Vai trò chủ thể của nông dân trong phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa (ông Nguyễn Quang Vĩnh, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn)
Phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa, nâng cao đời sống Nhân dân là nhiệm vụ trọng tâm, lâu dài. Để phát huy hơn nữa vai trò chủ thể của nông dân trong phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa, đề nghị Hội Nông dân tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cấp ủy và chính quyền địa phương thực hiện một số giải pháp trọng tâm.
Trước hết là đổi mới mạnh mẽ công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của nông dân về sản xuất nông nghiệp hàng hóa.
Tăng cường ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Cần xác định rõ nhu cầu để ứng dụng khoa học kỹ thuật, xây dựng những mô hình mẫu để nhân rộng, chuyển giao; tập trung phát triển các vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa đạt tiêu chuẩn chất lượng, chứng nhận hữu cơ, truy xuất nguồn gốc, các sản phẩm chế biến sâu để tham gia, đáp ứng yêu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu.
Đẩy mạnh công tác xúc tiến đầu tư, xúc tiến thương mại. Tăng cường thu hút đầu tư, hỗ trợ các tổ chức, cá nhân thực hiện các dự án phát triển sản xuất nông nghiệp; đặc biệt là thu hút xây dựng các cơ sở, nhà máy chế biến nông sản gắn với các vùng sản xuất hàng hóa tập trung.
Đẩy mạnh liên kết sản xuất, thu mua, chế biến, tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị. Tổ chức thành lập mới hợp tác xã tập trung cho các vùng sản xuất hàng hóa; phát triển các tổ hợp tác để liên kết giữa người dân với các doanh nghiệp, hợp tác xã từ sản xuất đến thu mua, bảo quản, chế biến, tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị.
Tăng cường thu hút nguồn lực hỗ trợ nông dân. Tham gia hoàn thiện, đồng bộ hóa hệ thống chính sách nhằm thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp, nông dân và nông thôn.
Nâng cao vai trò lãnh đạo của cấp ủy đối với tổ chức hội nông dân (Bí thư Huyện ủy Mường Khương - Giàng Quốc Hưng)
Từ thực tiễn lãnh đạo, chỉ đạo và kết quả đạt được của huyện trong thời gian qua, Đảng bộ huyện Mường Khương rút ra một số kinh nghiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo hội nông dân các cấp đẩy mạnh tuyên truyền, vận động hội viên, nông dân phát triển các vùng kinh tế nông nghiệp hàng hoá, nâng cao thu nhập cho nông dân trên địa bàn.
Trước hết, quá trình triển khai thực hiện phải phát huy được vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy đảng, chính quyền các cấp và sự vào cuộc tích cực, quyết liệt của MTTQ và các đoàn thể, trong đó vai trò nòng cốt là tổ chức Hội Nông dân.
Đẩy mạnh công tác tuyên truyền với nội dung và hình thức phong phú nhằm kịp thời phổ biến khoa học kỹ thuật, nâng cao trình độ, kiến thức và năng lực tổ chức sản xuất cho nông dân.
Tăng cường công tác phối hợp, kiểm tra, giám sát, đôn đốc, theo dõi, hướng dẫn việc tổ chức thực hiện ở cơ sở; kịp thời biểu dương các cá nhân điển hình tiên tiến, dám nghĩ, dám làm trên địa bàn.
Quan tâm xây dựng đội ngũ cán bộ hội đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn. Thực hiện tốt các cơ chế, chính sách nhằm khuyến khích, hỗ trợ nông dân chuyển đổi số, xây dựng các mô hình sản xuất theo chuỗi liên kết; thay đổi tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang phát triển kinh tế nông nghiệp hàng hoá gắn với nhu cầu thị trường.
Nông dân là nòng cốt trong xây dựng nông thôn mới ở cơ sở (ông Phạm Hồng Phong, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Bảo Thắng)
Phát huy vai trò nông dân là nòng cốt, là chủ thể trong xây dựng nông thôn mới ở cơ sở, thực hiện các tiêu chí để góp phần đưa huyện Bảo Thắng trở thành huyện nông thôn mới đầu tiên của tỉnh, Hội Nông dân Bảo Thắng đã thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp.
Tích cực nắm chắc tình hình cơ sở, tâm tư nguyện vọng của hội viên nông dân, Nhân dân để báo cáo cấp ủy đảng, chính quyền lựa chọn phương án chủ động, linh hoạt huy động nguồn lực hợp pháp khác và cộng đồng dân cư để đầu tư nâng cao chất lượng các tiêu chí và xây dựng xã nông thôn mới nâng cao, xã nông thôn mới kiểu mẫu theo kế hoạch giai đoạn 2021 - 2025.
Tuyên truyền, vận động cán bộ, hội viên, nông dân tích cực tham gia, ủng hộ, đóng góp công sức, hiện vật để tiếp tục duy trì, nâng cao chất lượng các tiêu chí xây dựng nông thôn mới cũng như hoàn thành các chỉ tiêu, tiêu chí xã nông thôn mới nâng cao, xã nông thôn mới kiểu mẫu theo quy định.
Tuyên truyền, lan tỏa các gương điển hình tiên tiến, các tập thể, cá nhân tiêu biểu trong xây dựng nông thôn mới để cán bộ, hội viên nông dân học tập, làm theo. Tiếp tục rà soát, giới thiệu các tập thể, cá nhân có nhiều thành tích đóng góp trong xây dựng nông thôn mới về Ban Chỉ đạo huyện.
Hỗ trợ nông dân tiếp cận và ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất (ông Đỗ Đức Thiện, Chủ tịch Hội Nông dân phường Hàm Rồng, thị xã Sa Pa)
Trong những năm qua, công tác hội và phong trào nông dân trên địa bàn phường Hàm Rồng đã có chuyển biến về nhiều mặt.
Trên địa bàn phường đã xuất hiện các gương sáng trong lĩnh vực phát triển kinh tế nông nghiệp được Trung ương, tỉnh và thị xã ghi nhận như: Phụ nữ khởi nghiệp sáng tạo cấp Trung ương, nông dân tiêu biểu xuất sắc cấp tỉnh… Thu hút 2 công ty, 5 hợp tác xã đầu tư chuyên sâu về lĩnh vực phát triển kinh tế nông nghiệp, hằng năm cho thu nhập hơn 50 tỷ đồng, đồng thời thu hút hàng trăm hội viên và Nhân nhân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, tạo công việc mới cho hàng trăm lao động tại địa phương; có rất nhiều hội viên hằng năm có thu nhập từ sản xuất nông nghiệp khoảng 300 - 500 triệu đồng; tăng hệ số sử dụng đất từ 1,5 đến 1,8 lần.
Thời gian tới, Hội Nông dân phường tiếp tục tổ chức hiệu quả các hoạt động tư vấn hỗ trợ hội viên nông dân trong sản xuất như hỗ trợ về vốn, kỹ thuật, xây dựng các chuỗi liên kết trong sản xuất và quảng bá, tiêu thụ hàng hóa. Vận động hội viên phát huy quyền làm chủ, tự lực, tự cường, lao động sáng tạo; tích cực học tập nâng cao trình độ, năng lực về mọi mặt.