Nguyên tắc xác định số lượng đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp

LCĐT - Ngày bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026 được ấn định vào Chủ nhật ngày 23 tháng 5 năm 2021. Trước cuộc bầu cử, nhiều bạn đọc đã có câu hỏi gửi về đề nghị được giải đáp. Sau đây là một số câu hỏi và trả lời liên quan đến nguyên tắc xác định số lượng đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp.

Các địa phương trong tỉnh đã công bố danh sách ứng cử viên HĐND tỉnh nhiệm kỳ 2021 - 2026. Ảnh: CTV
Các địa phương trong tỉnh đã công bố danh sách ứng cử viên HĐND tỉnh nhiệm kỳ 2021 - 2026.          Ảnh: CTV

Hỏi: Nguyên tắc xác định tổng số đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh được quy định như thế nào?

Trả lời: Việc xác định tổng số đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương được thực hiện theo nguyên tắc:

- Tỉnh miền núi, vùng cao có từ 500.000 dân trở xuống được bầu 50 đại biểu; có trên 500.000 dân thì cứ thêm 50.000 dân được bầu thêm 01 đại biểu, nhưng tổng số không quá 75 đại biểu. Việc xác định tỉnh miền núi, vùng cao để làm căn cứ xác định số lượng đại biểu Hội đồng nhân dân được bầu căn cứ vào văn bản, quyết định còn hiệu lực pháp luật của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Tại Nghị quyết số 1187/NQ-UBTVQH14 ngày 11 tháng 01 năm 2021 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về Hướng dẫn việc xác định dự kiến cơ cấu, thành phần và phân bổ số lượng người được giới thiệu ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 đã giao Bộ Nội vụ chủ trì, phối hợp với Ủy ban Dân tộc và các cơ quan có liên quan rà soát, tập hợp các văn bản, quyết định còn hiệu lực pháp luật đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành để xác định đơn vị hành chính miền núi, vùng cao và công bố trên Trang thông tin điện tử của Hội đồng Bầu cử Quốc gia (http://hoidongbaucu.quochoi.vn).

 - Tỉnh không thuộc trường hợp nêu trên có từ 1.000.000 dân trở xuống được bầu 50 đại biểu; có trên 1.000.000 dân thì cứ thêm 70.000 dân được bầu thêm 01 đại biểu, nhưng tổng số không quá 85 đại biểu.

- Thành phố trực thuộc trung ương có từ 1.000.000 dân trở xuống được bầu 50 đại biểu; có trên 1.000.000 dân thì cứ thêm 60 nghìn dân được bầu thêm 01 đại biểu, nhưng tổng số không quá 85 đại biểu.

- Thành phố Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh được bầu 95 đại biểu.

Theo quy định tại Nghị quyết số 1187/NQ-UBTVQH14 ngày 11 tháng 01 năm 2021 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, dân số của từng đơn vị hành chính để làm căn cứ xác định số lượng đại biểu Hội đồng nhân dân được bầu được xác định theo số liệu thống kê dân số do cơ quan thống kê cấp tỉnh công bố tại thời điểm gần nhất tính đến ngày 31 tháng 12 năm 2020.

Hỏi: Nguyên tắc xác định tổng số đại biểu Hội đồng nhân dân cấp huyện được quy định như thế nào?

Trả lời: Việc xác định tổng số đại biểu Hội đồng nhân dân cấp huyện được thực hiện theo nguyên tắc:

