Người có uy tín tham gia đấu tranh bình đẳng giới

Thời gian qua, đội ngũ người có uy tín trên địa bàn tỉnh ngày càng thể hiện rõ vai trò tích cực trong cải tạo tập quán lạc hậu, xóa bỏ định kiến về giới. 

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Xéo Tả là thôn vùng cao thuộc diện đặc biệt khó khăn của xã Tả Phời, thành phố Lào Cai. Hiện thôn có 57 hộ đồng bào dân Dao thì có tới 11 hộ nghèo, 25 hộ cận nghèo.

Không chỉ khó khăn trong việc tìm mô hình phát triển kinh tế, đồng bào nơi đây, đặc biệt là phụ nữ dân tộc Dao còn gặp nhiều trở ngại khi nếp suy nghĩ lạc hậu vẫn tồn tại, cản trở bước đi.

a1.JPG
Ông Tẩn Vần Vầy, người có uy tín ở thôn Xéo Tả 1 tuyên truyền để đồng bào vươn lên, xóa bỏ định kiến về giới.

Ông Tẩn Vần Vầy, người có uy tín ở thôn tâm sự: "Sinh sống ở chốn khó, biết bao thế hệ đồng bào người Dao nơi đây vẫn loay hoay trong câu chuyện dựng vợ, gả chồng từ sớm. Thậm chí có những đôi trẻ đến với nhau không vì tình yêu mà bởi cha mẹ nhờ thầy cúng xem lá số rồi “cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy”.

Với vai trò là người có uy tín ở thôn, bản thân được tham gia tập huấn, nghe và biết đến chủ trương, chính sách của Nhà nước về bình đẳng giới, ông Vầy hiểu, muốn tháo gỡ nếp suy nghĩ ăn sâu bao đời trong nhận thức của đồng bào thì công tác tuyên truyền miệng ở cơ sở là vô cùng quan trọng.

Thực hiện vai trò của mình, ông Vầy tích cực tuyên truyền, vận động, giải thích để bà con cùng nghe, cùng hiểu và cùng hành động. Mỗi khi họp thôn, đến các hộ gia đình thăm nắm tình hình hay tham gia giải quyết các công việc chung của cộng đồng, ông Vầy đều cặn kẽ giải thích về nếp sống mới văn minh, vợ chồng cùng nhau chia sẻ các phần việc, nuôi dạy con cái. Trong các hoạt động xã hội, nữ cũng như nam đều có thể tham gia và khẳng định vai trò của mình.

a2.JPG
Nhờ được tuyên truyền, vận động, phụ nữ Dao ở Xéo Tả 1 ngày càng tự tin khi tham gia hoạt động của cộng đồng.

Mới đây, khi địa phương triển khai hoạt động Dự án 8 về "thực hiện bình đẳng giới và giải quyết một số vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em", ông Vầy càng hiểu rõ hơn vai trò của người có uy tín trong công tác bình đẳng giới khi đây được xem là lực lượng quan trọng để từng bước phá vỡ những định kiến trong cộng đồng, khơi thông nhận thức của đồng bào, hướng tới cuộc sống văn minh, tiến bộ.

Mong mỏi về sự đổi thay của quê hương, về cuộc sống của đồng bào Dao ngày càng ấm no, hạnh phúc càng thôi thúc ông làm tốt hơn nữa vai trò và trọng trách, niềm tin mà cộng đồng gửi gắm.

Còn tại tổ dân phố Na Đẩy, thị trấn Mường Khương, huyện Mường Khương, ông Lý Dung Chí, người có uy tín ở địa phương và cũng là nhân tố tích cực tham gia công tác hòa giải ở cơ sở.

a3.JPG
Ông Lý Dung Chí, người có uy tín ở tổ dân phố Na Đẩy tuyên truyền để phụ nữ vươn lên khẳng định vai trò, vị trí của mình.

Năm 2023, tổ hòa giải của tổ dân phố tiếp nhận vụ việc mâu thuẫn của một gia đình. Do hai vợ chồng chưa sắp xếp ổn thỏa thời gian, công việc để cùng nhau san sẻ việc nhà nên xảy ra xích mích.

Ngay khi nhận được thông tin, ông Chí cùng một số thành viên trong tổ hòa giải đến để giúp đỡ giải quyết. Tại đây, ông Chí với kinh nghiệm của bản thân đã giải thích, trò chuyện để đôi vợ chồng tháo gỡ vướng mắc, khuyên bảo cả vợ và chồng cùng học cách lắng nghe, chia sẻ với đối phương, vừa đảm bảo công việc của mỗi người, vừa cùng nhau vun vén cho tổ ấm.

a4.JPG
Phụ nữ dân tộc Nùng ở tổ dân phố Na Đẩy vươn lên trong phát triển kinh tế.

