Ngộ độc do ăn nhầm lá hoa thủy tiên
Mới đây, hai bệnh nhi 2 tuổi đã được các bác sĩ Bệnh viện Nhi T.Ư cấp cứu kịp thời sau khi bị ngộ độc do ăn nhầm lá hoa thủy tiên. Sự cố đáng tiếc này là lời cảnh báo cho các gia đình trong việc phân biệt các loại thực vật xung quanh, đặc biệt là những loại cây có khả năng gây độc.
Bác sĩ Bùi Tiến Công - Khoa Cấp cứu và Chống độc, Bệnh viện Nhi T.Ư cho biết, gia đình hai trẻ đã nhầm lẫn lá hoa thủy tiên với lá hẹ dùng nấu cháo chữa ho cho các bé. Sau khi ăn, cả hai trẻ xuất hiện triệu chứng đường tiêu hoá như đau bụng, nôn liên tục. Ngay sau đó gia đình đã nhận ra sự nhầm lẫn và lập tức đưa trẻ đến bệnh viện. Sau hơn một ngày điều trị, tình trạng sức khỏe của hai trẻ đã ổn định và được xuất viện an toàn.
Theo bác sĩ, các bộ phận của cây hoa thủy tiên đều có độc, nhất là củ. Trong thành phần của cây chứa chất Lycorine là một Alkaloid, gây ức chế Enzym cholinesterase, dẫn đến các triệu chứng Cholinergic như nôn, buồn nôn, đổ mồ hôi, nhịp tim chậm.
Nếu vô tình ăn phải hoa thủy tiên với số lượng lớn có thể gây co giật, ức chế tuần hoàn, hô hấp và hôn mê. Bên cạnh đó, củ của hoa thủy tiên chứa thành phần Oxalat, nếu nuốt phải có thể gây bỏng và kích ứng niêm mạc môi lưỡi, họng. Ngoài hoa thủy tiên, một số loại cây khác như cây kim tiền, khoai nước cảnh cũng có thể gây bỏng, kích ứng miệng, họng khi trẻ ăn nhầm.
Dù các chuyên gia đã cảnh báo nhưng tại nhiều địa phương vẫn còn xảy ra tình trạng người dân ăn hoặc làm thuốc các loại cây, hoa quả rừng không rõ nguồn gốc dẫn đến bị ngộ độc nặng, thậm chí tử vong.
Đơn cử, Khoa Hồi sức tích cực – Chống độc, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lạng Sơn đã tiếp nhận bệnh nhân Đ. (39 tuổi, xã Tràng Các, huyện Văn Quan, tỉnh Lạng Sơn) trong tình trạng hôn mê, da lạnh, tím tái toàn thân, vùng bẹn chảy máu, tràn khí dưới da vùng cổ, ngực, tay và thành bụng hai bên sau khi ăn hoa chuông cùng gia đình.
Gia đình bệnh nhân cho biết, người bệnh cùng gia đình ăn hoa chuông trong bữa tối. Sau đó, một người cùng ăn xuất hiện nôn nhiều, yếu tứ chi, gọi hỏi không trả lời. Anh Đ. đưa bạn đi cấp cứu, trên đường đi hoa mắt, yếu cơ tứ chi sau tự ngã xe, bất tỉnh, được đưa đến bệnh viện.
Tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lạng Sơn, bệnh nhân được chẩn đoán ngộ độc hoa chuông, tràn khí màng phổi, chấn thương vùng bẹn bìu. Bệnh nhân được thở máy, điều trị tích cực tại khoa Hồi sức tích cực – Chống độc. Hiện 2 trường hợp này đã hồi phục sức khỏe.
Bác sĩ Nguyễn Thành Đô - Khoa Hồi sức tích cực - Chống độc, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lạng Sơn cho biết, cách đây vài năm, đơn vị cũng đã tiếp nhận 3 bệnh nhân trong một gia đình ngộ độc do ăn hoa chuông. Đến nay, tình trạng này lại xuất hiện bởi cây hoa chuông là loại cây dại, khá phổ biến ở Lạng Sơn.