- Huyện miền núi, vùng cao, hải đảo có từ 40.000 dân trở xuống được bầu 30 đại biểu; có trên 40.000 dân thì cứ thêm 7.000 dân được bầu thêm 01 đại biểu, nhưng tổng số không quá 35 đại biểu. Việc xác định huyện miền núi, vùng cao, hải đảo để làm căn cứ xác định số lượng đại biểu Hội đồng nhân dân được bầu căn cứ vào văn bản, quyết định còn hiệu lực pháp luật của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Tại Nghị quyết số 1187/NQ-UBTVQH14 ngày 11 tháng 01 năm 2021 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về Hướng dẫn việc xác định dự kiến cơ cấu, thành phần và phân bổ số lượng người được giới thiệu ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 đã giao Bộ Nội vụ chủ trì, phối hợp với Ủy ban Dân tộc và các cơ quan có liên quan rà soát, tập hợp các văn bản, quyết định còn hiệu lực pháp luật đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành để xác định đơn vị hành chính miền núi, vùng cao, hải đảo và công bố trên Trang thông tin điện tử của Hội đồng Bầu cử Quốc gia (http://hoidongbaucu.quochoi.vn).

- Huyện không thuộc trường hợp nêu trên, thị xã có từ 80.000 dân trở xuống được bầu 30 đại biểu; có trên 80.000 dân thì cứ thêm 15.000 dân được bầu thêm 01 đại biểu, nhưng tổng số không quá 35 đại biểu.

- Quận, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương có từ 100.000 dân trở xuống được bầu 30 đại biểu; có trên 100.000 dân thì cứ thêm 15.000 dân được bầu thêm 01 đại biểu, nhưng tổng số không quá 35 đại biểu.

- Số lượng đại biểu Hội đồng nhân dân ở huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương có từ 30 đơn vị hành chính cấp xã trực thuộc trở lên do Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định theo đề nghị của Thường trực Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, nhưng tổng số không quá 40 đại biểu. 

Tại kỳ bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân nhiệm kỳ 2021-2026, trên cả nước có tổng cộng 29 đơn vị cấp huyện (thuộc 11 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương) có từ 30 đơn vị hành chính cấp xã trở lên. Trên cơ sở đề nghị của các địa phương cũng như bảo đảm cân đối chung về tỷ lệ dân số và số đơn vị hành chính trực thuộc của từng địa phương, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã xem xét và ra nghị quyết quyết định số lượng đại biểu Hội đồng nhân dân cấp huyện nhiệm kỳ 2021-2026 cụ thể (từ 37 đến 40 đại biểu) cho từng huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh và thành phố Thủ Đức thuộc phạm vi đối tượng nêu trên.

Hỏi: Nguyên tắc xác định tổng số đại biểu Hội đồng nhân dân cấp xã được quy định như thế nào?

Trả lời: Việc xác định tổng số đại biểu Hội đồng nhân dân cấp xã được thực hiện theo nguyên tắc:

- Xã, thị trấn miền núi, vùng cao và hải đảo có từ 2.000 dân trở xuống được bầu 15 đại biểu.

- Xã, thị trấn miền núi, vùng cao và hải đảo có trên 2.000 dân đến dưới 3.000 dân được bầu 19 đại biểu.

- Xã, thị trấn miền núi, vùng cao và hải đảo có từ 3.000 dân đến 4.000 dân được bầu 21 đại biểu; có trên 4.000 dân thì cứ thêm 1.000 dân được bầu thêm 01 đại biểu, nhưng tổng số không quá 30 đại biểu.

Việc xác định xã miền núi, vùng cao, hải đảo để làm căn cứ xác định số lượng đại biểu Hội đồng nhân dân được bầu căn cứ vào văn bản, quyết định còn hiệu lực pháp luật của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Tại Nghị quyết số 1187/NQ-UBTVQH14 ngày 11 tháng 01 năm 2021 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về Hướng dẫn việc xác định dự kiến cơ cấu, thành phần và phân bổ số lượng người được giới thiệu ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 đã giao Bộ Nội vụ chủ trì, phối hợp với Ủy ban Dân tộc và các cơ quan có liên quan rà soát, tập hợp các văn bản, quyết định còn hiệu lực pháp luật đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành để xác định đơn vị hành chính miền núi, vùng cao, hải đảo và công bố trên Trang thông tin điện tử của Hội đồng Bầu cử Quốc gia (http://hoidongbaucu.quochoi.vn).

