Bayer đã ký kết Biên bản Ghi nhớ về việc thành lập mô hình ForwardFarm. Trong đó, hai bên thống nhất hợp tác phát triển và thực hiện các sáng kiến nhằm chuyển đổi sản xuất lúa gạo để nâng cao năng suất, chất lượng gạo. Không chỉ thu hút các thị trường xuất khẩu quốc tế, định hướng còn thúc đẩy phát triển nông nghiệp bền vững, ứng phó với tác động của biến đổi khí hậu.
Mô hình ForwardFarm đầu tiên tại khu vực Đông Nam Á được triển khai tại huyện Thới Lai, thành phố Cần Thơ.
Đến tháng 8/2023, khi hội đủ điều kiện, mô hình ForwardFarm đầu tiên tại khu vực Đông Nam Á được triển khai tại huyện Thới Lai, thành phố Cần Thơ. Chương trình có sự hợp tác, tham gia của các bên như: nhà nông, chuyên gia nông nghiệp, các đơn vị cung cấp giải pháp công nghệ, nhiều đối tác và cá nhân trong chuỗi giá trị sản xuất lúa gạo, khách hàng và người tiêu dùng.
Dự án được triển khai trong ba năm với mục tiêu cải thiện thu nhập của nhà nông, góp phần đảm bảo an ninh lương thực, đồng thời bảo vệ tài nguyên thiên nhiên và môi trường, tăng cường các giải pháp giảm phát thải khí nhà kính và thích ứng với biến đổi khí hậu, sẽ đóng góp một phần vào việc hiện thực hóa tầm nhìn của Bộ NN&PTNT trong chiến lược phát triển một triệu héc-ta sản xuất lúa bền vững, chất lượng cao, phục vụ xuất khẩu và thúc đẩy tăng trưởng xanh vùng trồng lúa ĐBSCL.
Ông Nguyễn Viết Khoa, Trưởng phòng Đào tạo và huấn luyện, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia chia sẻ trong sự kiện ra mắt dự án ForwardFarming.
Ông Nguyễn Viết Khoa, Trưởng phòng Đào tạo và huấn luyện, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia chia sẻ: Đây là ý tưởng toàn cầu của Bayer, dự án này rất có ý nghĩa đóng góp vào đề án mục tiêu 1 triệu hecta lúa của Trung tâm Khuyến nông Quốc gia. Dự án ForwardFarming chú trọng vai trò nông dân và hợp tác xã, hỗ trợ hợp tác xã nâng cao năng lực thực hiện tốt mục tiêu của đề án.
Thành tựu “nhìn thấy được” của dự án ForwardFarming
Mô hình ForwardFarm là một sáng kiến toàn cầu của Bayer nhằm hỗ trợ phát triển nông nghiệp bền vững, dựa trên ba nội dung chính: Giải pháp cho cây trồng, Bảo vệ môi trường và con người; Hợp tác cùng nhau phát triển. Dựa trên mô hình này, nông dân có thể tiếp cận các giải pháp nông nghiệp phù hợp với đặc thù địa phương, đối với khu vực ĐBSCL là sản xuất lúa gạo.
Các nông hộ thực hành canh tác có trách nhiệm, bảo vệ nguồn tài nguyên thiên nhiên và môi trường và trở thành người tiên phong trong sản xuất nông nghiệp bền vững. ForwardFarm cũng thúc đẩy việc chia sẻ kiến thức về nông nghiệp hiện đại bền vững thông qua các mô hình thí điểm trên ruộng và nông trại phối hợp cùng nhà nông trên toàn thế giới.
Nhà nông Đỗ Trí Hùng phấn khởi dẫn đoàn tham quan mô hình ForwardFarm mà anh đã áp dụng trên 1.5 héc-ta thửa ruộng của mình.
Anh Đỗ Trí Hùng, nhà nông tham gia dự án ForwardFarming để triển khai kiến thức canh tác bền vững trên thửa ruộng 1.5 héc-ta trồng lúa tại xã Đông Thuận, Thới Lai Cần Thơ chia sẻ: nhờ áp dụng mô hình canh tác bền vững ForwardFarm, anh đã tiết kiệm được chi phí sản xuất mà vẫn đảm bảo năng suất và chất lượng gạo thu hoạch.
Cụ thể, so với phương thức canh tác cũ mỗi công đất anh xạ khoảng 20-25 kg lúa giống, bón 50kg phân, xịt từ 3-4 lần thuốc, thì khi áp dụng mô hình canh tác ForwardFarm lượng giống chỉ 12 kg công, lúa xạ thưa hạn chế được sâu bệnh, tránh tình trạng đổ ngã, lượng phân bón, thuốc trừ sâu sử dụng cũng ít hơn. So với sạ lúa truyền thống, mô hình canh tác ForwardFarm giúp nông dân tiết kiệm từ 30-40% chi phí sản xuất.
Ông Chu Việt Hà, Giám đốc nhánh Khoa học cây trồng của Công ty Bayer Việt Nam cho biết: Có nhiều yếu tố tạo nên sự thành công của dự án ForwardFarming, nhưng tựu chung có 3 yếu tố chính. Thứ nhất, là sự chia sẻ tầm nhìn hướng tới phát triển nền nông nghiệp bền vững của các bên, cụ thể là Bộ Nông Nghiệp và Trung tâm Khuyến nông Quốc gia và các doanh nghiệp tư nhân trong nước cũng như là nước ngoài.
Yếu tố thứ hai là sự hợp tác của các đơn vị, các công ty, các doanh nghiệp trong chuỗi giá trị nông nghiệp, cụ thể ở đây là sự phối hợp của Bayer, công ty Bình Điền và công ty Sài Gòn Kim Hồng, qua đó chúng tôi chia sẻ những kinh nghiệm trong hoạt động hợp tác với bà con nông dân.
Yếu tố thứ ba chính là hệ thống khuyến nông, thông qua hệ thống khuyến nông thì với thời gian rất ngắn, chúng ta cũng đã tập huấn được trên 2000 nhà nông học hỏi kinh nghiệm từ mô hình này để rồi áp dụng cho cánh đồng của mình. Hướng đến lâu dài, việc tham gia của hệ thống khuyến nông cơ sở hay còn gọi là hệ thống khuyến nông cộng đồng sẽ là một yếu tố quan trọng để chúng ta nhân rộng mô hình này ra, đạt được những hiệu quả to lớn hơn, rộng khắp khu vực ĐBSCL.
Dự án ForwardFarming triển khai các lớp tập huấn cho nữ nhà nông dân về phương pháp chủ động kế hoạch hóa gia đình, dinh dưỡng thai kỳ, chăm sóc các vấn đề da liễu thường gặp.
Ngoài ra, dự án còn đặc biệt chú trọng đến vai trò của phụ nữ trong nông, thể hiện qua các chuyên đề tập huấn dành riêng cho hơn 500 nữ nông dân như: phương pháp chủ động kế hoạch hóa gia đình, dinh dưỡng thai kỳ, chăm sóc các vấn đề da liễu thường gặp...