Nâng tầm giá trị cốt lõi của thương hiệu quốc gia

Theo đánh giá của tổ chức tư vấn định giá thương hiệu hàng đầu thế giới Brand Finance, thương hiệu quốc gia Việt Nam có tốc độ tăng trưởng 102% giai đoạn 2019-2023. Giá trị thương hiệu quốc gia Việt Nam đã khẳng định uy tín và vị thế ngày càng cao trên trường quốc tế, thể hiện sự chủ động của nước ta trong hội nhập quốc tế.

Thương hiệu của một quốc gia được tạo nên bởi nhiều yếu tố từ giá trị về lịch sử, văn hóa, chính sách kinh tế, chính trị, xã hội cho đến danh tiếng của các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ,… của quốc gia đó. Trong đó, thương hiệu sản phẩm của mỗi quốc gia được thể hiện ở ba cấp độ: Cấp độ quốc gia, cấp độ địa phương và cấp độ doanh nghiệp.

Tốc độ tăng trưởng giá trị nhanh nhất thế giới

Những năm gần đây, Việt Nam liên tục được đánh giá là điểm sáng trong xây dựng, phát triển thương hiệu quốc gia với tốc độ tăng trưởng giá trị nhanh nhất thế giới giai đoạn 2019-2023. Giá trị thương hiệu quốc gia năm 2023 đạt hơn 498 tỷ USD, được Brand Finance xếp hạng 33 trong số 121 quốc gia được đánh giá.

Phó Cục trưởng Xúc tiến thương mại (Bộ Công thương) Hoàng Minh Chiến cho biết, đóng góp đáng kể cho việc gia tăng giá trị thương hiệu quốc gia Việt Nam là các ngành viễn thông, ngân hàng và thực phẩm-đồ uống. Trong đó, ngành viễn thông với các thương hiệu lớn như VNPT, Viettel, Mobiphone hay Vietnammobile,… đóng góp tới 31% tổng giá trị thương hiệu quốc gia; các thương hiệu ngân hàng và thực phẩm-đồ uống cũng lần lượt đóng góp 30% và 12,7%.

Các doanh nghiệp Việt Nam đã có nhiều tiến bộ trong xây dựng và phát triển thương hiệu, qua đó nâng cao hơn khả năng cạnh tranh của sản phẩm, thu hút đầu tư và phát triển ngoại thương. Mặc dù vậy, nền kinh tế Việt Nam vẫn còn đối mặt với nhiều vấn đề như chiến lược xuất khẩu chưa bền vững, tranh chấp thương mại quốc tế về thương hiệu vượt quá khả năng giải quyết của một doanh nghiệp, một ngành hay thậm chí một địa phương.

Mặt khác, sự chuyển dịch cơ cấu xuất khẩu theo hướng tăng hàm lượng sản phẩm công nghiệp chế biến và giảm tỷ trọng nguyên liệu thô vẫn chưa rõ rệt, giá trị gia tăng trong sản phẩm chưa cao mà một trong những nguyên nhân yếu kém là về thương hiệu. Vì vậy, theo các chuyên gia, để xây dựng và phát triển thương hiệu một cách hiệu quả hơn cần tìm ra những giá trị cốt lõi, nổi bật; thương hiệu phải gắn với sự khác biệt.

Gian hàng giới thiệu các sản phẩm chuyển đổi số VNPT tại Ðại hội Hội Nông dân Việt Nam lần thứ VIII.

Gian hàng giới thiệu các sản phẩm chuyển đổi số VNPT tại Ðại hội Hội Nông dân Việt Nam lần thứ VIII.

Thứ trưởng Công thương Nguyễn Sinh Nhật Tân cho rằng, nâng tầm những giá trị cốt lõi của doanh nghiệp không chỉ là việc thúc đẩy phát triển kinh tế mà còn là quá trình xây dựng văn hóa doanh nghiệp, xây dựng xã hội công bằng và phát triển bền vững. Trong thời đại của sự thay đổi nhanh chóng, cạnh tranh ngày càng gay gắt với hỗ trợ của công nghệ, những giá trị cốt lõi càng trở nên quan trọng hơn bao giờ hết. Ðây là những nguyên tắc không thể thay đổi, là kim chỉ nam và nền tảng để xây dựng và phát triển thương hiệu của từng doanh nghiệp, từng địa phương nói riêng và quốc gia nói chung.

Dành nguồn lực đầu tư xứng đáng

"Cách đây khoảng 10 năm, khi nói đến Việt Nam Value (thương hiệu quốc gia Việt Nam) nhiều người vẫn còn rất xa lạ. Nhưng hiện nay, Việt Nam Value đã có sự tiến bộ vượt bậc, giá trị cốt lõi của Việt Nam ngày càng được nâng tầm một cách căn bản", PGS, TS Nguyễn Thường Lạng, giảng viên cao cấp Viện Thương mại và Kinh tế quốc tế (Trường đại học Kinh tế quốc dân) đánh giá.

Giá trị này được hun đúc bởi rất nhiều yếu tố, bao gồm: Truyền thống, văn hóa, năng lực kinh doanh hay sức mạnh cạnh tranh và uy tín của doanh nghiệp Việt Nam. Chỉ trong 5 năm, thương hiệu quốc gia Việt Nam đã tăng gấp đôi lên gần 500 tỷ USD là sự thay đổi rất ngoạn mục, cho thấy năng lực cốt lõi của Việt Nam đang ngày càng được thế giới công nhận. Ðáng chú ý là chúng ta cũng đang biết cách để phát huy những năng lực đó.

