LCĐT - Đường nối cao tốc Nội Bài - Lào Cai đến Sa Pa là dự án trọng điểm của tỉnh, sau khi hoàn thành sẽ giúp giảm thiểu ùn tắc giao thông trên Quốc lộ 4D và góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế du lịch của thị xã Sa Pa. Tuy nhiên, thời gian qua, để đẩy nhanh tiến độ dự án, một số đơn vị thi công đã san gạt toàn bộ đất, đá thừa khi tạo mặt bằng tuyến đường xuống ta-luy âm, nguy cơ gây ô nhiễm nguồn nước suối Ngòi Đum, ảnh hưởng đến đời sống của người dân xã Cốc San nói riêng và thành phố Lào Cai nói chung.
![]() |
Khu vực gói thầu LC03 thi công có nguy cơ ảnh hưởng đến nguồn nước suối Ngòi Đum. |
Thôn Ún Tà, xã Cốc San (thành phố Lào Cai) là thôn có nhiều hộ nuôi thủy sản. Hầu hết các hộ ở đây dùng ống dẫn nước từ suối Ngòi Đum về các ao nuôi, nguồn nước được duy trì giúp 14 hộ có nguồn thu nhập khá từ nuôi cá thương phẩm. Tuy nhiên, từ khi dự án đường nối cao tốc Nội Bài - Lào Cai đến thị xã Sa Pa được khởi công, nguồn nước đó không được đảm bảo như trước. Đặc biệt, từ năm 2018 đến nay, mỗi khi trời mưa, 14 hộ nuôi cá ở thôn Ún Tà luôn đứng ngồi không yên vì lo sợ lượng đất, đá thải từ công trình trôi xuống suối Ngòi Đum khiến nước bị đục, nếu không kịp xử lý, cá sẽ chết do thiếu oxy.
Ông Vi Văn Thường, một chủ ao cá ở thôn Ún Tà cho biết: Năm 2018 và 2020, gia đình tôi và các hộ nuôi cá ở thôn đã chứng kiến cảnh cá trong ao bị chết vì nguồn nước bị ảnh hưởng do đất đá trôi xuống từ công trình đường nối cao tốc Nội Bài - Lào Cai đến Sa Pa. Mặc dù sau mỗi lần xảy ra sự cố, nhà thầu (Tập đoàn Phúc Lộc) đã thống kê và bồi thường thiệt hại, nhưng để người dân yên tâm sản xuất lâu dài, nhà thầu cần có biện pháp thi công an toàn, không gây ô nhiễm nguồn nước.
Ông Lục Văn Hoan, Phó Chủ tịch UBND xã Cốc San cho biết: Gói thầu thi công đường nối cao tốc Nội Bài - Lào Cai đến Sa Pa của Tập đoàn Phúc Lộc đang thi công thuộc địa phận xã Tòng Sành, huyện Bát Xát. Tuy nhiên, trong khi thi công, tạo mặt bằng cho tuyến đường đã trực tiếp ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt, sản xuất của người dân thôn Ún Tà, xã Cốc San. Năm 2018, đơn vị này đã bồi thường hơn 400 triệu đồng cho 14 hộ nuôi cá ở đây, năm 2020 là hơn 500 triệu đồng. Trong khi thi công tuyến đường, chính quyền và người dân xã Cốc San luôn tạo điều kiện thuận lợi để các đơn vị thi công, tuy vậy, để giảm thiểu tối đa ảnh hưởng đến người dân, các đơn vị thi công cần có phương án đổ thải đúng quy định, tránh gây ô nhiễm nguồn nước.
![]() |
Người nuôi cá ở thôn Ún Tà lo lắng mỗi khi trời đổ mưa. |
Theo quan sát của phóng viên, do một số vị trí thi công hẹp, gây khó khăn trong việc vận chuyển đất, đá sang bãi thải nên đơn vị thi công đã đổ thải trực tiếp sang phần ta-luy âm. Do địa hình đồi núi dốc, khối lượng đất, đá lớn nên phần thải có nguy cơ trôi xuống suối Ngòi Đum sau những trận mưa to. Trong khi đó, dòng suối này không chỉ cung cấp nước sinh hoạt, sản xuất cho người dân xã Cốc San mà còn là khu vực thượng nguồn, nơi Nhà máy nước Cốc San xây dựng hệ thống thu nước, đập đầu mối, bể lắng.
Trước nguy cơ nguồn nước bị ảnh hưởng do thi công tuyến đường, ngày 5/5, Công ty Cổ phần cấp nước tỉnh Lào Cai đã có văn bản “cầu cứu” gửi tới Sở Giao thông vận tải - Xây dựng, Sở Tài nguyên và Môi trường, đồng thời đề nghị đơn vị thi công có biện pháp bảo vệ nguồn nước cho Nhà máy nước Cốc San trong việc thi công đường nối cao tốc Nội Bài - Lào Cai đến thị xã Sa Pa.
Ông Nguyễn Minh Khoa, Phó Giám đốc Chi nhánh cấp nước số 1 thành phố Lào Cai cho biết: Thành phố Lào Cai hiện có 3 nhà máy cấp nước, gồm Nhà máy nước Lào Cai (công suất 12.000 m3/ngày), Nhà máy nước Cam Đường (công suất 1.000 m3/ngày) và Nhà máy nước Cốc San (24.000 m3/ngày). Nếu Nhà máy nước Cốc San gặp sự cố thì 65 - 70% hộ ở thành phố sẽ bị thiếu nước trong nhiều giờ đồng hồ. Nhà máy nước Cốc San như “trái tim” của hệ thống cấp nước sinh hoạt trên địa bàn thành phố nên việc đảm bảo và duy trì nguồn nước cho nhà máy này rất quan trọng. Vậy nhưng, việc đổ đất, đá ở thượng nguồn suối Ngòi Đum gây ảnh hưởng không nhỏ đến sản xuất, kinh doanh của nhà máy. “Bùn đất trong nước nhiều sẽ gây bồi lắng, nguy cơ tắc ống dẫn nước từ bể lắng tới trạm bơm là rất lớn. Nước đục cũng kéo theo chi phí sản xuất tăng vì phải sử dụng lượng hóa chất nhiều hơn bình thường, tuổi thọ máy bơm bị rút ngắn…”, ông Nguyễn Minh Khoa cho biết.
Trong khi đợi các cơ quan chức năng, nhà thầu vào cuộc, để việc cấp nước không bị gián đoạn khi có mưa lớn, Chi nhánh cấp nước số 1 thành phố Lào Cai đã huy động tối đa cán bộ, công chức, người lao động thường xuyên túc trực, sẵn sàng lên đường xả bể lắng tại khu vực đập đầu mối khi mưa lũ xảy ra.
Việc đẩy nhanh tiến độ thi công đường nối cao tốc Nội Bài - Lào Cai đến Sa Pa rất quan trọng nhưng nhà thầu xây dựng cần có biện pháp đảm bảo an toàn đời sống và sản xuất của người dân địa phương, đặc biệt là không ảnh hưởng đến môi trường và tác động đến nguồn nước sinh hoạt của người dân thành phố, nhất là trong mùa mưa lũ.