LCĐT - Bà Sùng Seo PLa, dân tộc Mông, sinh năm 1915, ở thôn Sín Phà Chải, xã Tả Ngải Chồ, huyện Mường Khương. Bước vào tuổi trăng tròn, PLa lấy chồng cũng là người Mông cùng xã nhưng khác thôn. Vợ chồng ở với nhau đã nhiều mùa thu ngô mà vẫn chưa có con.
Bà Sùng Seo PLa (người mặc áo đen) chụp ảnh với Bác Hồ năm 1960 tại Hà Nội. Ảnh:Tư liệu |
Đầu năm 1951, tên trùm phỉ Châu Quáng Lồ cho lính về thôn Sín Phà Chải cưỡng ép nhiều nam thanh niên, trung niên đi phỉ, trong đó có chồng PLa. Sau mấy đêm hai vợ chồng bàn bạc tìm cách vận động nhiều thanh niên kiên quyết chống lại âm mưu thâm độc của Châu Quáng Lồ. Bọn phỉ đã phát hiện biểu hiện chống đối của vợ chồng PLa nên nhiều lần đến nhà hăm dọa. Việc chồng PLa chống lại không đi phỉ có ảnh hưởng rất lớn đến nhiều người trong xã, trong khu vực Pha Long đã nghe theo. Chuyện khủng khiếp đã xảy ra, vào một buổi bóng ngả xế chiều, tên Châu Quáng Lồ sai lính bắn chết chồng PLa khi hai người đang làm cỏ trên nương ngô. Bọn phỉ làm như vậy là để răn đe các gia đình có đàn ông trong độ tuổi thanh niên, trung niên ai có tư tưởng chống đối cũng bị bắn bỏ như chồng PLa. Sau cái chết của chồng đã làm cuộc sống của PLa lâm vào cảnh vừa đau thương mất mát, vừa phải lo sợ lính phỉ tiếp tục uy hiếp đến mạng sống của bản thân.
Ngày 3/7/1952, quân ta giải phóng Pha Long, bọn phỉ theo Châu Quáng Lồ tháo chạy vào rừng ẩn náu, cố thủ chờ thời cơ. Đến ngày 28/12/1952, quân ta tiêu diệt tên Châu Quáng Lồ tại hang Lao Pao Chải thuộc xã Tả Ngải Chồ. Bọn phỉ nghi PLa có quan hệ móc nối với bộ đội để báo thù cho chồng, chúng thường xuyên cho người dò la, tung tin đe dọa sẽ có ngày “xử phạt”. Cuối cùng thì người đàn bà góa chồng cũng bí mật ra đi, tránh khỏi bọn phỉ còn sống sót đeo bám, rình rập. Một đêm đầu năm 1953, trong màn sương mịt mù, bà Sùng Seo PLa bịt kín mặt, lặng lẽ ra đi. Bà bước nhanh ra mộ chồng ở thôn Sín Phà Chải, gạt bỏ nước mắt thầm nói lời tạm biệt. Đường mòn vòng vèo vắt ngang lưng núi đưa bà đi qua nhiều thôn thuộc các xã Sừ Ma Tủng, Tung Chung Phố đến nhà người chị họ ở xã Tùng Lâu. Gia đình người chị họ đã tạo điều kiện cho bà có nơi ăn chốn ở an toàn.