Tổ dân phố Na Đẩy hiện vẫn là khu vực đặc biệt khó khăn, với 147 hộ, trên 570 nhân khẩu, nhiều dân tộc cùng sinh sống, trong đó, đồng bào Nùng chiếm khoảng 95%. Trước đây, đời sống của đồng bào Nùng còn nhiều gian khó, một trong số đó đến từ tư tưởng “trọng nam khinh nữ”.

Người Nùng ở vùng cao Mường Khương vốn quan niệm con gái sau khi lớn lên, lấy chồng sẽ là con nhà người ta, nên không cần đi học nhiều; bố mẹ không chia tài sản cho con gái mà chỉ chia cho con trai; phụ nữ ít tham gia công tác xã hội, vợ không giỏi hơn chồng thì gia đình mới yên ấm. Vậy nhưng hôm nay, những chuyển biến tích cực đã về với nơi đây, thắp sáng cuộc đời của những phụ nữ Nùng chăm chỉ, chất phác.

IMG_1397.JPG
Chị em phụ nữ Nùng ở tổ dân phố Na Đẩy ngày càng tự tin, đoàn kết giúp nhau cùng phát triển.

Chị Lù Thị Hoa, sinh năm 1982 ở tổ dân phố Na Đẩy phấn khởi bảo: "Đời bà tôi, mẹ tôi cứ quẩn quanh với việc nhà, ruộng nương, chưa một lần biết mặt chữ. May mắn là đến thế hệ tôi, tư tưởng "trọng nam khinh nữ" dần bị xóa bỏ, tôi được quan tâm cho đi học. Vợ chồng tôi có hai con gái, nhưng chưa bao giờ chồng áp đặt việc phải có con trai, điều quan trọng là phải nuôi dạy con cho tốt. Hiện nay ở thôn, nam nữ đều bình đẳng, chị em tích cực tham gia các hoạt động chung như tập luyện văn nghệ, thể thao; phụ nữ vươn lên làm chủ kinh tế gia đình".

Ông Lý Dung Chí, người có uy tín ở tổ dân phố Na Đẩy bộc bạch: "Bình đẳng giới là câu chuyện xuất phát từ trong chính mỗi gia đình, bởi gia đình là tế bào của xã hội. Trong mỗi lần tham gia tập huấn chương trình của Dự án 8, tôi đều nhớ kỹ những thông tin, kiến thức, dấu hiệu nhận biết bất bình đẳng giới, vấn đề bình đẳng giới ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số; cùng với đó là các kỹ năng để áp dụng trong giải quyết những vấn đề ở địa phương".

a6.JPG
Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh tổ chức tập huấn cho cán bộ thôn, bản, trong đó có người có uy tín tại huyện Bát Xát.

Người có uy tín được xem là “điểm tựa” của cộng đồng, là cầu nối để đưa chủ trương của Nhà nước đến gần với đồng bào. Họ được suy tôn từ niềm tin mà cộng đồng gửi gắm, đại diện cho tiếng nói của một cộng đồng dân cư. Bởi vậy, trong cải tạo những tập quán lạc hậu, xóa bỏ những định kiến trong cộng đồng, trong đó có định kiến giới thì người có uy tín giữ vai trò quan trọng.

Đánh giá đúng vị trí, vai trò của lực lượng này, Dự án 8 có đề cập đến nội dung 2.4: Trang bị kiến thức về bình đẳng giới, kỹ năng thực hiện lồng ghép giới cho cán bộ trong hệ thống chính trị, già làng, trưởng bản, chức sắc tôn giáo và người có uy tín trong cộng đồng.

Từ đầu năm đến nay, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh đã tổ chức 50 lớp tập huấn Chương trình 3 về lồng ghép giới, với hơn 2.000 cán bộ thôn, bản được tập huấn, trong đó có đông người có uy tín trong cộng đồng.

Các học viên được truyền đạt nội dung khái niệm về giới và lồng ghép giới, vấn đề nổi bật về giới ở vùng dân tộc thiểu số, truyền thông về bình đẳng giới, lồng ghép giới, thu hút sự tham gia của nam giới trong phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới…

a7.JPG
Người có uy tín tích cực tham gia vào công tác bình đẳng giới trên địa bàn.

Cùng với chính quyền địa phương, các cấp, ngành trong thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về bình đẳng giới, đội ngũ người có uy tín đã và đang cống hiến công sức, kinh nghiệm để xóa bỏ các định kiến và khuôn mẫu giới trong gia đình và cộng đồng, những tập tục văn hóa có hại.

Đó là cơ sở để thúc đẩy bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết, xây dựng môi trường sống an toàn cho phụ nữ, trẻ em ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, đồng thời chung tay xây dựng cộng đồng ngày càng văn minh, phát triển.