- Xã, thị trấn không thuộc trường hợp nêu trên có từ 5.000 dân trở xuống được bầu 25 đại biểu; có trên 5.000 dân thì cứ thêm 2.500 dân được bầu thêm 01 đại biểu, nhưng tổng số không quá 30 đại biểu.

-  Phường có từ 10.000 dân trở xuống được bầu 21 đại biểu.

- Phường có trên 10.000 dân thì cứ thêm 5.000 dân được bầu thêm 01 đại biểu, nhưng tổng số không quá 30 đại biểu.

Hỏi: Việc xác định số lượng đại biểu Hội đồng nhân dân hoạt động chuyên trách ở từng đơn vị hành chính nhiệm kỳ 2021-2026 được thực hiện như thế nào?

Trả lời: Việc xác định số lượng đại biểu Hội đồng nhân dân hoạt động chuyên trách ở từng đơn vị hành chính được căn cứ vào quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều năm 2019, Nghị quyết số 119/2020/QH14 ngày 19 tháng 6 năm 2020 của Quốc hội về Thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị và một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng, Nghị quyết số 131/2020/QH14 ngày 16 tháng 11 năm 2020 của Quốc hội về Tổ chức chính quyền đô thị tại Thành phố Hồ Chí Minh. Cụ thể như sau:

- Đối với cấp tỉnh, số lượng đại biểu Hội đồng nhân dân hoạt động chuyên trách giữ chức vụ Chủ tịch, Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân tối đa là 02 người; số lượng đại biểu Hội đồng nhân dân hoạt động chuyên trách giữ chức vụ Trưởng ban, Phó Trưởng ban ở mỗi Ban của Hội đồng nhân dân tối đa là 02 người, trừ Thành phố Hồ Chí Minh và thành phố Đà Nẵng. 

Đối với Thành phố Hồ Chí Minh, số lượng đại biểu Hội đồng nhân dân hoạt động chuyên trách giữ chức vụ Chủ tịch, Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân thành phố tối đa là 03 người; số lượng đại biểu Hội đồng nhân dân hoạt động chuyên trách giữ chức vụ Trưởng ban, Phó Trưởng ban và Ủy viên ở mỗi Ban của Hội đồng nhân dân thành phố tối đa là 04 người.

Đối với thành phố Đà Nẵng, số lượng đại biểu Hội đồng nhân dân hoạt động chuyên trách giữ chức vụ Chủ tịch, Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân thành phố tối đa là 02 người; số lượng đại biểu Hội đồng nhân dân hoạt động chuyên trách giữ chức vụ Trưởng ban, Phó Trưởng ban ở mỗi Ban của Hội đồng nhân dân thành phố tối đa là 03 người.

- Đối với cấp huyện, số lượng đại biểu Hội đồng nhân dân hoạt động chuyên trách giữ chức vụ Chủ tịch, Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân tối đa là 02 người; số lượng đại biểu Hội đồng nhân dân hoạt động chuyên trách giữ chức vụ Trưởng ban, Phó Trưởng ban ở mỗi Ban của Hội đồng nhân dân tối đa là 02 người.

- Đối với cấp xã, số lượng đại biểu Hội đồng nhân dân hoạt động chuyên trách giữ chức vụ Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân là 01 người.

Hỏi: Trách nhiệm của Thường trực Hội đồng nhân dân các cấp đối với cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân được quy định như thế nào?

Trả lời: Theo quy định tại khoản 7 Điều 4 của Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân thì trong cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp, Thường trực Hội đồng nhân dân có trách nhiệm dự kiến cơ cấu, thành phần, số lượng đại biểu Hội đồng nhân dân của cấp mình. Thường trực Hội đồng nhân dân các cấp, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, có trách nhiệm giám sát, kiểm tra và thực hiện công tác bầu cử theo quy định của Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân và các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan.