Còn tại thôn Nà Hảo, xã Hữu Vinh, huyện Yên Minh, tỉnh Hà Giang cũng đã xảy ra vụ ngộ độc do ăn hoa chuông làm 4 người bị ngộ độc, may mắn không có người tử vong.
Đặc biệt, có 10 người tại thôn Bản Sái, xã Thanh Bình, thị xã Sa Pa, tỉnh Lào Cai phải nhập viện điều trị do ăn nhầm cây hoa chuông. Những người này sau khi ăn bữa tối với 5 món gồm: canh tiết lợn nấu với ngọn cây rau đắng, ngọn cây rau đắng xào, thịt lợn sốt đậu phụ, cơm trắng và rượu gạo.
Đề phòng ngộ độc thực phẩm có độc tố tự nhiên
Cây hoa chuông có tên gọi khoa học là Scopolamine, là loại cây thân thảo, hoa trông giống như hoa loa kèn, màu trắng và vàng. Loại cây này thường được nhiều người thường lấy về trồng làm cảnh. Tuy nhiên, tất cả các bộ phận của loài hoa này đều chứa độc tố, có thể gây ngộ độc cho người tiếp xúc.
“Độc tính của cây hoa chuông là do một số loại alkaloid trong lá, hoa và hạt. Các hợp chất này có thể ức chế hệ thần kinh và ảnh hưởng đến tim, hệ tiêu hóa… Do đó, khi bị ngộ độc nhẹ thì đau đầu, choáng váng, chóng mặt, buồn nôn, nôn. Trong trường hợp nặng, nạn nhân bị rối loạn tri giác, có ảo giác, kích thích, vật vã, hôn mê, môi và tứ chi tím tái, suy hô hấp… và có thể tử vong nếu không được cấp cứu kịp thời” - bác sĩ Nguyễn Thành Đô cảnh báo.
TS Nguyễn Trung Nguyên - Giám đốc Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai lưu ý, người dân không ăn các loại rau, củ, quả rừng lạ, chưa biết rõ nguồn gốc. Đặc biệt, người dân tuyệt đối không hái các loại hoa, cây rừng về ăn hoặc làm thuốc khi chưa hiểu rõ về độc tính của cây.
“Ngộ độc thực phẩm có độc tố tự nhiên có thể gây tử vong nhanh, nếu không được cấp cứu kịp thời. Trường hợp phát hiện có người không may ăn nhầm, dấu hiệu ngộ độc sau khi ăn uống thực phẩm nghi có độc tố tự nhiên, cần nhanh chóng đưa người bị ngộ độc tới cơ sở y tế gần nhất để được cấp cứu, xử trí kịp thời” - TS Nguyễn Trung Nguyên khuyến cáo.
Ngoài ra, các chuyên gia y tế cũng lưu ý, người dân tránh trồng hoặc trưng bày các loại cây có độc ở những nơi có trẻ nhỏ, phải để xa tầm tay của trẻ. Cha mẹ và người chăm sóc trẻ cần giám sát trẻ mọi lúc mọi nơi để đảm bảo an toàn cho trẻ.
Trong trường hợp trẻ không may ăn phải hoa thủy tiên, hoa chuông hoặc các loại cây có độc, cha mẹ không tự ý móc họng gây nôn cho trẻ; cần đưa trẻ đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được thăm khám và điều trị kịp thời.
Hoa chuông thường được dùng làm cảnh và chế biến thuốc. Tuy nhiên, do có chứa độc tính nên để phòng tránh ngộ độc, người dân tuyệt đối không dùng bất kỳ bộ phận nào của cây hoa chuông để làm thực phẩm và không tự ý sử dụng các bộ phận của hoa chuông để chữa bệnh khi không có sự hướng dẫn cụ thể của thầy thuốc. Đặc biệt, người dân nên nhắc nhở gia đình, đặc biệt là trẻ nhỏ không tiếp xúc với hoa chuông hay tò mò ăn thử.
Bác sĩ Nguyễn Quốc Dũng - Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Giang