Trong trường hợp Liên minh châu Âu (EU) áp đặt giá trần năng lượng của Nga, Moskva có thể chuyển hướng cung cấp khí đốt từ châu Âu sang các nước khác trong vòng 3 - 5 năm.
Từ cuối tháng 8 đến nay, tập đoàn Gazprom của Nga đã khóa đường ống dẫn khí đốt Dòng chảy phương Bắc I (Nord Stream 1), đẩy giá khí đốt tại châu Âu tăng vọt 30% vào đầu tháng 9. |
Báo Izvestia cho hay các thành viên trong Hội đồng Liên bang Nga đã đưa ra nhận định trên trong bối cảnh Điện Kremlin đang đàm phán về việc mở rộng hợp tác với Trung Quốc, Ấn Độ và nhiều quốc gia khác.
Trước tình hình giới chính trị gia EU khẩn trương tìm kiếm những phương án thay thế cho nguồn cung cấp khí đốt của Nga, các nhà sản xuất khí đốt của Nga đang tích cực tổ chức đàm phán và thúc đẩy hợp tác với những đối tác khác.
Phó Chủ tịch thứ nhất Ủy ban Chính sách Kinh tế thuộc Hội đồng Liên bang Nga, ông Yury Fyodorov nhấn mạnh rằng các thị trường mới như Trung Quốc, Pakistan và Ấn Độ sẽ giúp mở rộng phạm vi địa lý của nguồn cung cấp khí đốt và giảm sự phụ thuộc của Nga vào các khách hàng châu Âu.
Để bù đắp sự thiếu hụt nguồn cung từ châu Âu, Nga cần đảm bảo xây dựng các bến cảng khí đốt hóa lỏng và một đội tàu chở dầu ở Viễn Đông. Điều này sẽ giúp nước này có thể thâm nhập thị trường châu Á và xây dựng đường ống dẫn khí đốt qua Afghanistan và Pakistan đến Ấn Độ.
Về triển vọng cung cấp năng lượng cho Trung Quốc, nhà phân tích Vladimir Chernov tại công ty Freedom Finance Global lưu ý Nga đã xuất khẩu khoảng 10,5 tỷ mét khối khí đốt sang nước này vào năm ngoái và số lượng dự kiến tăng xấp xỉ hai lần vào năm nay.
Ông Vladimir Chernov nói thêm rằng, dựa trên dữ liệu của tập đoàn năng lượng Gazprom, xuất khẩu khí đốt sang Thổ Nhĩ Kỳ đã tăng 10 tỷ mét khối, lên 26,76 tỷ mét khối vào năm 2022.
Nhà phân tích này giải thích rằng vì Nga đã tăng sản lượng xuất khẩu khí đốt thêm 20 tỷ mét khối chỉ riêng cho hai quốc gia kể trên trong năm nay, nên nước này có thể chuyển hướng tất cả các dòng xuất khẩu khỏi thị trường EU trong vòng 3 - 5 năm với tốc độ hiện tại.
Cuộc khủng hoảng năng lượng ở EU trở nên tồi tệ hơn từ đầu tháng 7, khi nguồn cung khí đốt của Nga sang một số quốc gia châu Âu lần đầu bị gián đoạn. Nga đã tuyên bố ngừng vận hành hệ thống đường ống Dòng chảy phương Bắc 1 (Nord Stream 1) dẫn khí đốt trực tiếp từ Nga sang Đức do vấn đề kỹ thuật. Tờ La Vanguardia của Tây Ban Nha nhận định các kho dự trữ khí đốt của châu Âu có thể cạn kiệt vào đầu tháng 2/2023.
Theo báo trên, 160 cơ sở dự trữ khí đốt ở 18 quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU) với tỷ lệ bơm đầy gần 83% chỉ đủ để cung cấp 21% lượng tiêu thụ hàng năm ở các nước thành viên khối này. Hiện, giới chức châu Âu đang phải đối mặt với một nhiệm vụ khó khăn là đảm bảo lượng khí đốt dự trữ hiện tại đủ dùng cho cả mùa Đông. Do vậy, các nước này sẽ buộc phải giảm mức tiêu thụ nhiên liệu và phân phối lại lượng dự trữ trong kho.
Ủy ban châu Âu (EC) đã kêu gọi các nước EU chuẩn bị trước cho việc ngừng cung cấp hoàn toàn khí đốt của Nga. EC cũng đưa ra kế hoạch tự nguyện giảm mức tiêu thụ khí đốt của tất cả các quốc gia thành viên xuống 15% từ ngày 1/8 đến ngày hết tháng 3/2022.
Nord Stream 1 là một trong những tuyến đường chính cung cấp khí đốt từ Nga đến châu Âu, nhưng do những khó khăn trong việc bảo dưỡng các tuabin, hiện đường ống này chỉ hoạt động một phần công suất. Trong khi đó, đường ống Nord Stream 2 đã hoàn thành, nhưng chưa đi vào hoạt động cũng vì lệnh trừng phạt nhắm vào Moskva.