Hỏi: Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân các cấp đối với cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội và bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp được quy định như thế nào?

Trả lời: Ủy ban nhân dân các cấp, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, có trách nhiệm phối hợp, thống nhất với Thường trực Hội đồng nhân dân, Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng cấp thành lập các tổ chức phụ trách bầu cử ở địa phương.

Riêng Ủy ban nhân dân cấp xã còn có thêm một số trách nhiệm khác như xác định khu vực bỏ phiếu và trình Ủy ban nhân dân cấp huyện phê chuẩn; đối với các đơn vị hành chính cấp huyện không chia thành đơn vị hành chính cấp xã thì việc xác định khu vực bỏ phiếu do Ủy ban nhân dân cấp huyện quyết định (khoản 4 Điều 11 của Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân). Ủy ban nhân dân cấp xã lập danh sách cử tri theo khu vực bỏ phiếu; đối với những nơi không có đơn vị hành chính cấp xã thì Ủy ban nhân dân cấp huyện lập danh sách cử tri theo từng khu vực bỏ phiếu.

Ủy ban nhân dân các cấp có trách nhiệm thường xuyên kiểm tra, đôn đốc và tổ chức triển khai công tác bầu cử theo quy định của Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân và các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan; thực hiện công tác thông tin, tuyên truyền, bảo đảm an ninh trật tự, an toàn cho cuộc bầu cử.

Hỏi: Trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đối với cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội và bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp được quy định như thế nào?

Trả lời: Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổ chức hiệp thương lựa chọn, giới thiệu người ứng cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp; tham gia giám sát việc bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp.

Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp phối hợp, tham gia cùng Ủy ban nhân dân, Thường trực Hội đồng nhân dân cùng cấp thành lập các tổ chức phụ trách bầu cử ở địa phương.

Hỏi: Đơn vị bầu cử là gì? Có bao nhiêu loại đơn vị bầu cử trong cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội và bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp?

Trả lời: Các cuộc bầu cử phải được tiến hành theo các đơn vị bầu cử. Đơn vị bầu cử là khái niệm chỉ một phạm vi địa lý hành chính tương ứng với một lượng dân cư nhất định để bầu một số lượng đại biểu Quốc hội hay đại biểu Hội đồng nhân dân xác định.

Theo quy định tại Điều 10 của Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân thì có các loại đơn vị bầu cử sau đây:

- Đơn vị bầu cử đại biểu Quốc hội. Theo đó, tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương được chia thành các đơn vị bầu cử đại biểu Quốc hội.

- Đơn vị bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh. Theo đó, tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương được chia thành các đơn vị bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh.

- Đơn vị bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân cấp huyện. Theo đó, huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương được chia thành các đơn vị bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân cấp huyện.

- Đơn vị bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân cấp xã. Theo đó, xã, phường, thị trấn được chia thành các đơn vị bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân cấp xã.

Hỏi: Việc ấn định số đơn vị bầu cử, danh sách các đơn vị bầu cử được tiến hành như thế nào?

Trả lời: Đối với bầu cử đại biểu Quốc hội: Theo quy định tại khoản 2 Điều 10 của Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân thì tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương được chia thành các đơn vị bầu cử đại biểu Quốc hội. Số đơn vị bầu cử, danh sách các đơn vị bầu cử và số lượng đại biểu Quốc hội được bầu ở mỗi đơn vị bầu cử đại biểu Quốc hội được tính căn cứ theo số dân, do Hội đồng Bầu cử Quốc gia ấn định theo đề nghị của Ủy ban bầu cử ở tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và được công bố chậm nhất là ngày 04 tháng 3 năm 2021 (80 ngày trước ngày bầu cử).

