Nhiều sản phẩm nông nghiệp khó tiêu thụ

LCĐT - Dịch Covid-19 diễn biến phức tạp khiến nhiều sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn tỉnh gặp khó khăn trong tiêu thụ.

Nông sản chủ lực của Bảo Yên khó tiêu thụ

Những năm trước, sả và dâu tằm được xác định là 2 trong 5 cây trồng chủ lực của Bảo Yên. Trước thời điểm dịch Covid-19 bùng phát, trên địa bàn huyện Bảo Yên có 210 ha sả. Sả được người dân tận dụng canh tác tại đất đồi, đất sản xuất nông nghiệp kém hiệu quả, tập trung chủ yếu tại các xã: Xuân Hòa, Xuân Thượng, Vĩnh Yên… Tại vùng trồng sả, người dân liên kết với doanh nghiệp, hợp tác xã (HTX), phát huy hiệu quả kinh tế trong thời gian dài.

Giai đoạn chuỗi liên kết sản xuất sả hoạt động ổn định, giá lá sả đạt 1.600 - 1.900 đồng/kg. Từ khi dịch Covid-19 bùng phát, giá thu mua lá sả giảm, các đơn vị chế biến tinh dầu vẫn thu mua để tích trữ. Thế nhưng, sau một thời gian dài, thị trường tiêu thụ tinh dầu sả trong nước vẫn ảm đạm, xuất khẩu tinh dầu sả đóng băng, các đơn vị đã tạm dừng thu mua nguyên liệu. Cây sả phải được chăm sóc, thu hoạch liên tục, việc tạm dừng thu mua khiến người dân không cắt lá sả nữa, cây sả lụi dần, diện tích trồng sả giảm.

“May mắn” hơn cây sả, sản phẩm kén tằm của huyện Bảo Yên dù rớt giá nhưng chuỗi liên kết giữa sản xuất và bao tiêu vẫn được duy trì. Trước đây, kén tằm Bảo Yên được thu mua với giá 120.000 đồng/kg, nhưng do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, việc xuất khẩu các sản phẩm từ tơ tằm của Việt Nam gặp khó, kéo theo đó, tình hình tiêu thụ kén tằm chịu nhiều ảnh hưởng, có thời điểm giá kén tằm giảm xuống chỉ còn 60.000 đồng/kg.

Nông dân Bảo Yên gặp nhiều khó khăn khi bán kén tằm trong mùa dịch.
Nông dân Bảo Yên gặp nhiều khó khăn khi bán kén tằm trong mùa dịch.

Theo thống kê của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Bảo Yên, tổng diện tích trồng dâu toàn huyện là 170 ha, tập trung chủ yếu tại các xã Kim Sơn, Lương Sơn, Minh Tân, Việt Tiến, Cam Cọn, Phúc Khánh.

Ông Trần Quốc Đoàn, Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp và Dịch vụ Hoàng Hà cho biết: Hợp tác xã liên kết với người dân xã Kim Sơn và khu vực lân cận sản xuất, thu mua kén tằm cho nhà máy chế biến ở Nam Định. Thời điểm này, hợp tác xã đang thu mua kén tằm cho bà con với giá 80.000 - 90.000 đồng/kg. Ảnh hưởng của dịch bệnh không chỉ khiến việc tiêu thụ kén tằm gặp khó khăn mà còn gây tác động tới chất lượng con giống do phải nhập khẩu, thời gian vận chuyển kéo dài. Hợp tác xã vẫn đang nỗ lực đồng hành với người dân trong giai đoạn khó khăn với hy vọng khi thị trường ổn định trở lại, mọi thứ sẽ đi vào quỹ đạo.

Ông Hà Văn Quang, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Bảo Yên cho biết: Trước tình hình nông sản chủ lực của địa phương gặp khó trong tiêu thụ, ngành nông nghiệp huyện có định hướng trước hết là tập trung vào sản xuất lương thực, thực phẩm để đảm bảo nguồn cung tại chỗ cho người dân. Với vùng sản xuất hàng hóa chủ lực, chúng tôi tuyên truyền, hướng dẫn người dân thâm canh tăng năng suất, tìm kiếm thị trường tiêu thụ, thu hút thêm doanh nghiệp, nhà máy chế biến sâu, sản xuất đảm bảo đủ nguồn cung và con giống cho người dân. Bên cạnh đó, tùy theo lợi thế, thế mạnh của từng vùng, chúng tôi sẽ quy hoạch cụ thể vùng sản xuất hàng hóa với các nhóm cây trồng, vật nuôi chủ lực, nâng cao chuỗi giá trị.