Có thể bạn quan tâm

Tin cùng chuyên mục

Lao động Việt Nam làm việc tại Nhật Bản tăng 8 lần trong 10 năm

Lao động Việt Nam làm việc tại Nhật Bản tăng 8 lần trong 10 năm

Trong những năm qua, lao động Việt Nam đi làm việc ở Nhật Bản không ngừng gia tăng. Trong số 15 nước phái cử thực tập sinh đến Nhật Bản, Việt Nam là nước đứng đầu về số lượng thực tập sinh nhập cảnh hàng năm vào quốc gia này. Hiện có khoảng 520.000 lao động Việt Nam sinh sống và làm việc tại Nhật Bản, tăng 8 lần trong vòng 10 năm qua.

Quan tâm công tác lao động, việc làm trong thời kỳ dân số “vàng”

Nhân ngày Quốc tế Lao động (1/5): Quan tâm công tác lao động, việc làm trong thời kỳ dân số “vàng”

Lực lượng lao động của Lào Cai hiện nay là hơn 488 nghìn người, đây được coi là thời kỳ dân số “vàng” khi người lao động chiếm 62,1% dân số toàn tỉnh. Hằng năm, tỉnh sẽ có khoảng hơn 8 nghìn lao động mới, đòi hỏi các cấp, các ngành phải thường xuyên quan tâm, thực hiện tốt công tác lao động - việc làm.

Hưởng ứng cuộc thi trực tuyến “Công nhân, viên chức, lao động tìm hiểu về công tác an toàn, vệ sinh lao động”

Hưởng ứng cuộc thi trực tuyến “Công nhân, viên chức, lao động tìm hiểu về công tác an toàn, vệ sinh lao động”

Hưởng ứng cuộc thi trực tuyến “Công nhân, viên chức, lao động tìm hiểu về công tác an toàn, vệ sinh lao động” do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam phát động và tổ chức theo hình thức thi trực tuyến trên Tạp chí điện tử Lao động và Công đoàn (địa chỉ truy cập http:// laodongcongdoan.vn), Liên đoàn Lao động tỉnh đã ban hành công văn hướng dẫn các công đoàn cấp trên cơ sở tăng cường tuyên truyền, vận động đoàn viên, người lao động tích cực tham gia cuộc thi.

Căng sức chữa cháy, cứu quần thể pơ mu lớn nhất huyện Văn Bàn

Căng sức chữa cháy, cứu quần thể pơ mu lớn nhất huyện Văn Bàn

10 giờ 30 phút ngày 30/4, lực lượng kiểm lâm huyện Văn Bàn nhận được thông tin xuất hiện điểm cháy tại Tiểu khu 513 thuộc xã Khánh Yên Trung. Ngay sau đó, các lực lượng của 3 đơn vị: Ban Quản lý rừng phòng hộ, Hạt Kiểm lâm và Công ty TNHH Một thành viên Lâm nghiệp Văn Bàn chia thành 3 mũi để tiếp cận điểm cháy.

Em yêu Tổ quốc

Em yêu Tổ quốc

Nhân kỷ niệm 49 năm ngày Giải phóng miền Nam thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2024), các trường học trên địa bàn tỉnh Lào Cai đã tổ chức nhiều hoạt động tăng cường công tác giáo dục truyền thống, thu hút đông đảo học sinh tham gia.

Tiệm nước "0 đồng"

Tiệm nước "0 đồng"

Từ đầu tháng 4 đến nay, nhiều người tham gia giao thông trên tuyến đường Trần Phú (thành phố Lào Cai) đã quen thuộc với một tiệm nước nhỏ miễn phí ở số nhà 1446, tổ 10, phường Nam Cường. “Nước lạnh miễn phí”, “Hãy đến khi bạn cần, mỗi người 1 chai”, “Xin cảm ơn”, đó là những lời giới thiệu, lời mời dễ thương, thân thiện đến từ tiệm nước “0 đồng” của anh Nguyễn Thành Chiến và chị Lý Thu Hằng.

Năm 2024, thiên tai tiếp tục diễn biến bất thường

Năm 2024, thiên tai tiếp tục diễn biến bất thường

Do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, các loại hình thiên tai xảy ra trên phạm vi cả nước năm 2023 có diễn biến cực đoan, dị thường và không theo quy luật. Điển hình như nhiệt độ trung bình toàn cầu là năm nóng nhất trong 174 năm qua, cao hơn khoảng 1,45°C so với mức nhiệt độ trung bình nhiều năm thời kỳ tiền công nghiệp. Đặc biệt, mùa bão năm 2023 không có cơn bão nào đổ bộ vào nước ta.

fb yt zl tw