Đối với bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân: Theo quy định tại khoản 3 Điều 10 của Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân thì số đơn vị bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã, danh sách các đơn vị bầu cử và số lượng đại biểu được bầu ở mỗi đơn vị bầu cử do Ủy ban bầu cử ở cấp đó ấn định theo đề nghị của Ủy ban nhân dân cùng cấp và được công bố chậm nhất là ngày 04 tháng 3 năm 2021 (80 ngày trước ngày bầu cử).

Hỏi: Số đại biểu được bầu ở mỗi đơn vị bầu cử đại biểu Quốc hội, đơn vị bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân được quy định như thế nào?

Trả lời: Tại khoản 4 Điều 10 của Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân quy định:

- Mỗi đơn vị bầu cử đại biểu Quốc hội được bầu không quá 03 đại biểu.

- Mỗi đơn vị bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân được bầu không quá 05 đại biểu.

Hỏi: Khu vực bỏ phiếu là gì? Việc xác định khu vực bỏ phiếu được tiến hành như thế nào?

Trả lời: Khu vực bỏ phiếu là phạm vi địa lý hành chính có số dân nhất định. Việc chia khu vực bỏ phiếu mang ý nghĩa kỹ thuật, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho cử tri thực hiện quyền bầu cử của mình. Chính vì vậy, khu vực bỏ phiếu có phạm vi hành chính nhỏ hơn đơn vị bầu cử. Thông thường, các khu vực bỏ phiếu được thành lập theo các đơn vị hành chính cơ sở như xã, phường hoặc thôn, tổ dân phố, khu phố (cá biệt cũng có một số trường hợp đơn vị bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân cấp xã chỉ có duy nhất 01 khu vực bỏ phiếu).

Theo quy định tại Điều 11 của Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân thì mỗi đơn vị bầu cử đại biểu Quốc hội, đơn vị bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân chia thành các khu vực bỏ phiếu. Khu vực bỏ phiếu bầu cử đại biểu Quốc hội đồng thời là khu vực bỏ phiếu bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp.

Mỗi khu vực bỏ phiếu có từ 300 cử tri đến 4.000 cử tri. Ở miền núi, vùng cao, hải đảo và những nơi dân cư không tập trung thì dù chưa có đủ 300 cử tri cũng được thành lập một khu vực bỏ phiếu. Bệnh viện, nhà hộ sinh, nhà an dưỡng, cơ sở chăm sóc người khuyết tật, cơ sở chăm sóc người cao tuổi có từ 50 cử tri trở lên; đơn vị vũ trang nhân dân; cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc, trại tạm giam có thể thành lập khu vực bỏ phiếu riêng.

Việc xác định đơn vị vũ trang nhân dân là khu vực bỏ phiếu riêng do Ban Chỉ huy đơn vị quyết định. Việc xác định các khu vực bỏ phiếu còn lại do Ủy ban nhân dân cấp xã quyết định và được Ủy ban nhân dân cấp huyện phê chuẩn. Đối với những huyện không có đơn vị hành chính xã, thị trấn thì việc xác định khu vực bỏ phiếu do Ủy ban nhân dân huyện quyết định.

Số cử tri làm căn cứ để xác định thành lập khu vực bỏ phiếu là số lượng cử tri được xác định một cách tương đối tại thời điểm thành lập, phê chuẩn việc thành lập khu vực bỏ phiếu đó. Trên cơ sở các khu vực bỏ phiếu đã được xác định, Ủy ban nhân dân cấp xã tiến hành việc lập và công bố danh sách cử tri. Sau khi danh sách cử tri đã được công bố, nếu có cử tri ở nơi khác chuyển đến và đăng ký bỏ phiếu tại địa phương thì Ủy ban nhân dân bổ sung tên cử tri vào danh sách cử tri và số cử tri này được tính vào tổng số cử tri của khu vực bỏ phiếu đó khi lập biên bản kết quả kiểm phiếu; trường hợp cử tri bị xóa tên trong danh sách cử tri, cử tri đã được chứng nhận đi bỏ phiếu ở nơi khác thì không được tính vào tổng số cử tri của khu vực bỏ phiếu.