Người nuôi cá như “ngồi trên đống lửa”

Hàng trăm hộ nuôi cá ở thị trấn Nông trường Phong Hải (huyện Bảo Thắng) như “ngồi trên đống lửa” vì giá cá giảm sâu.

Thị trấn Nông trường Phong Hải có hơn 200 hộ nuôi cá theo hình thức thâm canh, bán thâm canh với hơn 100 ha mặt nước. Trung bình mỗi năm, sản lượng cá thương phẩm của thị trấn đạt khoảng 1.000 tấn (chủ yếu là cá chép, rô phi), chiếm khoảng 1/5 tổng sản lượng cá thương phẩm toàn tỉnh. Hiện có gần 400 tấn cá thương phẩm đến thời kỳ thu hoạch đang tồn đọng tại các ao nuôi.

Nay đang là cao điểm thu hoạch cá, nhưng các ao nuôi tại khu vực thị trấn Nông trường Phong Hải lại im ắng lạ thường, không còn cảnh tấp nập, xe tải ra, vào vận chuyển cá đi khắp nơi tiêu thụ như trước. Giá cá thương phẩm xuất bán tại ao hiện ở mức 33.000 đồng/kg (giảm khoảng 6.000 - 7.000 đồng/kg so với cùng kỳ năm 2020). Giá cá giảm, thương lái không đến mua trong khi giá thức ăn tăng khiến hàng trăm hộ nuôi cá đối diện nguy cơ lỗ.

Mỗi ngày, anh Vũ Thế Mạnh (áo đỏ) tốn thêm khoảng 2,4 triệu đồng tiền thức ăn cho cá vì không thể xuất bán.
Mỗi ngày, anh Vũ Thế Mạnh (áo đỏ) tốn thêm khoảng 2,4 triệu đồng tiền thức ăn cho cá vì không thể xuất bán.

Là hộ nuôi cá nhiều năm nay, chưa bao giờ anh Vũ Thế Mạnh, tổ dân phố số 4, lại gặp khó khăn như hiện tại. Mỗi năm, gia đình anh đầu tư tiền tỷ vào 3 ao nuôi cá. Nếu giá cám ổn định (360.000 đồng/bao), giá cá thương phẩm thuận lợi (38.000 - 40.000 đồng/kg), mỗi năm gia đình anh có lợi nhuận trên 200 triệu đồng. Nhưng nay, gia đình anh mới bán được 1 ao cá (hơn 3 tấn), vẫn còn 2 ao chưa bán được (khoảng 6 tấn). Cá không thể bán, giá cám lại tăng (400.000 đồng/bao) nên mỗi ngày anh Mạnh phải mất khoảng 2,4 triệu đồng chi phí mua cám cho đàn cá.

Anh Vũ Thế Mạnh tâm tư: Trước đây, khi có nhu cầu bán cá, chỉ cần chúng tôi gọi là có cả chục thương lái đánh xe đến tận ao thu mua, thậm chí có người đặt cọc tiền trước để mua cá, nhưng năm ngay nhiều lần gọi bán mà vẫn chưa có thương lái tới xem. Nếu tình trạng này tiếp diễn thì người nuôi cá chắc chắn lỗ nặng.

Giống như anh Mạnh, 120 hộ nuôi cá tại thôn Khởi Khe cũng ngày ngày bấm bụng đổ thêm tiền xuống ao chờ được xuất bán. Khởi Khe là thôn tập trung diện tích mặt nước và số hộ nuôi cá nhiều nhất thị trấn Nông trường Phong Hải. Ông Bàn Trọng Nghĩa, Trưởng thôn Khởi Khe cho biết: Nghề nuôi cá hình thành ở thôn khoảng 10 năm nay, đặc biệt phát triển từ năm 2014 - 2015. Khi thị trường ổn định, cùng trên một diện tích, việc nuôi cá mang lại lợi nhuận gấp 6 lần trồng lúa. Nhiều hộ trong thôn đã có của ăn, của để nhờ nuôi cá. Có nhiều hộ đầu tư vài ha mặt nước để nuôi cá, nên thời điểm hiện tại lại càng khó khăn vì mỗi ngày số tiền mua thức ăn cho cá tốn khoảng 10 triệu đồng. Trong thôn cũng có 7 hộ đầu tư xe tải chở cá đi các tỉnh, thành phố Hải Dương, Hà Nội, Hưng Yên, Điện Biên, Lai Châu… nhưng nay chỉ có 1 - 2 hộ mua nhỏ lẻ để bán cho các đầu mối trong tỉnh.

