Trước hết là việc đổi mới cơ chế quản lý KH&CN. Đến nay, hệ thống tổ chức bộ máy quản lý khoa học từ tỉnh đến huyện, thị xã, thành phố được kiện toàn. Hiện, nhiệm vụ KH&CN cấp thành phố, thị xã được giao cho phòng kinh tế thị xã, thành phố; phòng kinh tế và hạ tầng các huyện thực hiện chức năng giúp UBND cấp huyện quản lý nhà nước về KH&CN trên địa bàn.
Cùng với kiện toàn tổ chức bộ máy là đổi mới phương thức xây dựng, thực hiện và quản lý các nhiệm vụ KH&CN, để các nhiệm vụ KH&CN được phát huy hiệu quả trong thực tiễn phát triển kinh tế, xã hội của địa phương.
Nhằm khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư đổi mới công nghệ, xây dựng thương hiệu, phát triển sản xuất, UBND tỉnh đã ban hành quy định hỗ trợ đầu tư đổi mới công nghệ, thiết bị, chuyển giao công nghệ và xác lập quyền sở hữu công nghiệp trên địa bàn tỉnh. Việc áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn IS TCVN 9001:2008 được duy trì, mở rộng phạm vi áp dụng, góp phần đẩy mạnh công tác cải cách hành chính. Việc tổ chức quản lý nhiệm vụ khoa học ngày càng chặt chẽ, hội đồng KH&CN cấp tỉnh, cấp huyện, ngành thường xuyên được kiện toàn.
Bên cạnh đổi mới cơ chế quản lý KH&CN, việc tăng cường tiềm lực KH&CN được quan tâm. Hàng năm, tỉnh đều cân đối kinh phí cho đầu tư phát triển KH&CN và sự nghiệp khoa học theo kế hoạch Trung ương giao. Song, do tỉnh còn khó khăn về ngân sách nên việc tăng cường đầu tư cho Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KH&CN, Trại Thực nghiệm công nghệ cao, Trung tâm Kỹ thuật tiêu chuẩn đo lường chất lượng còn hạn chế. Tỷ lệ chi ngân sách hàng năm cho KH&CN được tăng dần; khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư phát triển, ứng dụng thành tựu KH&CN vào sản xuất kinh doanh. Tuy nhiên, việc đầu tư ngoài ngân sách cho phát triển KH&CN trên địa bàn còn hạn chế, các doanh nghiệp chủ yếu là quy mô vừa và nhỏ, năng lực tài chính chưa mạnh.
Trong những năm qua, tỉnh cũng đầu tư xây dựng cơ sở vật chất để phát triển KH&CN. UBND tỉnh phê duyệt Dự án “Tăng cường cơ sở vật chất, nâng cao năng lực quản lý nhà nước về tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng và an toàn bức xạ hạt nhân trên địa bàn tỉnh Yên Bái” giai đoạn 2008 - 2012 với tổng kinh phí trên 12 tỷ đồng; đầu tư xây dựng trụ sở làm việc của Chi cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng. Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KH&CN cũng được UBND tỉnh đầu tư xây dựng trụ sở mới, có tổng diện tích sử dụng trên 1.300 m2 , từng bước đầu tư, bổ sung về trang thiết bị, đây là một phần quan trọng để đáp ứng tốt nhiệm vụ chuyên môn trước mắt cũng như lâu dài và thành lập Trại Thực nghiệm ứng dụng tiến bộ KH&CN phục vụ cho các hoạt động nghiên cứu, phát triển và ứng dụng công nghệ.
Cùng đó, xác định việc quy hoạch phát triển nguồn nhân lực KH&CN có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong định hướng phát triển KH&CN của tỉnh nói chung và của ngành KH&CN nói riêng, Yên Bái đã xây dựng quy hoạch phát triển nguồn nhân lực đến năm 2020, đồng thời ban hành nhiều chính sách nhằm thu hút, đào tạo phát triển cán bộ. Đến nay, toàn tỉnh có trên 20.000 cán bộ có trình độ cao đẳng trở lên. Các chính sách khuyến khích, hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực từng bước phát huy hiệu quả, số lượng cán bộ được đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ ngày một tăng, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực ở địa phương.
Trong phát triển thị trường KH&CN, tỉnh đã có các quy định cụ thể trong việc quản lý nhà nước về sở hữu công nghiệp; khuyến khích các hoạt động chuyển giao công nghệ, chính sách hỗ trợ xác lập quyền sở hữu trí tuệ có hiệu quả. Việc xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm được tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp ngày một quan tâm. Các tổ chức dịch vụ kỹ thuật KH&CN, chuyển giao, tư vấn… được hình thành, dần đi vào hoạt động. Tuy nhiên, các hoạt động này hiệu quả còn chưa cao, số lượng đơn đăng ký quyền sở hữu trí tuệ chưa nhiều (đến nay, toàn tỉnh có 175 đơn đăng ký bảo hộ sở hữu công nghiệp, trong đó 155 đơn đăng ký nhãn hiệu; số văn bằng được Cục Sở hữu trí tuệ cấp là 130 văn bằng); việc phát triển thị trường KH&CN còn chưa rõ nét.
Mặc dù còn nhiều khó khăn, song việc triển khai đồng bộ nhiều giải pháp trong 10 năm qua đã tạo nên nền tảng quan trọng cho KH&CN đạt được những kết quả nhất định. Việc triển khai các nhiệm vụ KH&CN có trọng tâm, trọng điểm, từng bước khắc phục tình trạng dàn trải. Trong khoa học kỹ thuật và công nghệ, đẩy mạnh nghiên cứu ứng dụng tiến bộ KH&CN vào sản xuất và đời sống, nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn, sản xuất theo hướng chuyên canh, tập trung quy mô lớn, nhân rộng các tiến bộ kỹ thuật, các mô hình sản xuất có hiệu quả, đưa giống cây trồng, vật nuôi có năng suất, chất lượng cao vào sản xuất phù hợp với điều kiện của tỉnh, gắn với phát triển nông thôn mới…
Hạnh Quyên