Cũng theo PGS, TS Nguyễn Thường Lạng, vấn đề xây dựng thương hiệu cần được làm thường xuyên, tỉ mỉ, chuyên nghiệp và bài bản. Với doanh nghiệp, muốn có thương hiệu mạnh trước hết phải có sản phẩm, dịch vụ thể hiện được uy tín và đẳng cấp. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cần chú trọng xây dựng văn hóa doanh nghiệp có sức lan tỏa mạnh, đồng thời cần kỹ năng làm thương hiệu một cách chuyên nghiệp. Cuối cùng, chúng ta cần có sự kết nối mạnh mẽ, biết cách quảng bá, lan tỏa giá trị thương hiệu ở phạm vi khác nhau, đối tượng khách hàng khác nhau. Ðiều này đòi hỏi một sức mạnh tổng hợp, một hệ sinh thái của thương hiệu được xây dựng trên cơ sở khoa học, xu hướng phát triển chung của thị trường trong nước và thế giới.

Ngoài nỗ lực của bản thân doanh nghiệp, cũng cần sự đồng hành của Chính phủ, các cơ quan quản lý, các tổ chức quốc tế trong quá trình phát triển thương hiệu. Nhà nước cần có những giải pháp hỗ trợ, tạo điều kiện về mặt quảng bá, tuyên truyền nâng cao nhận thức,… để giúp doanh nghiệp phát triển tốt thương hiệu. Ngoài ra, những bài học phát triển thương hiệu của doanh nghiệp lớn, của các nước phát triển trên thế giới cũng cần được nghiên cứu tỉ mỉ, để từ đó đúc kết những kinh nghiệm, bài học hay và vận dụng tại Việt Nam một cách sáng tạo.

Theo Phó Cục trưởng Hoàng Minh Chiến, trên cơ sở những tiềm năng, thế mạnh của sản phẩm hàng hóa, dịch vụ của Việt Nam, để phát huy giá trị cốt lõi, gia tăng giá trị cho các thương hiệu, các bộ, ngành, địa phương cần tiếp tục nâng cao nhận thức về ý nghĩa, vai trò và sự cần thiết của việc xây dựng, phát triển thương hiệu, từ đó có sự quan tâm dành nguồn lực đầu tư xứng đáng. Bên cạnh đó, các đơn vị cần đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, quảng bá cho các sản phẩm xuất khẩu chủ lực, tiềm năng của Việt Nam tại thị trường quốc tế. Về phần mình, các doanh nghiệp cần phát huy khả năng sáng tạo của người Việt trong hoạt động thiết kế, phát triển sản phẩm phù hợp với nhu cầu và thị hiếu của thị trường; đầu tư đổi mới công nghệ bảo đảm sản xuất những sản phẩm chất lượng, mang tính bền vững theo xu hướng kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn.

nhandan.vn

Có thể bạn quan tâm

Tin cùng chuyên mục

Việt Nam phải làm chủ công nghệ đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam

Việt Nam phải làm chủ công nghệ đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam

Đại biểu Quốc hội lo ngại, nếu dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam lại tiếp tục đấu thầu chọn nhà cung cấp nước ngoài như đã làm với các tuyến đường sắt đô thị thì rủi ro về thời gian chưa biết khi nào hoàn thành, vốn có thể đội lên... Do đó, đề nghị phải thực hiện theo phương thức chuyển giao công nghệ.

Báo Trung Quốc đánh giá cao thị trường tiêu dùng trực tuyến của Việt Nam

Báo Trung Quốc đánh giá cao thị trường tiêu dùng trực tuyến của Việt Nam

Tờ Nhật báo Kinh tế (Trung Quốc) mới đây đăng bài viết với nhan đề “Tiêu dùng trực tuyến Việt Nam bước vào giai đoạn tăng trưởng”, dẫn báo cáo của hãng nghiên cứu dữ liệu Metric, cho thấy 3 quý đầu năm, doanh số của 5 nền tảng thương mại điện tử lớn đạt 227.700 tỷ đồng, tăng 37,66% so cùng kỳ năm ngoái.

"Quả ngọt" đơm hoa trên núi đá

"Quả ngọt" đơm hoa trên núi đá

Hơn 10 năm trước, anh Chấu Seo Câu ở thôn Sả Séng là người đầu tiên của xã Tả Ngài Chồ (huyện Mường Khương) chuyển đổi một số diện tích trồng ngô sang trồng quýt sen. Tới nay, gia đình anh Câu có hơn 4 ha quýt, với giá bán trung bình 15.000 đồng/kg, giá trị thu hoạch mỗi vụ đạt khoảng 200 triệu đồng. Hiện, gia đình anh Câu đã thoát nghèo, có cuộc sống ngày càng khấm khá khiến nhiều người dân vùng cao ngưỡng mộ.

Nỗ lực nâng cao đời sống người dân

Nỗ lực nâng cao đời sống người dân

Quan tâm triển khai công tác đầu tư, xây dựng, hoàn thiện cơ sở hạ tầng; tích cực phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là chuyển đổi tư duy sản xuất nông nghiệp đã góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống cho đồng bào các dân tộc vùng cao Si Ma Cai.

fbytzltw