Bí thư chi bộ dân tộc Nùng tận tụy
Ông Vàng Sảo Hòa sinh năm 1958, dân tộc Nùng ở xã Pha Long, đảng viên 30 năm tuổi Đảng, từng làm cán bộ xã Pha Long. Năm 2015, mặc dù đã nghỉ hưu nhưng với tình yêu quê hương, mong muốn người dân có cuộc sống ấm no hơn, ông tiếp tục cống hiến sức lực cho công việc của thôn với vai trò là bí thư chi bộ và người có uy tín của thôn Sả Chải, xã Pha Long.
Chúng tôi gặp ông Hòa trong những ngày cơn bão số 3 (Yagi) đang ảnh hưởng đến các tỉnh miền Bắc. Tuy mức độ bị thiệt hại trên địa bàn huyện Mường Khương không lớn như các địa phương khác trong tỉnh Lào Cai, nhưng những ngày này, ông Hòa vẫn cùng người dân trong thôn đến thăm và giúp di chuyển nhà cho anh Lù Quáng Dín đang có nguy cơ bị sạt lở. Bí thư Chi bộ cùng người dân trong thôn mỗi người ‘một chân, một tay’ giúp gia đình anh Dín vận chuyển đồ đạc đến nơi ở mới an toàn. Trước sức ảnh hưởng của cơn bão, Bí thư Chi bộ Hòa thường xuyên cập nhật tình hình thời tiết, thông báo đến hơn 100 hộ ở thôn Sả Chải (Nùng, Mông, Bố Y) chủ động lịch trình di chuyển và lao động, sản xuất.
Với gần 9 năm làm Bí thư Chi bộ, ông Hòa đã chỉ đạo, vận động các hộ tích cực xây dựng nông thôn mới, thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia. Đặc biệt, bằng sự uy tín của bản thân, đảng viên Hòa đã góp phần thay đổi nhận thức của bà con trong thôn về cải tạo, xóa bỏ các tập quán lạc hậu trong việc cưới, việc tang và lễ hội.
Nhớ lại khoảng 6 năm trước, nhận thức của một số người dân thôn Sả Chải hạn chế nên vẫn xảy ra tình trạng thách cưới cao, tảo hôn, người mất để ở nhà lâu ngày… Năm 2015, khi được bầu làm Bí thư Chi bộ, người có uy tín của thôn, đảng viên Vàng Sảo Hòa luôn trăn trở tìm cách thay đổi nếp nghĩ, xóa bỏ tập quán lạc hậu. Trước tiên, bản thân các thành viên trong gia đình ông tiên phong thực hiện.
Ông Hòa tâm sự: ‘Cách tuyên truyền đến người dân phải ngắn gọn, dễ hiểu; kết hợp lồng ghép trong các buổi họp thôn, họp chi bộ, phân công cán bộ, đảng viên phụ trách từng hộ, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng và hướng giải quyết phù hợp, có lúc cần ‘‘mềm" và có lúc phải ‘’rắn’’; đưa vào hương ước, quy ước thôn, bản, có chế tài xử phạt đối với những gia đình không chấp hành quy định. Trong quá trình tuyên truyền, tôi phiên dịch ra tiếng Mông, tiếng Bố Y để bà con dễ tiếp thu’.
Bằng uy tín của bản thân, ông Vàng Sảo Hòa đã vận động và xây dựng được khối đại đoàn kết trong Nhân dân. Từ năm 2019 trở lại đây, thôn Sả Chải không còn tình trạng thách cưới cao, đám cưới được tổ chức gọn nhẹ, tiết kiệm mà vẫn giữ được bản sắc văn hóa; người mất được chôn cất đúng nơi quy định. Người dân trong thôn tích cực chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đặc biệt là trồng chè hàng hóa theo Nghị quyết 10 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Lào Cai. Đến nay, xã Pha Long có gần 50 ha chè (gồm chè kiến thiết và chè kinh doanh), riêng thôn Sả Chải có hơn 10 ha chè. Cây chè giúp người dân xóa đói, giảm nghèo. Ngoài ra, các hộ trong thôn phát triển thêm các loại hình dịch vụ tạp hóa, buôn bán kinh doanh. Nhờ vậy, tỷ lệ hộ khá tăng, nhiều hộ vươn lên thoát nghèo; thu nhập bình quân đầu người của thôn Sả Chải đạt 30 triệu đồng/năm. Sả Chải được đánh giá là một trong những thôn phát triển kinh tế khá của xã.
Đặc biệt, nhờ sự tuyên truyền tích cực của Bí thư Chi bộ mà người dân thôn Sả Chải nhiệt tình hưởng ứng đóng góp ngày công, hiến đất, cây cối và hoa màu làm đường giao thông nông thôn. Cuối năm 2022, tuyến đường có chiều dài hơn 900 m thuộc thôn Sả Chải được mở mới và đổ bê tông.