Bất ngờ đến với bà PLa khi vào một tối, nhà chị họ có hai người khách lạ đến chơi. Họ trò chuyện gì đó với vợ chồng chị họ, bà nằm trong buồng nghe lỏm mà không hiểu. Bà lo sợ tưởng bọn phỉ đã đánh hơi về đây bắt. Lát sau, khách lạ đi rồi người chị họ gọi bà dậy giải thích rằng đây là hai cán bộ của bộ đội đánh phỉ giải phóng Mường Khương, Pha Long. Họ là người tốt, muốn giúp đỡ bà đi làm cán bộ, sẽ có cuộc sống mới an toàn... Sau đó không lâu, bà có mặt trong đội quân công tác đặc biệt của tỉnh về các xã vùng cao của huyện Mường Khương làm nhiệm vụ tuyên truyền, vận động quần chúng cảnh giác với âm mưu phỉ hóa toàn dân. Mặc dù chưa biết chữ, tiếng phổ thông đang tập nói bập bẹ nhưng bà đã biết sử dụng ngôn ngữ của người địa phương để cảm hóa phụ nữ kiên quyết không cho chồng, con đi theo phỉ. Nhờ tuyên truyền, vận động mà ánh sáng của Đảng, Chính phủ về chính sách đại đoàn kết dân tộc đến với nhiều người dân, nhiều thôn, bản vùng cao. Sau đợt vận động quần chúng dài ngày ấy, bà chính thức được nhận nhiệm vụ làm cán bộ tại Hội Phụ nữ huyện Mường Khương.
Đầu năm 1960, cuộc đời bà lại có thêm bất ngờ nữa, ấy là Quốc hội phân bổ cho tỉnh Lào Cai thêm một chỉ tiêu bầu làm đại biểu theo cơ cấu: Là cán bộ nữ, dân tộc, người ngoài Đảng. Huyện Mường Khương đã làm thủ tục giới thiệu bà Sùng Seo PLa có đủ tiêu chuẩn. Bà PLa được tỉnh xét duyệt giới thiệu làm ứng cử viên chính thức để bầu làm đại biểu Quốc hội khóa II. Ngày 8/5/1960 đã diễn ra cuộc bầu cử, bà là phụ nữ đầu tiên của tỉnh Lào Cai vinh dự trúng cử đại biểu Quốc hội khóa II, nhiệm kỳ 4 năm 1960 - 1964.
Viếng mộ bà Sùng Seo PLa. (ảnh chụp trước ngày 27/4/2021) |
Ngày trước Mường Khương chưa có đường ô tô ra thị xã Lào Cai nên mỗi kỳ họp Quốc hội, bà phải đi bộ hơn năm mươi cây số ra tỉnh rồi xuôi tàu hỏa về Hà Nội. Trong những kỳ họp Quốc hội khóa II, bà mang theo tâm tư, ý chí và nguyện vọng của đồng bào Lào Cai về với Trung ương. Bà được gặp Bác Hồ nhiều lần, Bác rất quan tâm đến đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số và công tác phụ nữ. Hôm bế mạc kỳ họp thứ nhất, bà cùng một số đại biểu dân tộc thiểu số có vinh dự được chụp ảnh lưu niệm với Bác Hồ kính yêu.
Từ thôn Sín Phà Chải, xã Tả Ngải Chồ đến xã Tùng Lâu chỉ cách nhau chừng hơn 20 cây số thế mà đằng đẵng suốt 10 năm trời (1953 - 1963) bà phải sống tha hương. Lần đầu tiên về thăm quê, việc đầu tiên bà đi thăm lại mảnh nương ngô nơi chồng ngã xuống sau mấy phát đạn của bọn lính phỉ Châu Quáng Lồ ám hại… Cuối năm ấy, trong chuyến công tác, bà lại tranh thủ về thăm Tả Ngải Chồ. Đã mấy ngày liền mưa dầm dề, một số cháu là con em trong thôn Sìn Phà Chải, Pa Cheo Chải không đi học, bà phải thuyết phục mãi chúng mới chịu nghe. Bà dẫn các cháu tới lớp bắt gặp hình ảnh thầy giáo chân đi tập tễnh, tay xách đôi dép đứt quai. Hỏi ra mới biết đó là thầy giáo trẻ Nguyễn Đình Quất, quê ở tỉnh Thái Bình, xung phong lên Lào Cai dạy học từ năm 1962. Thầy giáo Quất được Phòng Giáo dục huyện Mường Khương điều động lên vùng cao dạy học ở Trường cấp 1 xã Tả Ngải Chồ. Nhà trường lại phân công về thôn Sín Phà Chải vận động Nhân dân mở lớp cho con em được cắp sách đi học. Do trời mưa, đường trơn, khi leo dốc, thầy giáo Quất bị trượt chân ngã, sách vở, quần áo lấm bùn bê bết. Những ngày thăm quê, bà thường nói chuyện với mọi người trong thôn, trong xã về chuyện thầy giáo trẻ bị ngã trầy xước chân tay trông thương lắm… Ai ngờ câu chuyện thầy giáo trẻ quê Thái Bình đã trở thành “đề tài giáo viên miền xuôi vượt khó cõng chữ lên núi cao” được bà đưa vào nội dung công tác vận động quần chúng hoặc mỗi lần tiếp xúc cử tri.
