LCĐT - Từ thành công của mô hình nuôi cá nước lạnh đầu tiên vào năm 2005 trên địa bàn tỉnh, đến nay nghề nuôi cá nước lạnh đang mang lại hiệu quả kinh tế cao, giá trị sản xuất đạt 25 - 30 tỷ đồng/ha. Tuy nhiên, nghề nuôi cá nước lạnh cũng gặp nhiều rủi ro từ thiên tai, dịch bệnh và biến động của thị trường. Để phát triển bền vững nghề nuôi cá nước lạnh cần liên kết chặt chẽ từ tổ chức sản xuất, tiêu thụ đến chế biến sâu.
Cá nước lạnh sản xuất tại Sa Pa được gắn tem truy xuất nguồn gốc.
Nhiều dư địa để phát triển
Nhiều nhánh suối lớn, nhỏ và khe nước từ rừng già trên các dãy núi cao chảy về cung cấp lượng lớn nước lạnh. Đây là nguồn tài nguyên quý đang được người dân các địa phương trong tỉnh khai thác để nuôi cá hồi, cá tầm. Nuôi cá nước lạnh trở thành một nghề sản xuất quan trọng, tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho nhiều lao động địa phương.
Theo thống kê của ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn, tỉnh hiện có 215 cơ sở nuôi cá nước lạnh (cá hồi, cá tầm), tập trung tại các huyện Bát Xát, Bắc Hà, Mường Khương, Văn Bàn và thị xã Sa Pa. Năm 2020, thể tích nuôi cá nước lạnh là 57.100 m3, năng suất đạt 11,7 kg/m3, sản lượng ước đạt 670 tấn, đem lại giá trị khoảng 30 tỷ đồng/ha, giải quyết việc làm cho hơn 500 lao động. Trong đó, thị xã Sa Pa có quy mô và thể tích nuôi cá nước lạnh lớn nhất tỉnh và vùng Tây Bắc. Năm 2020, thể tích nuôi cá nước lạnh tại Sa Pa đạt khoảng 50.000 m3, diện tích được mở rộng và không ngừng nâng cao chất lượng. Tiêu thụ thủy sản nước lạnh chủ yếu qua thương lái hoặc bán trực tiếp vào các nhà hàng, một số cơ sở đã chủ động tìm thị trường và ký hợp đồng cung ứng sản phẩm cá nước lạnh tại thành phố Hà Nội và một số tỉnh khác.
Tuy nhiên, nghề nuôi cá nước lạnh hiện nay đang bộc lộ những tồn tại. Đó là chưa chủ động trong sản xuất giống do thiếu nguồn cá bố mẹ, kỹ thuật sinh sản nhân tạo còn hạn chế; thức ăn cho cá hồi vẫn chủ yếu nhập khẩu từ nước ngoài; hiệu quả sử dụng tài nguyên đất và nước chưa cao; thiếu những vùng sản xuất thủy sản hàng hóa an toàn gắn kết với thị trường; liên kết trong sản xuất còn lỏng lẻo, thiếu tính ràng buộc; quy mô, phạm vi liên kết còn nhỏ, chưa có nhiều hợp tác xã, tổ hợp tác, trang trại điển hình, quy mô lớn; sản xuất chưa gắn kết được các khâu chế biến và tiêu thụ sản phẩm, vì vậy các sản phẩm chủ yếu bán dưới dạng tươi sống, thị trường không ổn định...
Theo ông Phạm Bá Uyên, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh, để nghề nuôi cá nước lạnh của Lào Cai phát triển bền vững cần phải thực hiện các giải pháp đồng bộ, vừa khai thác lợi thế tiềm năng vừa áp dụng công nghệ mới, tiên tiến nhằm tăng năng suất, chất lượng sản phẩm và giảm giá thành, tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường. Tỉnh cần xây dựng quy hoạch vùng nuôi cá nước lạnh đến năm 2030, định hướng đến năm 2050; khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đầu tư xây dựng các cơ sở sản xuất và ương nuôi giống cá nước lạnh; thực hiện xã hội hóa trong sản xuất giống; có chính sách ưu đãi cho các tổ chức, cá nhân có quy mô sản xuất 1.000 m3 trở lên; khuyến khích các tổ chức, cá nhân sản xuất theo chuỗi giá trị từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm; xây dựng cơ sở chế biến cá nước lạnh, đẩy mạnh việc quảng bá, xúc tiến thương mại đối với các sản phẩm cá nước lạnh; cần thiết thực hiện gắn tem truy xuất nguồn gốc để khẳng định thương hiệu cho cá nước lạnh ở Lào Cai.
