Sự cố vỡ hồ chứa bùn thải của Công ty CP Đầu tư khoáng sản Tây Bắc (xã Lương Thịnh - Trấn Yên - Yên Bái) ngày 30/9 vừa qua đã một lần nữa báo động về nguy cơ mất an toàn trong hoạt động khai thác khoáng sản. Điều đáng nói, chỉ tính riêng trên địa bàn tỉnh Yên Bái đã có 117 mỏ được cấp phép. Nếu không quản lí, giám sát tốt, những vụ việc tương tự có thể sẽ lặp lại…
Đã một tuần trôi qua, những hộ dân ở thôn Lương Thiện (xã Lương Thịnh) vẫn chưa hết hoang mang. Sống ngay dưới chân đập, chứng kiến cảnh tượng vỡ đập kinh hoàng xảy ra chiều tối 30/9, cảm giác lo lắng, sợ hãi của người dân là không tránh khỏi. Con suối chạy dưới chân đập nay trở thành bãi bùn đất khổng lồ, dài tới cả cây số. Cả hecta lúa của người dân đang đến mùa thu hoạch cũng bị bùn đất vùi lấp. Anh Dương Phú Châu - thôn Lương Thiện (xã Lương Thịnh) - nhà ngay dưới chân đập, kể lại: "Chiều tối hôm 30/9, tôi vừa đi làm đồng về, chuẩn bị ăn cơm thì nghe tiếng động rất mạnh rồi cứ thế bùn đất đổ xuống ầm ầm, chỉ một lúc sau đã san phẳng con suối. Rất may nhà tôi chỉ bị mất nước và thiệt hại nửa sào lúa. Nhưng em trai tôi là Dương Phú Khoa và anh trai là Dương Phú Thịnh sống ở bên kia suối thì bị vùi lấp gần như toàn bộ diện tích lúa, bùn đất chảy tràn vào đường đi trước nhà, đến giờ vẫn không thể đi xe máy được".

Đại tá Bùi Duy Hiển, Trưởng phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường (PC49 - Công an tỉnh Yên Bái) cho biết, hiện Sở Xây dựng đã lấy các thông số giám định để xác định nguyên nhân vỡ đập. Qua xác minh ban đầu, việc vỡ đập không có dấu hiệu bị phá hoại, doanh nghiệp cũng không sử dụng vật liệu nổ công nghiệp trong thời gian xảy ra sự cố. Theo Đại tá Hiển, nhiều khả năng đập vỡ là do quá tải hồ chứa số 3, cộng thêm trước đó mấy ngày có mưa lớn dẫn đến áp lực lớn về bùn thải. Trong mùa mưa lũ, các cơ quan chức năng địa phương đã khuyến cáo về hiện tượng sạt lở đất, yêu cầu nạo vét hồ thường xuyên để đảm bảo an toàn thân đập. Tuy nhiên, phía Công ty CP đầu tư khoáng sản Tây Bắc đã không tiến hành nạo vét. Độ cao thân đập cho phép là 7m nhưng khi xảy ra sự cố, tiến hành kiểm tra thì độ cao thân đập đang là 10m, tức là doanh nghiệp tự ý đắp đập cao thêm để chứa được nhiều bùn thải hơn. Khi đó, nếu mưa lớn sẽ tạo ra áp lực lớn tới thân đập dẫn đến vỡ đập.
Công ty CP đầu tư khoáng sản Tây Bắc được UBND tỉnh Yên Bái cấp phép khai thác mỏ sắt 409 thuộc xã Lương Thịnh theo Giấy phép số 1054/QĐ-UBND ngày 26/7/2007 và được UBND huyện Trấn Yên phê duyệt bản cam kết bảo vệ môi trường. Tổng diện tích khai thác là 43 ha, công suất khai thác 100.000 tấn/năm, thời hạn 21 năm. Doanh nghiệp bắt đầu tiến hành khai thác từ năm 2011. Vào hồi 18h30 ngày 30/9, tại hồ thải quặng số 3 của mỏ sắt 409 tại thôn Lương Thiện đã xảy ra sự cố vỡ khoang chứa bùn thải, tràn vào phần ruộng dưới chân đập và hệ thống đường dân sinh, chợ và nhà của người dân.
Theo ông Nguyễn Văn Long - Phó Giám đốc chi nhánh Yên Bái của Công ty CP đầu tư khoáng sản Tây Bắc, hồ chứa bị vỡ là hồ chứa số 3 với khối lượng khoảng 5000 m3. Thống kê thiệt hại ban đầu cho thấy có khoảng 2 ha lúa bị vùi lấp, khoảng 70 hộ dân bị mất nước, có 3 hộ dân bị mất đường đi, ngoài ra lượng lớn bùn đất chảy tràn vào khu chợ dân sinh và nhà một số hộ dân. Đến nay, việc nạo vét bùn đất trong chợ dân sinh, khai thông đường đi đã tiến hành xong, việc cấp lại nước cho 70 hộ dân cũng được thực hiện ngay sau khi xảy ra sự cố chỉ 1 ngày. Hiện phía công ty đang tạm dừng các hoạt động để phối hợp với chính quyền địa phương thống kê thiệt hại, đền bù nhanh cho người dân. Đối với phần diện tích canh tác bị vùi lấp, nếu không cải tạo được, doanh nghiệp sẽ xin chuyển đổi mục đích sử dụng đất và thu hút người dân vào nhà máy làm việc.
Toàn tỉnh Yên Bái có 117 mỏ được cấp phép đang có hiệu lực, có 8 đơn vị chế biến khoáng sản đang hoạt động. Số lượng giấy phép được cấp từ 2005-2014 gia tăng nhanh trong khi nhiều doanh nghiệp không có năng lực đầu tư hoặc đầu tư công nghệ cũ, lạc hậu. Trong hoạt động chế biến cũng có nhiều nguy cơ gây ra sự cố môi trường như vỡ đập chứa bùn thải...