LCĐT - “Việc người dân phun trực tiếp thuốc trừ sâu vào ngô là không được phép” - Bà Nguyễn Thị Hải Anh, Chi Cục trưởng Chi cục Vệ sinh an toàn thực phẩm khẳng định.
Anh C. phun thuốc trừ sâu trực tiếp lên ngô. |
Mỗi lần phơi ngô, anh Vàng A C, thôn Vạn Dền Sử 1, xã Sử Pán (Sa Pa) lại dùng bình phun thuốc trừ sâu, phun một loại dung dịch lạ vào hạt ngô. Anh C cho biết: Tôi phun thuốc trừ sâu vào ngô nhiều lần rồi, nó có tác dụng chống các loại mối, mọt ăn ngô. Sau vài ngày chờ hết mùi thuốc, tôi mới đem nghiền ngô cho lợn ăn nên không ảnh hưởng gì đâu.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, dung dịch mà người dân phun vào ngô hạt là một loại thuốc trừ sâu rất độc hại, bốc mùi nồng nặc. Không chỉ một lượt, Vàng A C còn xới lên, rồi phun đi phun lại cho thuốc trừ sâu ngấm đều vào tất cả các hạt ngô.
Khi chúng tôi ngỏ ý muốn xem bao bì của loại thuốc trừ sâu này, thì C nói đã pha sẵn thuốc từ nhà rồi vứt bao bì đi rồi?!
Đem câu chuyện phun thuốc lạ vào hạt ngô của nhà Vàng A C trao đổi với anh Sùng A Tỏa, một trong những hộ trồng ngô nhiều nhất thôn Vạn Dền Sử 1, anh Tỏa cho biết: Tôi cũng có nghe nói một số hộ phun thuốc trừ sâu trực tiếp vào ngô với mục đích giảm bớt thời gian phơi ngô, không hao cân, mà vẫn bảo quản được trong thời gian dài, nhưng tôi chưa bao giờ thử. Nhà tôi trồng ngô chỉ để nấu rượu, nếu mà phun thuốc trừ sâu vào, sau đó đem nấu rượu thì người uống sẽ gặp nguy hiểm.
Trao đổi với chúng tôi, ông Tẩn A Lềnh, Chủ tịch UBND xã Sử Pán cho biết: Chúng tôi sẽ xác minh lại việc người dân phun thuốc trừ sâu trực tiếp lên ngô, nếu phát hiện sẽ có những biện pháp xử lý kiên quyết.
Bà Nguyễn Thị Hải Anh, Chi Cục trưởng Chi cục Vệ sinh an toàn thực phẩm cho biết: Việc người dân phun trực tiếp thuốc trừ sâu vào ngô là không được phép. Chắc chắn sẽ ảnh hưởng nhiều tới sức khỏe của con người khi sử dụng sản phẩm từ loại ngô này. Các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương, các tổ chức đoàn thể cũng cần thường xuyên kiểm tra, tuyên truyền tới người dân về tác hại của việc phun thuốc trừ sâu trực tiếp vào ngô hạt.
Trên thực tế, hiện tượng phun thuốc bảo vệ thực vật trực tiếp lên ngô không mang lại lợi ích như người dân mong muốn, nhưng hậu quả lại rất lớn. Nếu đem loại ngô này cho gia súc, gia cầm ăn thì rất dễ bị các bệnh về đường ruột, dẫn đến còi cọc, chậm lớn. Nếu chế biến thành các loại thực phẩm, hoặc nấu rượu, thì khi con người sử dụng rất có thể sẽ xảy ra hiện tượng ngộ độc, ảnh hưởng tới sức khỏe, thậm chí tính mạng.
Nhận thức về tác hại của thuốc bảo vệ thực vật của một bộ phận người dân vùng cao còn hạn chế. Thiết nghĩ, các cơ quan chức năng cần tích cực hơn nữa trong công tác tuyên truyền, vận động bà con sử dụng thuốc bảo vệ thực vật đúng cách, an toàn, hiệu quả, tránh để những hậu quả đáng tiếc xảy ra.