Vừa qua, Trạm Y tế xã Kim Sơn (huyện Bảo Yên) phối hợp với Công an xã và Đoàn Thanh niên xã Kim Sơn tuyên truyền phòng, chống tai nạn, thương tích và hướng dẫn kỹ năng sơ cứu khi gặp tai nạn đuối nước cho người dân.
Chị Nguyễn Thị Huyền, Trạm trưởng Trạm Y tế xã Kim Sơn cho biết: Năm 2023, trên địa bàn xã Kim Sơn xảy ra 1 vụ đuối nước thương tâm. Bởi vậy, chúng tôi đã đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn người dân, học sinh cách phòng tránh đuối nước, như không được đi tắm, bơi ngoài sông, suối khi không có người lớn biết bơi đi kèm; không chơi, đùa nghịch quanh ao, hồ, hố sâu; người lớn cần đưa trẻ đi học trong mùa mưa lũ, đặc biệt khi phải đi qua suối, đập tràn... và dạy trẻ kỹ năng bơi. Bên cạnh đó, cán bộ y tế nhấn mạnh những nguyên tắc an toàn khi bơi như khởi động trước khi xuống nước, không ăn, uống khi đang bơi để tránh bị sặc nước, không nhảy cắm đầu ở những nơi không có chỉ dẫn; không được tắm, bơi ở những nơi có nước sâu, chảy siết, xoáy; không bơi khi trời đã tối, có sấm chớp, mưa...
Trong buổi truyền thông, cán bộ Trạm Y tế xã Kim Sơn đã hướng dẫn trực tiếp người dân, trẻ em các phương pháp sơ cứu khi gặp tai nạn đuối nước. Cán bộ Công an xã Kim Sơn hướng dẫn nội dung đảm bảo an toàn khi tham gia giao thông, cán bộ Đoàn Thanh niên xã Kim Sơn dạy các em kỹ năng bơi lội. “Với sự phối hợp của các đơn vị đã mang lại hiệu quả truyền thông, giúp nâng cao kiến thức, kỹ năng của người dân và trẻ em, giảm thiểu xảy ra tai nạn, thương tích trong dịp hè 2024 và thời gian tới” - chị Huyền cho biết thêm.
Mặc dù đã có rất nhiều cảnh báo về tai nạn đuối nước, nhưng ngày 11/7, trên địa bàn xã Dìn Chin (huyện Mường Khương) vẫn xảy ra vụ đuối nước khiến 3 em tử vong do tắm ở ao. Lãnh đạo huyện Mường Khương đã đến thăm, chia buồn và trao hỗ trợ cho gia đình các nạn nhân, đồng thời đề nghị UBND xã Dìn Chin tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền và thực hiện các biện pháp phòng, chống đuối nước, thương tích cho trẻ.
Trạm trưởng Trạm Y tế xã Dìn Chin đã yêu cầu cán bộ y tế, y tế thôn, bản phối hợp với các bí thư chi bộ, trưởng thôn, đoàn thanh niên tăng cường tuyên truyền cho người dân, trẻ em các biện pháp phòng, chống tai nạn, thương tích, đặc biệt là đuối nước. Hoạt động tuyên truyền sẽ được trạm y tế tăng cường phối hợp với các nhà trường tuyên truyền cho giáo viên, học sinh khi vào năm học mới.
Ngay từ đầu năm, các trung tâm y tế trên địa bàn tỉnh đã phối hợp tham mưu cho UBND các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo các hoạt động phòng, chống tai nạn, thương tích tại địa phương, đồng thời phối hợp với các đơn vị có liên quan tuyên truyền phòng, chống tai nạn, thương tích tại cộng đồng. Bệnh viện đa khoa các huyện, thị xã, thành phố tổ chức tập huấn nâng cao năng lực cho đội ngũ y tế xã, phường, thị trấn về sơ cứu, cấp cứu ban đầu, điều trị, vận chuyển nạn nhân bị tai nạn, thương tích; tuyên truyền phòng, chống tai nạn, thương tích tại bệnh viện...
Tai nạn, thương tích như ngã, tai nạn giao thông, bỏng, đuối nước, điện giật, vật sắc nhọn đâm, cắt... đều là những tai nạn xảy ra bất ngờ, có thể gây nên những hệ lụy khôn lường và xảy ra mọi lúc, nhất là với trẻ em, bởi trẻ em là lứa tuổi hiếu động, tò mò, thích khám phá và ít có kỹ năng phòng, chống. Chính vì vậy, để phòng, chống tai nạn, thương tích, rất cần sự chung tay của chính quyền các địa phương, các ban, ngành, đoàn thể trong việc xây dựng môi trường sống an toàn. Các gia đình cần quan tâm giáo dục con, em kỹ năng sống. Mỗi cá nhân cần trang bị cho mình kỹ năng, kiến thức phòng, chống tai nạn, thương tích, sơ cứu người bị tai nạn để sẵn sàng giúp đỡ khi cần...