Bà về Hà Nội dự kỳ họp cuối cùng của Quốc hội khóa II nhiệm kỳ 1960 - 1964. Trước khi bế mạc kỳ họp, ban tổ chức thông báo các đại biểu được nhận quà mỗi người một đôi dép nhựa Tiền Phong. Theo quy định, đại biểu nhận dép theo giới tính, chỉ được đổi nếu đi không vừa chân. Đến lượt mình, bà xin đổi lấy dép nam, người phát quà giải thích không đổi được vì “bà không phải đại biểu mang giới tính nam”. May quá, một đại biểu nam ở xứ Nghệ muốn có đôi dép nữ đem về tặng vợ nên hai người đã vui vẻ đổi cho nhau. Bà mang đôi dép về cất giữ cẩn thận. Nhiều người biết bà đang cất giữ đôi dép nam cho rằng “đôi dép ấy bà để thờ chồng”… Năm sau, một lần về quê, trong chiếc túi xắc đeo vắt qua cổ bà kín đáo mang theo đôi dép. Bà đến thăm Trường phổ thông cấp 1 Tả Ngải Chồ và có ý định tặng món quà cho một thầy giáo. Gặp mặt các thầy giáo, bà đặt lên bàn một gói bánh quy và đôi dép rồi nói vui: Mời các thầy cô giáo ăn bánh đi, mình chỉ có một đôi dép là quà đại biểu Quốc hội nay tặng thầy giáo vùng cao ở thôn Sín Phà Chải!
Nghe bà nói vậy, giáo viên trong trường ai cũng cảm động. Thầy giáo Nguyễn Đình Quất đề nghị: Niềm vui quá bất ngờ khi được bà PLa tặng món quà quý này, tôi xin nhận nhưng có một đề nghị thầy hiệu trưởng thay mặt anh em giáo viên lưu giữ đôi dép này làm kỷ niệm chung của trường...
Mọi người siết chặt tay vây quanh bà nói lời cảm ơn về sự quan tâm đặc biệt của người đã từng là đại biểu, đại diện của Nhân dân.
Quốc hội đã qua một chặng đường dài với 14 khóa. Được nghe chuyện kể về bà, chúng tôi thầm nghĩ nơi non cao Tả Ngải Chồ đã sinh ra một con người rất xứng đáng được bầu làm đại biểu Quốc hội khóa II. Con người ấy rất đáng kính. Hình ảnh của bà nhắc nhớ chúng tôi sắp tới khi cầm lá phiếu bầu cử lựa chọn đại biểu phải là người xứng đáng đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của mình trong Quốc hội khóa XV và HĐND các cấp nhiệm kỳ mới.
(Ghi theo lời kể của ông Hoàng Trá Quang, nguyên Phó Chủ tịch HĐND tỉnh từ năm 1991 đến 1996; bà Giàng Seo Phù, nguyên Phó Chủ tịch Uỷ ban Hành chính tỉnh Lao Cai từ năm 1970 đến 1975; ông Hoàng Chúng, nguyên Chủ tịch UBND huyện Mường Khương từ năm 1988 đến 1998).