Được đại diện Hội Người cao tuổi huyện Bảo Thắng giới thiệu, chúng tôi đến gia đình ông Trần Văn Phương (thôn Phú Thịnh 1, xã Phú Nhuận) - điển hình trong phát triển kinh tế và tham gia các phong trào thi đua tại địa phương.
Đón chúng tôi bằng nụ cười đôn hậu, ông Phương cho biết: Ai cũng có thể học và làm theo Bác, cán bộ vận dụng vào công việc của cán bộ, nông dân vận dụng vào việc của nông dân, người cao tuổi vận dụng vào việc của người cao tuổi... Với tôi thì lựa chọn học và làm theo Bác bằng mô hình phát triển kinh tế.
Ông Trần Văn Phương là thanh niên xung phong từ năm 1976 đến năm 1978, sau khi xuất ngũ ông về địa phương làm kinh tế. Nhiều năm làm việc chăm chỉ nhưng kết quả chỉ đủ lương thực, thực phẩm phục vụ sinh hoạt của gia đình, không có tích lũy.
Thay đổi lớn nhất bắt đầu từ năm 2017 khi ông quyết định chăn nuôi gia trại quy mô lớn, tổng kinh phí đầu tư hơn 800 triệu đồng nuôi lợn thịt, lợn nái, gà thương phẩm.
“Làm kinh tế chưa bao giờ là dễ dàng, nhất là với người mới như tôi. Có thời điểm dịch bệnh hoành hành, vật nuôi chết hết, mất cả vốn lẫn lãi. Nhìn tài sản đội nón ra đi, tôi rất buồn nhưng không nản chí mà tiếp tục theo đuổi”, ông Phương tâm sự.
Giờ đây, gia trại của ông Phương đã đi vào ổn định, mỗi năm xuất chuồng 2 lứa gà, 2 lứa lợn thịt. Ông còn đào 1,2 ha ao nuôi cá, chủ yếu là cá trắm cỏ, sản lượng khoảng 3 tấn mỗi năm. Cùng với nguồn thu từ 5 ha quế đến tuổi thu hoạch, có năm gia đình ông thu gần 2 tỷ đồng.
Cũng là nông dân gắn bó với nông nghiệp, ông Nguyễn Tiến Cường, hội viên Chi hội Người cao tuổi thôn Bảo Ân (xã Kim Sơn, huyện Bảo Yên) có thu nhập lớn nhờ biết nắm bắt thời cơ kinh doanh.
Ông Cường kể năm 1963, theo tiếng gọi của Đảng, gia đình ông rời quê hương Hưng Yên lên Lào Cai lập nghiệp. Trước đây, đời sống gia đình ông dựa chủ yếu vào chăn nuôi, trồng rừng nhưng chỉ đủ trang trải cuộc sống. Năm 2000, ông vay vốn ngân hàng đầu tư trồng 4 ha quế. Hiện nay, cây quế đã đến tuổi thu hoạch, mỗi năm gia đình ông thu từ quế khoảng 300 triệu đồng.
Cách đây 2 năm, ông Cường vay gần 600 triệu đồng để mở xưởng ván bóc, tạo việc làm thường xuyên cho hàng chục lao động địa phương với thu nhập 5 - 7 triệu đồng/người/tháng. Ngoài làm kinh tế giỏi, ông Cường còn nhiệt tình giúp đỡ các hộ khó khăn về cây giống, kinh nghiệm, kỹ thuật trồng và chăm sóc rừng. Hiện tại, có 15 hộ dân được ông Cường hỗ trợ 12 nghìn cây quế giống; 20 hộ được ông cho vay vốn không tính lãi suất để trồng rừng và chăn nuôi với mức vay 20 triệu đồng mỗi hộ.
Với nỗ lực của bản thân, lại tích cực hoạt động xã hội, ông Nguyễn Tiến Cường đã được nhận nhiều bằng khen, giấy khen của các cấp, các ngành…
Lào Cai hiện có hơn 64.000 người cao tuổi, trong đó 16.000 người đang trực tiếp tham gia lao động với 357 người làm chủ trang trại, doanh nghiệp; 426 người được suy tôn trên các lĩnh vực. Trung bình mỗi năm có hơn 400 lượt hộ người cao tuổi được công nhận danh hiệu sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp.
Có thể nói, phong trào người cao tuổi làm kinh tế giỏi ở tỉnh Lào Cai thời gian qua đã phát huy được tinh thần, ý chí của người cao tuổi trong phát triển kinh tế để vươn lên làm giàu chính đáng. Qua đó có thể khẳng định được vai trò và vị thế của người cao tuổi trong đời sống xã hội với tinh thần “Tuổi cao gương sáng”, “Cây cao bóng cả” trong gia đình và xã hội, góp phần tích cực vào sự phát triển chung của tỉnh.