Từ sự phân công rõ ràng các công việc cho đảng viên trong chi bộ và lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của người dân; kiên trì trong tuyên truyền, vận động, bám sát cơ sở, sâu sát, gần gũi với người dân, các chủ trương của cấp trên đã đi vào cuộc sống. Thời điểm đó đã có 13 hộ hiến đất với hơn 6.000 m2 và 50 ngày công lao động đắp lề đường để tuyến đường được hoàn thiện, thuận tiện cho trẻ đi học và người dân vận chuyển nông sản. Riêng gia đình ông Hòa hiến 300 m2 đất ruộng để mở rộng tuyến đường.
Pha Long là xã vùng cao, biên giới của huyện Mường Khương, trong đó thôn Sả Chải có 16,3 km đường biên giới. Xác định vai trò trách nhiệm của người có uy tín là cầu nối giữa Nhân dân với chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể của địa phương và đồn biên phòng, ông Vàng Sảo Hòa đã tích cực phối hợp với địa phương, Đồn Biên phòng Pha Long trong tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho dân bản về bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia; duy trì hoạt động hiệu quả của tổ tự quản đường biên, cột mốc... Qua đó, góp phần giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội khu vực biên giới, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của người dân trong bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia.
Với những thành tích đó, nhiều năm liền, ông Vàng Sảo Hòa được các cấp, các ngành khen thưởng. Năm 2023, ông được Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc tặng Bằng Khen vì có thành tích xuất sắc đóng góp cho sự phát triển các dân tộc thiểu số, giai đoạn 2021 - 2023.
‘‘Kho tàng sống’’ của dân tộc Bố Y
Đối với người dân ở thôn Lao Hầu, xã Thanh Bình (huyện Mường Khương), bà Lồ Lài Sửu được mệnh danh là “kho tàng văn hóa sống” của dân tộc Bố Y. Hơn 30 năm qua, bà đã dành trọn tâm huyết để sưu tầm những làn điệu dân gian truyền thống, truyền dạy cho lớp trẻ, góp phần gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc.
Sinh năm 1963, những làn điệu dân ca Bố Y bén duyên khi bà Lồ Lài Sửu mới 12 tuổi và mẹ là người đầu tiên dạy cho bà hát nhiều bài dân ca của dân tộc Bố Y. Lớn lên, tham gia các hoạt động ở xã, thôn như hội chữ thập đỏ, dân số - kế hoạch hóa gia đình, chi hội phụ nữ thôn… với bản tính nhanh nhẹn, hoạt bát và đặc biệt là sở thích hát dân ca đã tạo cơ hội để bà thỏa niềm say mê các làn điệu dân ca Bố Y.
Tự bản thân học hỏi và chủ động sưu tầm những bài dân ca Bố Y từ các bậc cao niên để vừa hát, vừa dịch sang tiếng Việt, đến nay, bà Lồ Lài Sửu có thể hát được hơn 100 bài hát dân ca Bố Y và thuộc các điệu múa, điệu giao duyên… Phần lớn bài hát, múa do bà tự sáng tác, sưu tầm và biên soạn cho phù hợp với đặc điểm, tình hình ở địa phương. Nội dung các bài hát có chủ đề ca ngợi Đảng, Bác Hồ, ngợi ca tình yêu quê hương, đất nước, tinh thần đoàn kết cộng đồng, xây dựng nông thôn mới.
Với mục đích tập hợp những người có sở thích đam mê hát dân ca Bố Y, đồng thời truyền dạy cho thế hệ trẻ, năm 2018, Câu lạc bộ dân ca dân vũ dân tộc Bố Y thôn Lao Hầu, xã Thanh Bình được thành lập. Lúc đầu, câu lạc bộ chỉ có hơn 30 thành viên, đến nay đã thu hút 50 thành viên tham gia ở các lứa tuổi, từ các cháu nhỏ đến phụ nữ trong thôn, trong đó thành viên nhỏ nhất mới 10 tuổi, cao tuổi nhất là hơn 50.
Vào Chủ nhật hằng tuần, các thành viên trong câu lạc bộ tập luyện và học hát dân ca Bố Y. Sự tích cực truyền dạy của bà Lồ Lài Sửu đã tiếp thêm niềm đam mê học hát dân ca cho các thành viên trong câu lạc bộ. Người biết nhiều truyền dạy cho người biết ít, từ chỉ học thuộc 1 đến 2 bài hát, đến nay, thành viên trong câu lạc bộ có thể hát và múa ít nhất được 7 đến 8 bài hát dân ca Bố Y.
