LCĐT - Về các xã nông thôn mới của tỉnh, ấn tượng đối với chúng tôi là những con đường bê tông bằng phẳng, sạch, đẹp, dọc hai bên đường là những hàng cây xanh, đường hoa rực rỡ. Những ngôi nhà cao tầng, công trình phúc lợi, công trình giao thông in đậm dấu ấn của cộng đồng, của lòng dân.
Cuối năm 2018, Tà Chải là thôn đầu tiên của xã Tả Phìn (thị xã Sa Pa) dược công nhận thôn kiểu mẫu. Thế mạnh lớn nhất ở thôn kiểu mẫu này là trồng hoa địa lan. Người dân trong thôn tự hào rằng, nếu Tả Phìn là vựa hoa địa lan của thị xã Sa Pa thì Tà Chải là nơi cung cấp hoa địa lan cho thị trường nhiều nhất. Thôn có 100% hộ trồng địa lan, mỗi năm cung cấp ra thị trường hàng vạn chậu hoa. Vẻ đẹp nông thôn mới kiểu mẫu ở Tà Chải toát lên từ phong trào sản xuất, từ những khu vườn địa lan mang lại giá trị kinh tế vượt trội.
Dạo một vòng quanh thôn, chúng tôi cảm nhận được sự thanh bình với những ngôi nhà nằm xen giữa vườn hoa, cây cảnh xanh mát, cổng được làm bằng vật liệu tự nhiên sẵn có như gỗ, tre, nứa mang đậm bản sắc vùng cao. Nhà bà Tẩn Tả Mẩy gọn - sạch - xanh mướt. Khu vườn, đồi rộng 2 ha được quy hoạch cẩn thận. Ngay đầu cổng là khu vực trồng đào, mai, phía sườn đồi trồng địa lan, cây cảnh. Tất cả khu vườn được lắp đặt hệ thống phun tưới nước tự động.
Ông Lý Phù Chìu, Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Tà Chải cho biết: Từ thực hiện xây dựng nông thôn mới, các chính sách khuyến khích, hỗ trợ phát triển sản xuất được quan tâm, thôn đã thành lập chi hội nghề nghiệp trồng hoa địa lan và 2 vườn lan tập thể (vườn lan của chi bộ, vườn lan của chi hội cựu chiến binh) nhằm chia sẻ kinh nghiệm, giúp nhau về kỹ thuật, giống, vốn trong việc phát triển nghề trồng hoa địa lan. Vườn lan tập thể cho thấy sự đoàn kết của người dân trong thôn khi sẵn sàng chia sẻ lợi ích kinh tế với cộng đồng thông qua việc góp đất, góp cây, cùng trồng và chăm sóc để gây quỹ cho các hoạt động chung của thôn. Từ những chính sách phát triển sản xuất cụ thể đã góp phần nâng thu nhập bình quân đầu người của thôn đạt 40 triệu đồng/năm, thôn chỉ còn 2 hộ nghèo và 14 hộ cận nghèo theo tiêu chí mới.
Khi đời sống kinh tế khá giả, việc vận động người dân đóng góp tiền của, ngày công xây dựng nông thôn mới có nhiều thuận lợi. Theo lời trưởng thôn vận động, người dân trong thôn đồng thuận một lòng hiến đất làm đường rộng, nắn đường cho thẳng, hiến đất xây dựng nhà văn hóa, đóng góp ngày công, tiền để thực hiện các tiêu chí nông thôn mới theo hướng xã hội hóa. Từ năm 2014 đến nay, người dân trong thôn đã hiến hơn 20 nghìn m2 đất, góp hàng tỷ đồng mở mới đường giao thông, đổ bê tông đường, làm nhà văn hóa, làm đường điện chiếu sáng và các công trình công cộng khác.
Về thôn Nậm Hẻn, xã Gia Phú (Bảo Thắng) vào ngày hạ chí, những ngôi nhà được bao bọc bởi khuôn viên cây xanh, rừng cây mát mẻ như hệ thống điều hòa không khí tự nhiên. Những con đường bê tông phẳng lỳ, ven đường phủ đầy sắc hoa tạo vẻ đẹp riêng cho miền quê hạnh phúc này. Đi tới đâu trò chuyện với người dân, chúng tôi cũng cảm nhận được sự chân thành, đoàn kết, gắn bó, vì sự phát triển của quê hương. Ông Lê Văn Viên, Trưởng thôn Nậm Hẻn hào hứng kể: Năm 2020, Nậm Hẻn “cán đích”, trở thành thôn kiểu mẫu đầu tiên của xã. Nhờ bà con trong thôn đoàn kết, phát huy nội lực trong phát triển kinh tế, góp công, góp của, hiến đất xây dựng đường quê, nhà văn hóa, các công trình công cộng mà Nậm Hẻn được khoác lên mình tấm áo mới.
