Về vấn đề này, Bảo hiểm xã hội Việt Nam thông tin như sau:
Theo quy định tại Điều 169, Điều 219 Bộ luật Lao động năm 2019 và Nghị định số 135/2020/NĐ-CP ngày 18/11/2020 của Chính phủ quy định về tuổi nghỉ hưu, kể từ ngày 1/1/2021, tuổi nghỉ hưu và tuổi hưởng lương hưu của người lao động làm việc trong điều kiện lao động bình thường được điều chỉnh theo lộ trình mỗi năm tăng thêm 3 tháng cho đến khi đạt 62 tuổi đối với lao động nam, và tăng thêm 4 tháng cho đến khi đủ 60 tuổi đối với lao động nữ.
Người lao động có thể nghỉ hưu ở tuổi thấp hơn nếu có đủ các điều kiện sau đây:
- Người lao động có thể nghỉ hưu thấp hơn không quá 5 tuổi so với tuổi nghỉ hưu của người lao động làm việc trong điều kiện lao động bình thường nếu có đủ 20 năm đóng BHXH bắt buộc trở lên và thuộc một trong các trường hợp dưới đây:
+ Có từ đủ 15 năm trở lên làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm thuộc danh mục do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành;
+ Có từ đủ 15 năm trở lên làm việc ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn (bao gồm cả thời gian làm việc ở nơi có phụ cấp khu vực hệ số 0,7 trở lên trước ngày 1/1/2021);
+ Có tổng thời gian làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm, hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và thời gian làm việc ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn (bao gồm cả thời gian làm việc ở nơi có phụ cấp khu vực hệ số 0,7 trở lên trước ngày 1/1/2021) từ đủ 15 năm trở lên;
+ Bị suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên.
- Người lao động có thể nghỉ hưu thấp hơn tối đa 10 tuổi so với tuổi nghỉ hưu của người lao động làm việc trong điều kiện lao động bình thường, nếu có đủ 20 năm đóng BHXH bắt buộc trở lên và thêm một trong các điều kiện sau:
+ Có đủ 15 năm làm công việc khai thác than trong hầm lò;
+ Bị suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên.
- Người lao động không bị quy định giới hạn về tuổi đời khi đã có đủ 20 năm đóng BHXH bắt buộc và thuộc một trong các trường hợp sau đây:
+ Bị nhiễm HIV/AIDS do tai nạn rủi ro nghề nghiệp;
+ Bị suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên và có đủ 15 năm làm nghề hoặc công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm thuộc danh mục do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành.
Cách tính lương hưu
Tại Điều 56 Luật BHXH và Điều 7 Nghị định số 115/2015/NĐ-CP ngày 11/11/2015 của Chính phủ quy định như sau:
Mức lương hưu hằng tháng của người lao động được tính bằng tỷ lệ hưởng lương hưu hằng tháng nhân với mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH, trong đó tỷ lệ hưởng lương hưu (từ năm 2023) như sau:
Đối với lao động nam nghỉ hưu, 20 năm đóng BHXH được tính bằng 45% mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH;
Đối với lao động nữ nghỉ hưu, 15 năm đóng BHXH được tính bằng 45% mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH;
Sau đó cứ thêm mỗi năm đóng BHXH tăng thêm, người lao động được tính thêm 2%; mức tối đa bằng 75%. Trường hợp người lao động nghỉ hưu trước tuổi do suy giảm khả năng lao động thì cứ mỗi năm nghỉ hưu trước tuổi bị giảm 2%.
Trường hợp cần giải thích chi tiết hơn, bạn đọc có thể liên hệ với cơ quan BHXH nơi đang đóng BHXH hoặc cư trú và cung cấp thông tin cụ thể về ngày, tháng, năm sinh, quá trình đóng BHXH để được tư vấn.