Sùng A Hòa sinh ra và lớn lên tại thôn Tả Phìn. Anh may mắn khi gia đình có truyền thống về thổi khèn hay, múa khèn đẹp, ông nội anh rồi cả bố anh, các bác, các chú, các anh đều là những người giỏi trong việc sử dụng cây khèn. Năm 10 tuổi, anh bắt đầu làm quen và học từ những nốt nhạc đầu tiên. Anh Hòa cho hay, có học thổi khèn mới thấm thía được nét đẹp văn hóa truyền thống trong đời sống tinh thần của Mông quê mình. Khi ánh nắng vàng của mùa Thu trải đều trên khắp các sườn đồi, cây cỏ, những sàn rơm khô thơm mùi nắng được tích trữ để dùng cho mùa Đông làm thức ăn cho trâu, những đôi chim ríu rít về xây tổ ấm, cũng là khi công việc đồng áng đã khép lại. Đây là thời điểm anh bớt bận rộn để truyền dạy khèn Mông cho các học trò của mình.
Nghi thức đón tiếp học trò của anh Hòa cũng thật đặc biệt. Để được "thầy Hòa" dạy khèn, người học phải làm theo đúng “cái lý” của người Mông: Khi đến để nhờ thầy dạy khèn thì mang theo những nông sản sẵn có trong nhà như gạo, ngô... và thành ý được bày tỏ qua bát rượu đầu tiên mà trò rót ra để mời thầy, thầy có thể uống nhiều hay uống ít nhưng chỉ cần thầy nhận bát rượu là đồng nghĩa với việc thầy đã đồng ý.
Anh Vàng Quang Khứ - người được anh Hòa dạy khèn cho hay: "Mặc dù tôi chưa phải là học trò xuất sắc nhất, nhưng tôi cũng đã biết thổi một số bài trong các dịp cưới hỏi, xem mắt, đi tìm bạn gái...". Như nhiều chàng trai trên bản Mông khác, anh Khứ đã từng học thổi khèn để dễ tìm được bạn gái hơn và nhờ tiếng khèn để làm quen, kết duyên được với người con gái xinh đẹp nhất bản, về chung một nhà cùng dựng xây tổ ấm gia đình.
Anh Tráng A Lềnh cũng là một học trò xuất sắc của anh Hòa. Anh Lềnh cho biết: “Học để biết thổi những bài khèn giản đơn thì không có gì khó cả, cái khó nhất ở đây là những điệu múa đi cùng tiếng khèn của người thổi, hay mỗi bước tiến, bước lùi, xoay người sang trái, rồi lại sang phải..., kết hợp động tác chân với dáng khom lưng để giữ cho cột hơi được liên tục trong khi múa. Đối với các bài khèn vui chơi thì động tác nhảy, múa mãnh liệt, phóng khoáng và khó hơn, như lăn nghiêng, lăn ngửa, đá gà, đá ngựa... đòi hỏi người sử dụng cây khèn phải có sức khỏe tốt, tinh thần bền bỉ. Như tôi cũng phải học suốt 10 năm mới có thể thuần thục được”.
Trong đời sống sinh hoạt hằng ngày, khi tiếng khèn của người Mông ở thôn Tả Phìn được vang lên thì cũng là lúc các sự kiện quan trọng trong cuộc đời của một con người được diễn ra. Người Mông xưa kia cho rằng, một chàng trai biết thổi bài khèn được coi như đã trưởng thành và được mọi người yêu mến. Khi đi lấy vợ, phải biết thổi bài khèn đón người con gái mình yêu thương về nhà chung sống; khi đi dự hội vui Xuâ, phải biết thổi bài khèn để mọi người xung quanh hiểu được nét đẹp phong tục nơi mình sinh sống; và tại đám tang đưa tiễn người đã khuất, tiếng khèn thể hiện sự tiếc thương và nói lời từ biệt...
Tiếng khèn lúc trầm, lúc bổng, khi rộn ràng, réo rắt, lúc lại dìu dặt khoan thai, khi ngậm ngùi, buồn bã, lúc lại vui vẻ, hân hoan..., tất cả những cảm xúc ấy được bộc lộ dựa theo tâm trạng của người sử dụng cây khèn. Với những chàng trai trẻ trên bản Tả Phìn này thì anh Sùng A Hòa không chỉ là thầy khèn giỏi mà còn là người cha, người anh, người bạn, cũng bởi trong tiếng khèn của anh như chứa đựng những điều răn dạy của người Mông truyền lại cho các thế hệ sau này. Đó là, người Mông được sinh ra dù ở hoàn cảnh khó khăn nào, cũng phải đoàn kết, chăm chỉ lao động để có cuộc sống ngày một đủ đầy, sống phải có tình anh em, phải biết giúp đỡ người khác khi gặp khó khăn, hoạn nạn... Cũng bởi những triết lý sâu xa ấy mà từ khi anh Hòa biết múa khèn đến nay, đã có nhiều chàng trai người Mông tìm đến anh xin học khèn và 2 từ “thầy khèn” được mọi người gọi anh như vậy.
Trong những bài dạy của mình, anh Hòa không bao giờ quên nhắc nhở người học phải cố gắng theo từng nốt nhạc, từng động tác múa, người giỏi thì học nhanh hơn và không được tự mãn, người bình thường học chậm hơn cũng không được nản lòng. Đã là con trai người Mông, không ai được quên đi cội nguồn dân tộc mình, để truyền lại cho các thế hệ sau tiếp tục gìn giữ, phát huy nét đẹp trong đời sống văn hóa tinh thần ấy.
Gần 50 tuổi, anh Hòa đã có gần 40 năm gắn bó với cây khèn. Năm 2024, anh vinh dự được Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam phong tặng danh hiệu Nghệ nhân dân gian. Cùng với việc bảo tồn và truyền dạy những bài khèn hay, điệu múa khèn đẹp, anh Sùng A Hòa luôn gương mẫu trong việc thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; tuyên truyền, vận động người dân tích cực xây dựng nếp sống văn minh, thực hành tiết kiệm trong đám cưới, đám tang. Đặc biệt, luôn chăm chỉ lên nương trồng cấy, chăn nuôi... để có kinh tế khá giả, cuộc sống bớt khó khăn, có như vậy, tiếng khèn mới được trong hơn, vang xa hơn...