Anh L.K. được nhiều người biết đến trên Tiktok với những clip “Ông bố đơn thân chăm con”. Không giống những đứa trẻ khác, bé Diệp Thảo (con gái của anh) bị chẩn đoán mắc hội chứng down ngay từ trong bụng mẹ. Tuy nhiên, gia đình vẫn chào đón con với tình yêu lớn lao nhất.
Anh L.K. từng bày tỏ quan điểm, trước sự ra đời của mỗi đứa trẻ, bố mẹ nào cũng cần chuẩn bị tâm lý để đối mặt với những biến cố có thể xảy ra trong quá trình nuôi dạy con, đặc biệt là khi con còn bé, những lúc con ốm đau. Hiện nay, ông bố đơn thân L.K. nhận được rất nhiều lời động viên và cảm mến của mọi người bởi tình yêu và sự quan tâm, chăm sóc mỗi ngày dành cho cô con gái đặc biệt này…
Trong căn nhà xây cấp 4 được quét dọn sạch sẽ, đồ dùng bày trí ngăn nắp, anh L.T. ở phường Pom Hán (thành phố Lào Cai) ân cần nhắc nhở con trai Lê Thành Vinh ôn bài, chuẩn bị tốt cho kỳ thi cuối học kỳ I.
Từ ngày vợ mất vì dịch Covid-19, anh T. hết lòng chăm lo cho con. Công việc chạy xe tải thuê của anh T. thu nhập không cao nhưng cũng đủ chi trả cho nhu cầu sinh hoạt thiết yếu của 2 bố con. Mỗi ngày, anh tính toán, cân nhắc các khoản thu nhập, để riêng một phần tiết kiệm, đóng học phí cho con. Tuy áp lực về kinh tế nhưng với anh, tình cảm, tâm tư của con từ khi mẹ mất luôn là nỗi bận tâm rất lớn nên anh hết lòng chăm chút cho con.
Một mình nuôi con rất vất vả. Tôi chỉ mong bản thân đủ sức khỏe để có thể làm việc, nuôi con được học hành đến nơi đến chốn.
Từ khi vợ mất, 2 bố con anh T. nhận được nhiều sự quan tâm, giúp đỡ từ chính quyền và các hội, đoàn thể, nhà hảo tâm. Đó là nguồn động viên giúp anh T. vượt qua khó khăn trong cuộc sống.
Sau khi vợ đột ngột qua đời vì tai nạn giao thông, anh N.V.H. ở phường Bắc Cường (thành phố Lào Cai) phải sống trong cảnh “gà trống nuôi con”. Thời điểm vợ mất, con gái anh chưa tròn 1 tuổi. Từ đó đến nay, vừa làm cha vừa làm mẹ, anh H. đối mặt với bộn bề khó khăn.
Anh H. bộc bạch: Nhờ có ông bà nội sống cùng, hỗ trợ chăm sóc bé từ lúc lọt lòng nên tôi phần nào yên tâm công tác…
Với đặc thù công việc của chiến sĩ phòng cháy, chữa cháy, anh H. thường xuyên vắng nhà. Những lúc được nghỉ, anh luôn dành thời gian bên con, bù đắp hơi ấm, tình cảm cho con gái nhỏ. “Hiện tại, tôi là chỗ dựa duy nhất của con gái nên tôi luôn cẩn trọng mọi việc, chuẩn mực trong cách ứng xử. Tôi cố gắng giữ hình ảnh người cha tốt trong mắt con”, anh H. bộc bạch.
Cảnh “gà trống nuôi con” không phải hiếm gặp trong xã hội. Mỗi người một lý do, một hoàn cảnh nhưng họ đều có điểm chung là hết lòng yêu thương, chăm sóc, muốn bù đắp sự thiếu vắng của người mẹ với các con. Anh Vũ Trường, quản trị viên một diễn đàn mạng xã hội dành cho những ông bố, bà mẹ đơn thân cho biết: Dù tổn thương, thậm chí vất vả hơn khi chăm con nhỏ một mình nhưng đàn ông rất khó chia sẻ nỗi niềm với mọi người. Trong khi phụ nữ đơn thân thường được các hội, tổ chức nhân đạo tư vấn, hỗ trợ tâm lý, tạo việc làm... còn đàn ông đơn thân chỉ “đi uống bia, tự động viên nhau”. Vì thế, tôi lập ra group này, hy vọng những ông bố, bà mẹ đơn thân được sẻ chia, đồng cảm và thấu hiểu nhiều hơn.
Hiện tại, nhóm của anh Trường có hơn 70.000 ông bố, bà mẹ đơn thân, trong đó có khoảng 1/3 thành viên là đàn ông.