Cảnh báo hình thức lừa đảo bằng cuộc gọi video deepfake
Tại cuộc họp báo thường kỳ tháng 5 của Bộ TT&TT, Văn phòng Bộ TT&TT cho biết, thời gian gần đây xuất hiện hình thức lừa đảo trực tuyến mới là cuộc gọi video deepfake. Các đối tượng sử dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) để tạo ra những video hoặc hình ảnh giả, sao chép chân dung để tạo ra các đoạn video giả người thân, bạn bè để thực hiện các cuộc gọi lừa đảo trực tuyến.
Deepfake đang là một mối đe dọa đối với sự trung thực và tin cậy của video và hình ảnh. Nó có thể được sử dụng không chỉ để lừa đảo trực tuyến mà còn sử dụng cho các mục đích khác như tấn công chính trị, tạo ra những tin tức giả mạo hoặc phá hoại danh tiếng của người khác.
Văn phòng Bộ TT&TT cũng cho biết, phần lớn hình thức lừa đảo trực tuyến này nhắm tới việc lừa đảo tài chính. Đối với các cuộc gọi deepfake như hiện nay thì bằng mắt thường vẫn có thể có một số các dấu hiệu để nhận biết như thời gian gọi thường rất ngắn chỉ vài giây. Khuôn mặt của họ thiếu tính cảm xúc và khá "trơ" khi nói, hoặc tư thế của họ trông lúng túng, không tự nhiên, hoặc là hướng đầu và cơ thể của họ trong video không nhất quán với nhau…
Ngoài ra, cũng có thể thấy màu da của nhân vật trong video bất thường, ánh sáng kỳ lạ và bóng đổ không đúng vị trí. Điều này có thể khiến cho video trông rất giả tạo và không tự nhiên. Âm thanh cũng là một vấn đề có thể xảy ra trong video. Âm thanh sẽ không đồng nhất với hình ảnh, có nhiều tiếng ồn bị lạc vào clip hoặc clip không có âm thanh. Có thể xảy ra tình huống mà tài khoản chuyển tiền không phải của người đang thực hiện cuộc gọi. Thường kẻ gian sẽ ngắt giữa chừng, bảo là mất sóng, sóng yếu,... các yếu tố kỳ lạ như trên là báo hiệu đỏ của deepfake. Người dân nên luôn cảnh giác và tuyệt đối bình tĩnh.
Từ ngày 15/5, kiểm tra toàn bộ hoạt động của Tiktok Việt Nam
Chia sẻ tại cuộc họp báo thường kỳ tháng 5 của Bộ TT&TT, ông Lê Quang Tự Do, Cục trưởng Cục Phát thanh Truyền hình và Thông tin điện tử cho biết, để triển khai kế hoạch kiểm tra toàn bộ hoạt động của Tiktok Việt Nam, Bộ TT&TT đã gửi công văn cho các bộ, ngành có liên quan nhằm cử người tham gia đoàn công tác. Danh sách thành viên của đoàn kiểm tra đã tập hợp gần đầy đủ. Dự kiến việc kiểm tra hoạt động của Tiktok sẽ được tiến hành từ ngày 15-5 đến hết tháng 5-2023.
Trước đó, vào tháng 4/2023, Bộ TT&TT đã công bố 6 sai phạm của Tiktok tại Việt Nam. Các vi phạm này bao gồm việc Tiktok chưa có biện pháp kiểm soát hiệu quả nội dung vi phạm liên quan đến chính trị, chống phá Đảng, Nhà nước, tin giả, nội dung nhảm nhí, độc hại, gây nguy hiểm với trẻ em. Tiktok dùng thuật toán phân phối tự động để tạo xu hướng và phát tán nội dung câu view, bất chấp sự phản cảm, gây ảnh hưởng xấu đến cộng đồng và giới trẻ.
