Giá trị chưa tương xứng sản lượng xuất khẩu
Việt Nam luôn nằm trong top quốc gia dẫn đầu về xuất khẩu gạo. Theo số liệu của Bộ NN&PTNT, sản lượng gạo trung bình Việt Nam xuất khẩu mỗi năm từ 6,5 - 7 triệu tấn; riêng năm 2023 Việt Nam đã xuất khẩu kỷ lục 8,1 triệu tấn gạo, với kim ngạch đạt 4,7 tỷ USD. Trong 2 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu gạo đạt 708 triệu USD, tăng 49,8%; giá gạo xuất khẩu tăng 32,2% so với cùng kỳ năm 2023.
2 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu gạo đạt 708 triệu USD. Ảnh minh họa
Về thị trường, hiện nay Việt Nam đã xuất khẩu gạo sang gần 160 quốc gia, vùng lãnh thổ, với thị phần chiếm đến 15% tổng lượng xuất khẩu toàn thế giới. Đáng chú ý, trong mấy năm trở lại đây gạo Việt còn đạt được thứ hạng cao trong các cuộc thi gạo quốc tế. Đơn cử là gạo ST25 đã được bình chọn là Gạo ngon nhất thế giới tại cuộc thi World's Best Rice do The Rice Trader tổ chức năm 2019 và 2023.
Tuy nhiên, thực tế thương hiệu gạo “Made in Việt Nam” vẫn còn mờ nhạt trên thị trường quốc tế. Bởi gạo Việt Nam xuất khẩu sang các nước thường được bán dưới thương hiệu của nhà phân phối, khiến người tiêu dùng không nhận biết được nguồn gốc gạo từ Việt Nam. Điển hình như tại thị trường Philippines, thị trường tiêu thụ gạo Việt lớn nhất, nhiều loại gạo khi được xuất khẩu lại được đóng bao bì của quốc gia khác nên khi đến người tiêu thụ cuối cùng, họ không biết đó là gạo Việt Nam.
Tham tán thương mại Thương vụ Việt Nam tại Philippines Phùng Văn Thành chia sẻ, xuất khẩu gạo Việt Nam sang Philippines năm 2023 đạt 3,1 triệu tấn, chiếm gần 87% tổng lượng gạo nhập khẩu của nước này. Điều đáng lưu tâm là các nhà nhập khẩu gạo nước này làm nhãn mác gạo sản xuất tại Việt Nam khá mờ nhạt nên phải nhìn kỹ mới thấy. Trong khi đó, gạo Thái Lan, Nhật Bản xuất khẩu vào Philippines được nhà phân phối nước này ghi thương hiệu “Thai Rice” hoặc “Japanese Rice” rất to và rõ trên bao bì.
Theo nhận định của các chuyên gia, việc chưa xây dựng được thương hiệu cho gạo Việt cũng như thương hiệu còn mờ nhạt đã làm giảm giá trị gạo Việt Nam, khiến giá gạo Việt phụ thuộc hoàn toàn vào giá gạo thế giới. Cụ thể, trong giai đoạn 2017 - 2020, Việt Nam là nước xuất khẩu gạo lớn thứ ba thế giới về khối lượng và kim ngạch xuất khẩu (sau Ấn Độ và Thái Lan), nhưng giá gạo xuất khẩu lại thấp nhất trong 5 nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới, chỉ đạt trung bình 481,1 USD/tấn.
Cốt lõi là xây dựng chuỗi liên kết lúa gạo bền vững
Bộ NN&PTNT đánh giá, việc tham gia các Hiệp định thương mại tự do (FTA) giúp thương hiệu gạo Việt Nam được biết đến nhiều hơn, thị trường xuất khẩu gạo của Việt Nam dần được mở rộng xuất khẩu sang các thị trường tiêu dùng gạo cao cấp, gạo đặc sản với giá bán cao hơn so với gạo trắng, góp phần gia tăng giá trị xuất khẩu cho gạo Việt Nam.
Thu hoạch lúa tại An Giang.
Nhận thấy những lợi thế mà FTA mang lại, các doanh nghiệp kinh doanh gạo đã xây dựng vùng trồng, sản xuất gạo giá trị cao, có thương hiệu và từng bước tận dụng cơ hội để xuất khẩu vào châu Âu (EU), Nhật Bản… Câu chuyện của gạo Trung An, Tập đoàn Lộc Trời hay Tập đoàn Tân Long là ví dụ. Các doanh nghiệp này đã và đang xuất khẩu gạo vào những thị trường khó tính ở EU như Pháp, Anh… với bao bì “Made in Vietnam” và có giá trị cao trên 1.000 USD/tấn.
Tuy vậy, theo Phó Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam Đỗ Hà Nam, dù một số doanh nghiệp này đã chú trọng việc xây dựng thương hiệu và một vài thương hiệu Việt đã có mặt trên các thị trường khó tính như Nhật Bản, EU, song số lượng vẫn khiêm tốn.
Do đó, để xây dựng thương hiệu gạo phải phải tổ chức lại sản xuất, áp dụng cơ giới hóa, có giống tốt đủ để cung cấp cho sản xuất; công tác bảo quản và chế biến sau thu hoạch cũng cần phải được đầu tư đúng mức. Những việc này, không thể thiếu sự hỗ trợ từ nhà nước, các cấp ngành, các hiệp hội, các nhà khoa học cùng bắt tay và liên kết với doanh nghiệp và nông dân.
Về vấn đề này, GS.TS Võ Tòng Xuân cho rằng, câu chuyện xây dựng thương hiệu gạo đã bàn rất lâu nhưng vẫn chưa có những thay đổi lớn. Nguyên nhân bắt nguồn từ việc doanh nghiệp không có nguồn nguyên liệu, không có diện tích lớn nên muốn xuất khẩu gạo thì phải mua qua thương lái là chính.
Đây là khó khăn lớn để xây dựng thương hiệu gạo của Việt Nam nếu Nhà nước, doanh nghiệp, nông dân không bắt tay mạnh vào việc xây dựng chuỗi liên kết lúa gạo bền vững. Giải quyết được điểm nghẽn này thì việc xây dựng thương hiệu sẽ thuận lợi, dễ dàng hơn.