Gắn tem truy xuất nguồn gốc
Để dần khẳng định thương hiệu cho cá nước lạnh, Hội Cá nước lạnh Lào Cai đã phối hợp với Công ty Cổ phần Công nghệ Smartcheck (Hà Nội) thí điểm gắn 15.000 tem truy xuất nguồn gốc cho cá tầm, cá hồi tại Trung tâm Nghiên cứu thủy sản nước lạnh Sa Pa, Hợp tác xã chế biến thủy sản nước lạnh Ô Quý Hồ và Cơ sở nuôi cá hồi, cá tầm Thức Mai.
Sau khi gắn tem truy xuất nguồn gốc, cơ sở sản xuất sẽ quản lý được dòng hàng, bảo vệ thương hiệu và chứng minh được nguồn gốc, xuất xứ cũng như bày tỏ thiện chí minh bạch mọi thông tin cần thiết. Tem truy xuất cũng giúp cơ quan quản lý nhà nước kiểm soát tốt hơn sản phẩm nông nghiệp từ khâu sản xuất đến tiêu thụ, còn người tiêu dùng thì yên tâm khi sử dụng.
Anh Lê Trung Thức, chủ Cơ sở nuôi cá hồi, cá tầm Thức Mai cho biết: Trước đây, sản phẩm cá nước lạnh tại cơ sở được tiêu thụ dễ dàng. Từ khi dịch Covid-19 xuất hiện cùng với lượng cá tầm nhập lậu đã gây nhiều khó khăn cho cơ sở. Để khắc phục khó khăn, chúng tôi thực hiện chế biến sâu nhiều sản phẩm mới, như cá hồi hun khói, xúc xích cá hồi, giò cá hồi, ruốc cá hồi… Cá hồi sau chế biến được tiêu thụ thuận lợi. Vừa qua, cơ sở đã thực hiện thí điểm gắn tem truy xuất nguồn gốc đối với cá tầm, đây là cách để giúp người tiêu dùng có thể phân biệt được đâu là cá tầm ở Lào Cai.
Ông Phạm Bá Uyên, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh, Chủ tịch Hội Cá nước lạnh Lào Cai cho biết: Cá được gắn tem khi đưa ra thị trường thì người tiêu dùng chỉ cần dùng điện thoại thông minh quét mã QR-code là có thể truy xuất được nguồn gốc, quy trình chăm sóc cá. Thời gian tới, việc gắn tem truy xuất nguồn gốc sẽ được hội triển khai tại nhiều cơ sở nuôi cá nước lạnh ở Lào Cai.
Hội Cá nước lạnh hiện quản lý 55 cơ sở nuôi thủy sản nước lạnh với thể tích đạt khoảng 17.000 m3 (chiếm gần 30% thể tích nuôi của toàn tỉnh), sản lượng đạt 335 tấn/năm (chiếm 50% sản lượng toàn tỉnh), diện tích tập trung chủ yếu tại huyện Sa Pa, Bát Xát, Văn Bàn. Một số cơ sở đã ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất như bể nuôi có mái che bằng tôn hoặc lưới đen, có máy sục khí, nguồn nước cấp vào các bể nuôi được kiểm soát chất lượng, áp dụng hệ thống lọc tuần hoàn trong sản xuất giống và nuôi thương phẩm. Các hội viên đã có sự liên kết, hỗ trợ nhau trong cung ứng thức ăn, tổ chức sản xuất theo chuỗi khép kín từ nuôi trồng đến bàn ăn, nhà hàng, khách sạn, bao tiêu sản phẩm.