Mỗi khi địa phương tổ chức các chương trình biểu diễn văn nghệ hoặc đi giao lưu ở địa phương khác, bà Sửu thường múa, hát cho đồng bào nghe và được mọi người đón nhận, yêu mến. Để làm phong phú kho tàng văn hóa truyền thống của dân tộc, bà Sửu còn đặt lời mới cho những làn điệu dân ca và biên đạo các điệu múa truyền thống. Tuổi đã cao nhưng với tâm huyết của một người con Bố Y mong muốn gìn giữ, bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc, bà Lồ Lài Sửu và các thành viên trong câu lạc bộ đang truyền lửa đam mê yêu thích hát dân ca Bố Y đến thế hệ trẻ và nhận được sự đón nhận, hưởng ứng của thầy cô giáo và các em học sinh trên địa bàn.
Với những đóng góp của mình, năm 2013, bà Sửu được Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tặng Bằng khen vì thành tích đặc biệt xuất sắc trong phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”; được tặng Kỷ niệm chương vì sự nghiệp phát triển các dân tộc. Cũng trong năm 2013, bà Sửu vinh dự được công nhận danh hiệu Nghệ nhân dân gian. Năm 2015, bà được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú…
Bí thư chi bộ người Dao gương mẫu, tích cực xây dựng nông thôn mới
5 năm trên cương vị là bí thư chi bộ, anh Chấu Khái Pao (1985), dân tộc Dao ở thôn Cốc Râm, xã Nậm Chảy (Mường Khương) luôn tận tuỵ, hết lòng vì Nhân dân; tiên phong, gương mẫu trong thực hiện các phong trào thi đua yêu nước, đặc biệt là trong chương trình xây dựng nông thôn mới.
Thôn Cốc Râm có gần 100% hộ dân tộc Dao; đời sống của người dân trong thôn chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp, còn nhiều khó khăn. Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới ở địa phương, anh Pao và các đảng viên trong chi bộ đã triển khai nhiều cách làm hay; tổ chức nhiều buổi sinh hoạt, khuyến khích đảng viên, quần chúng tích cực thực hiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới.
Anh luôn tiên phong đảm nhận những công việc khó. Để nói người dân nghe, hưởng ứng thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới cũng như các phong trào khác, bản thân anh tự nguyện thực hiện trước, qua đó góp phần tạo được niềm tin cho người dân đồng thuận thực hiện các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các chương trình phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.
Trong phong trào làm đường giao thông nông thôn, gia đình Bí thư Chi bộ Chấu Khái Pao đã tự nguyện hiến hơn 1.300 m2 đất nương và đất ruộng để mở rộng đường sản xuất của thôn dài hơn 4 km, giúp bà con vận chuyển nông sản thuận tiện hơn. Thấy việc làm của bí thư chi bộ, các đảng viên và người dân trong thôn Cốc Râm đều đồng tình hiến đất và đóng góp ngày công lao động. Tổng cộng có 29 hộ tự nguyện hiến 29.300 m2 đất và hàng trăm cây cối, hoa màu để mở rộng đường.
Không chỉ tích cực trong xây dựng nông thôn mới, Bí thư Chi bộ Chấu Khái Pao còn năng động tuyên truyền, vận động bà con trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, góp phần giảm nghèo bền vững ở địa phương. Từ định hướng tuyên truyền của cấp ủy đảng, chính quyền xã, đặc biệt là Nghị quyết 10 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về Chiến lược phát triển nông nghiệp hàng hóa tỉnh Lào Cai đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, anh Pao đã tích cực vận động bà con chuyển đổi đất trồng ngô kém hiệu quả sang trồng chè, trồng chuối, phát triển kinh tế đồi rừng, trồng quế và nuôi lợn đen bản địa. Đến nay, đời sống của bà con đã nâng được nâng lên; số hộ nghèo, cận nghèo ngày càng giảm; thu nhập bình quân đầu người đạt trên 26 triệu đồng/năm.
Đến từng nhà để nắm tâm tư, tuyên truyền, vận động, làm thông suốt những băn khoăn, vướng mắc của người dân là “chìa khóa” giúp Bí thư Chi bộ Pao cùng các đảng viên thôn Cốc Râm thực hiện các tiêu chí nông thôn mới. Không chỉ tâm huyết với chương trình xây dựng nông thôn mới, anh Pao còn luôn gương mẫu, tận tụy, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao, là tấm gương sáng trong các phong trào thi đua yêu nước của địa phương, được các cấp, các ngành khen thưởng...
Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: ‘‘Một tấm gương sống còn có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền". Nêu gương Bác, mỗi đảng viên, người có uy tín ở vùng cao, biên giới của huyện Mường Khương bằng những việc làm trách nhiệm, tâm huyết rất đáng trân trọng, nêu gương, góp phần vào sự phát triển chung của quê hương Mường Khương.