Bên cạnh đó, Tiktok cũng đã mở thêm mảng thương mại điện tử, dẫn đến vi phạm thứ ba là nền tảng không có biện pháp ngăn chặn hiệu quả hoạt động thương mại, kinh doanh, buôn bán, quảng cáo hàng giả, hàng nhái, các loại thuốc kích dục, thực phẩm chức năng không rõ nguồn gốc.
Với người làm nội dung, Bộ đánh giá nền tảng chưa có biện pháp quản lý hiệu quả. Bên cạnh đó, Tiktok cũng để nội dung vi phạm bản quyền xuất hiện tràn lan và bị đánh giá không có biện pháp quản lý, để người dùng tự ý sử dụng hình ảnh riêng tư, cá nhân để tung tin giả, bôi nhọ, xúc phạm người khác.
Trước đó, trong Báo cáo thực thi tiêu chuẩn cộng đồng quý IV-2022 do Tiktok công bố, nền tảng này cam kết ưu tiên gỡ bỏ nhanh nhất các nội dung có tính nghiêm trọng cao như lạm dụng tình dục trẻ em và chủ nghĩa bạo lực cực đoan. Tiktok cam kết giảm thiểu tổng lượt xem các nội dung vi phạm tiêu chuẩn cộng đồng, đồng thời, đảm bảo tính chính xác, thống nhất và công bằng cho các nhà sáng tạo nội dung.
Đã khôi phục hai tuyến cáp quang biển
Cũng tại buổi họp báo, Cục trưởng Cục Viễn thông Nguyễn Thành Phúc cho biết, việc xảy ra sự cố đồng thời với cả 5 tuyến cáp quang biển thời gian qua là trường hợp bất khả kháng, ảnh hưởng không chỉ với Việt Nam mà cả các nước trong khu vực có sử dụng các tuyến cáp này.
Ngay khi xảy ra sự cố, Cục Viễn thông đã chỉ đạo các doanh nghiệp triển khai nhiều phương án, như chủ động, nhanh chóng phối hợp với thành viên hệ thống tuyến cáp bị sự cố, đo đạc, xác định vị trí và loại sự cố để tiến hành sửa chữa khắc phục trong thời gian sớm nhất.
Theo báo cáo của các doanh nghiệp viễn thông, tính đến ngày 3-5, đã có hai tuyến cáp quang biển là IA và SMW3 hoàn thành việc sửa chữa. Hai tuyến cáp AAE-1 và AAG dự kiến sẽ hoàn thành sửa chữa trong tháng 5. Tuyến cuối cùng là APG dự kiến sẽ được khắc phục xong trong tháng 6.
Thời gian qua, Cục Viễn thông cũng đã triển khai phương án điều tiết, giảm tải, đảm bảo lưu lượng đi quốc tế. Phối hợp với đối tác cung cấp dịch vụ, ứng dụng quốc tế để tối ưu chất lượng, ưu tiên lưu lượng theo khung giờ và dịch vụ đảm bảo chất lượng dịch vụ cung cấp cho khách hàng.
Đồng thời, khẩn trương phối hợp các đối tác nước ngoài mua thêm dung lượng các tuyến cáp đất liền để mở rộng dung lượng và chuyển tải lưu lượng. Qua giám sát của Cục Viễn thông, đến thời điểm hiện tại, với việc triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, trải nghiệm của người dùng dịch vụ internet quốc tế tương đối ổn định, đáp ứng được nhu cầu. Thậm chí, nhiều người dùng không cảm nhận thấy việc cáp quang biển gặp sự cố.
Cục trưởng Cục Viễn thông Nguyễn Thành Phúc cho biết thêm, Bộ TT&TT xác định hạ tầng số là hạ tầng quan trọng, một trong những tiêu chí mà Bộ TT&TT đặt ra là tính bền vững. Trong thời gian tới, Bộ TT&TT sẽ đôn đốc, hướng dẫn các doanh nghiệp viễn thông nghiên cứu, xây dựng thêm từ 4 đến 6 tuyến cáp quang biển mới phù hợp với dự thảo Quy hoạch hạ tầng thông tin và truyền thông 2021 - 2030, để bảo đảm đáp ứng nhu cầu đến năm 2030.