Có thể bạn quan tâm

Tin cùng chuyên mục

Ủy ban bầu cử tỉnh công bố kết quả bầu cử đại biểu HĐND tỉnh khoá XVI, nhiệm kỳ 2021-2026

Ủy ban bầu cử tỉnh công bố kết quả bầu cử đại biểu HĐND tỉnh khoá XVI, nhiệm kỳ 2021-2026

LCĐT – Chiều 27/5, tại Trung tâm hội nghị tỉnh, Ủy ban bầu cử tỉnh đã tổ chức họp báo thông tin sơ bộ về kết quả bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp tỉnh Lào Cai, nhiệm kỳ 2021 – 2026; công bố kết quả bầu cử đại biểu HĐND tỉnh Lào Cai khóa XVI, nhiệm kỳ 2021 – 2026.
Truyền thông nước ngoài đánh giá cao công tác chuẩn bị của Việt Nam cho bầu cử

Truyền thông nước ngoài đánh giá cao công tác chuẩn bị của Việt Nam cho bầu cử

Ngay từ đầu giờ sáng 23/5, đông đảo cử tri đã có mặt tại các địa điểm bỏ phiếu để thực hiện quyền và nghĩa vụ công dân của mình. Nhân dịp này, truyền thông nước ngoài đã có những bài viết đưa tin, phản ánh về không khí của ngày hội toàn dân, diễn ra trong bầu không khí hân hoan, náo nức, đồng thời bảo đảm và tuân thủ nghiêm túc công tác phòng, chống dịch.
Nữ đại biểu Quốc hội đầu tiên của tỉnh Lào Cai

Nữ đại biểu Quốc hội đầu tiên của tỉnh Lào Cai

LCĐT - Bà Sùng Seo PLa, dân tộc Mông, sinh năm 1915, ở thôn Sín Phà Chải, xã Tả Ngải Chồ, huyện Mường Khương. Bước vào tuổi trăng tròn, PLa lấy chồng cũng là người Mông cùng xã nhưng khác thôn. Vợ chồng ở với nhau đã nhiều mùa thu ngô mà vẫn chưa có con.
Những hình ảnh ấn tượng tại cuộc bầu cử

Những hình ảnh ấn tượng tại cuộc bầu cử

LCĐT - Ngày 23/5, trên mọi nèo đường ở Lào Cai, đâu đâu cũng rực rõ cờ hoa, băng zôn, khẩu hiệu. với mong muốn cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026 diễn ra thành công tốt đẹp. Đồng hành với cử tri trên địa bàn tỉnh, phóng viên Báo Lào Cai đã ghi lại những hình ảnh sống động, ấn tượng của cử tri tại các khu vực bỏ phiếu.
Lãnh đạo Đảng, Nhà nước thực hiện quyền công dân

Lãnh đạo Đảng, Nhà nước thực hiện quyền công dân

Thủ đô Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, thành phố Cần Thơ và thành phố Hải Phòng là nơi 4 cử tri đặc biệt - 4 lãnh đạo cao nhất của Đảng, Nhà nước: Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã thực hiện quyền và nghĩa vụ công dân của mình cũng như hơn 69 triệu cử tri khác trên cả nước, lựa chọn những đại biểu Quốc hội khoá XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026.
Những chuyện đáng nhớ trong cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 – 2026

Những chuyện đáng nhớ trong cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 – 2026

LCĐT – Ngày 23/5, cùng với cử tri cả nước, gần 50 vạn cử tri tỉnh Lào Cai đã tham gia bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 – 2026. Tại nhiều điểm bỏ phiếu ở các địa phương, Nhóm phóng viên Báo Lào Cai đã ghi lại nhiều câu chuyện bên lề xung quanh cuộc bầu cử này.
fb yt zl tw