Theo đánh giá của UBND thị trấn Nông trường Phong Hải, giá cá thương phẩm giảm do thị trường khó tiêu thụ bởi ảnh hưởng của dịch Covid-19. Theo ông Lê Xuân Cương, Chủ tịch UBND thị trấn Nông trường Phong Hải, mỗi xe tải chở cá đi các tỉnh tiêu thụ thường có 3 người phải thực hiện xét nghiệm SARS-CoV-2 bằng phương pháp PCR với chi phí 750.000 đồng/lần. Hiệu lực của kết quả xét nghiệm ngắn, giá tiền cao nên không mấy tiểu thương chở cá đi tiêu thụ ở tỉnh khác. Ngoài ra, nhu cầu thị trường giảm khiến người dân rất khó bán cá mặc dù giá đã giảm sâu. Bên cạnh đó, một số người dân có tâm lý chờ giá tăng mới xuất bán, nên sản lượng cá thương phẩm tồn đọng lớn.

Ông Cương cho biết thêm: Trước những khó khăn về giá và thị trường tiêu thụ cá, UBND thị trấn đã báo cáo và đề xuất huyện, một số sở, ngành của tỉnh tìm giải pháp tháo gỡ. “Chúng tôi mong các cấp, các ngành kêu gọi, thu hút đầu tư vào lĩnh vực chế biến cá và sản xuất thức ăn cho cá ngay tại địa phương để giảm áp lực cho người nuôi. Chỉ cần một doanh nghiệp đầu tư nhà máy chế biến cá (400 tấn/năm giai đoạn 1; 800 tấn/năm giai đoạn 2) có thể đáp ứng nhu cầu sản xuất của người dân khu vực thị trấn và huyện Bảo Thắng, đồng thời tận dụng phụ phẩm từ chế biến để sản xuất thức ăn cho cá.

Có thể bạn quan tâm

Tin cùng chuyên mục

Lào Cai được xác định là 1 trong 6 cực tăng trưởng của vùng trong khu vực trung du và miền núi phía Bắc

Lào Cai được xác định là 1 trong 6 cực tăng trưởng của vùng trong khu vực trung du và miền núi phía Bắc

Ngày 4/5/2024, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 369/QĐ-TTg về việc phê duyệt Quy hoạch vùng trung du và miền núi phía Bắc thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Trong quy hoạch này, Lào Cai được xác định là 1 trong 6 cực tăng trưởng của vùng trong khu vực trung du và miền núi phía Bắc.

Tổ chức tháng cao điểm “Gửi tiền tiết kiệm chung tay vì người nghèo”

Tổ chức tháng cao điểm “Gửi tiền tiết kiệm chung tay vì người nghèo”

Thực hiện phong trào “Cả nước chung tay vì người nghèo, không để ai bị bỏ lại phía sau”, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) Chi nhánh tỉnh và các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác triển khai kế hoạch tổ chức tháng cao điểm “Gửi tiền tiết kiệm chung tay vì người nghèo”.

Năm 2024, phấn đấu có thêm 11 xã đạt chuẩn nông thôn mới

Năm 2024, phấn đấu có thêm 11 xã đạt chuẩn nông thôn mới

Ban Chỉ đạo các chương trình mục tiêu quốc gia tỉnh Lào Cai vừa ban hành Kế hoạch 239/KH-BCĐ triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tại các xã phấn đấu hoàn thành “Xã đạt chuẩn nông thôn mới”, “Xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao” năm 2024 trên địa bàn tỉnh.

Thủ tướng yêu cầu thanh tra ngay thị trường vàng

Thủ tướng yêu cầu thanh tra ngay thị trường vàng

Tại chỉ thị vừa ban hành, Thủ tướng yêu cầu kiểm soát và giám sát chặt chẽ việc cấp tín dụng của các TCTD; đồng thời thực hiện ngay công tác thanh tra, kiểm tra đối với thị trường vàng, hoạt động của các doanh nghiệp kinh doanh vàng.

Dần Thàng nỗ lực xây dựng nông thôn mới

Dần Thàng nỗ lực xây dựng nông thôn mới

Là xã vùng 3 của huyện Văn Bàn, Dần Thàng hiện có 400 hộ, trong đó đồng bào dân tộc Dao chiếm trên 80%. Địa hình bị chia cắt mạnh, dân cư ở phân tán, trình độ dân trí không đồng đều, tỷ lệ hộ nghèo cao nên khó huy động nguồn lực trong Nhân dân để xây dựng nông thôn mới.

fb yt zl tw