Một số kết quả nổi bật của Bộ TT&TT trong tháng 4
Theo Văn phòng Bộ TT&TT, trong tháng 4/2023, doanh thu toàn ngành TT&TT ước đạt là 313.475 tỷ đồng, tăng trưởng 6% so với tháng trước (tháng 3/2023 là 295.370 tỷ đồng) và giảm 1% so với cùng kỳ năm ngoái (tháng 4/2022 là 317.470 tỷ đồng).
Lũy kế doanh thu toàn ngành tính đến hết tháng 4-2023 ước đạt 1.139.333 tỷ đồng; tỷ lệ doanh thu ước đạt 27% so với kế hoạch năm. Nộp ngân sách nhà nước ước đạt là 8.172 tỷ đồng, tăng trưởng 3% so với tháng trước (tháng 3/2023 là 7.939 tỷ đồng) và giảm 3% so với cùng kỳ năm ngoái (tháng 4/2022 là 8.449 tỷ đồng). Lũy kế nộp ngân sách toàn ngành tính đến hết tháng 4-2023 ước đạt 31.302 tỷ đồng, tăng trưởng 1% so với cùng kỳ năm ngoái; số tiền nộp ngân sách nhà nước ước đạt 31% so với kế hoạch năm.
Về lĩnh vực bưu chính, sản lượng bưu chính, chuyển phát tháng 4 ước đạt 175 triệu bưu gửi (không tăng so với tháng trước và tăng trên 20% so với cùng kỳ); doanh thu dịch vụ bưu chính ước đạt 4.650 tỷ đồng (không tăng so với tháng trước và tăng 8% so với cùng kỳ).
Trong lĩnh vực viễn thông, công tác chuẩn hóa thông tin thuê bao, đến ngày 15/4, các doanh nghiệp viễn thông di động đã hoàn thành việc xử lý tập thuê bao bị khóa 1 chiều trong đó đã có hơn 500.000 thuê bao đi chuẩn hóa lại và 1,15 triệu thuê bao bị tạm dừng dịch vụ 2 chiều theo quy định (đến ngày 15/5, các thuê bao không chuẩn hóa sau khi bị tạm dừng 2 chiều sẽ bị thu hồi). Từ ngày 15/4 đến hết ngày 24/4, đã có hơn 83.000 thuê bao thực hiện chuẩn hóa lại sau khi bị khóa 2 chiều, chiếm 7,2% tổng số thuê bao đã bị khóa 2 chiều.
Công tác phát hiện và xử lý các trạm BTS giả phát tán tin nhắn rác: Cơ quan chức năng của Bộ TT&TT đã phối hợp với Cục A05, Bộ Công an phát hiện và bắt giữ 2 vụ/2 BTS giả (tại Hưng Yên, Thái Nguyên) để phát tán tin nhắn lừa đảo; đã mở rộng điều tra bắt 1 vụ/1 BTS giả tại Bắc Giang (trong tháng 3-2023 phát hiện và bắt 8 vụ/9 BTS giả tại Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Gia Lai, Thanh Hóa, Quảng Nam).
Lĩnh vực Kinh tế số, tháng 3/2023, tổng số lượt tải các ứng dụng di động của Việt Nam là 280 triệu lượt, tăng 13% so với tháng 2/2023. Doanh thu trực tiếp từ các giao dịch trên ứng dụng di động tăng 34,8% so với cùng kỳ năm 2022. Lĩnh vực Công nghiệp ICT, Việt Nam, Thái Lan, Ấn Độ và Campuchia dẫn đầu việc gia tăng xuất khẩu chip bán dẫn vào thị trường Mỹ trong năm nay. Việt Nam đã chiếm hơn 10% số lượng chip nhập khẩu của Mỹ trên toàn thế giới trong 7 tháng liên tiếp. Xét về mặt doanh số, Việt Nam đứng hạng 3 châu Á, sau Malaysia và Đài Loan (Trung Quốc) trong việc xuất khẩu chip bán dẫn vào Mỹ...