Trong niềm vui mừng quê hương đổi mới, ông Lê Văn Viên nhớ lại: Nhiều năm về trước, những hộ đầu tiên từ Nam Định, Hải Phòng lên lập nghiệp, xây dựng quê hương mới tại đây. Khi ấy đồng đất hoang sơ, ruộng canh tác ít, đời sống người dân gặp nhiều khó khăn. Trước thực trạng đó, nhiều gia đình đã năng động, sáng tạo bằng nhiều hướng khác nhau để phát triển kinh tế. Họ chung vốn, góp sức mở các xưởng mộc sản xuất đồ gia dụng, tạo việc làm cho nhiều lao động trong thôn. Nhiều hộ phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm, phát triển kinh tế đồi rừng. Cũng từ sự đoàn kết tình làng - nghĩa xóm, các hộ trong thôn đã hỗ trợ nhau xây dựng nhà mới bằng cách, nhà này đổi công cho nhà khác để bớt chi phí thuê nhân công. Đến nay, 98% hộ có nhà xây kiên cố, không còn nhà tạm; thu nhập bình quân đầu người đạt trên 40 triệu đồng/năm, thôn không còn hộ nghèo.

Kinh tế dần ổn định, người dân bắt tay vào xây dựng nông thôn mới. Năm 2012, Nậm Hẻn là thôn đầu tiên của xã vận động người dân đổ bê tông 1,2 km đường trục thôn. Tuyến đường được đưa vào sử dụng đã mang đến những thay đổi tích cực cho cuộc sống người dân trong thôn. Trên đà phấn khởi, người dân trong thôn tiếp tục hiến đất, góp công mở thêm 0,7 km đường trục thôn và gần 1 km đường ngõ xóm. Hưởng ứng phong trào “Đường rộng - điện sáng - nhiều hoa - Nhân dân đồng lòng, nông thôn phát triển” do huyện triển khai, người dân thôn Nậm Hẻn đã trồng hơn 3 km đường hoa, làm mới 1,7 km đường điện chiếu sáng, các tuyến đường thôn, xóm được bê tông rộng, đẹp. Đặc biệt, năm 2020, cấp ủy đảng, ban lãnh đạo thôn đã vận động người dân đóng góp xây nhà văn hóa với tổng diện tích 1.700 m2, tổng kinh phí hơn 700 triệu đồng, trong đó Nhà nước hỗ trợ 100 triệu đồng, số tiền còn lại là nguồn xã hội hóa và do người dân đóng góp…
Sau hơn 10 năm triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, tỉnh Lào Cai có 62/127 xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó có 4 xã đạt xã nông thôn mới nâng cao là Sơn Hà, Xuân Quang (Bảo Thắng), Liên Minh (thị xã Sa Pa), Tà Chải (Bắc Hà). Năm 2022, tỉnh phấn đấu có thêm 7 xã đạt nông thôn mới nâng cao.
Ông Nguyễn Trung Kiên, Phó Chánh Văn phòng điều phối nông thôn mới tỉnh cho biết: Phong trào xây dựng thôn kiểu mẫu, thôn nông thôn mới đã và đang được nhân rộng trong toàn tỉnh bởi sự hiệu quả và thiết thực của nó. Tính đến hết tháng 6/2022, toàn tỉnh có 181 thôn đạt thôn kiểu mẫu và 169 thôn đạt thôn nông thôn mới. Đó là kết quả của sự chung sức, đồng lòng của đảng bộ, chính quyền và người dân ở các địa phương. Trong thời gian tới, Lào Cai xác định xây dựng thôn kiểu mẫu phải là xu thế tất yếu đi lên của các xã đã đạt chuẩn nông thôn mới. Việc thực hiện tiêu chí này là tiền đề vững chắc cho việc duy trì, nâng cao chất lượng và đẩy nhanh tiến độ xây dựng nông thôn mới tại các xã; cơ sở quan trọng để Lào Cai phấn đấu có nhiều xã nông thôn mới kiểu mẫu và tỉnh đạt chuẩn nông thôn mới giai đoạn 2022 - 2025 một cách thiết thực, bền vững.

“Để đạt mục tiêu xây dựng nông thôn mới đòi hỏi tiếp tục huy động tốt mọi nguồn lực, có sự vào cuộc, phối hợp chặt chẽ của cả hệ thống chính trị, thực hiện đồng bộ các giải pháp. Đặc biệt, tiếp tục khơi dậy và phát huy tính tích cực, vai trò chủ thể của người dân khu vực nông thôn, còn vai trò của chính quyền các địa phương được xác định là định hướng, tổ chức” - ông Nguyễn Trung Kiên nhấn mạnh.
Xây dựng nông thôn mới không chỉ là đích đến mà còn là danh hiệu để nhắc nhở mỗi người ý thức, trách nhiệm với mảnh đất nơi mình gắn bó, để từ đó cùng nhau góp sức xây dựng làng quê kiểu mẫu, văn minh, lưu giữ những giá trị văn hóa, xây dựng những miền quê đáng sống, thực sự trở thành chốn đi về bình yên.