Chị Sin Thị Phượng, dân tộc Nùng, ở thôn Pạc Ngam, xã Nấm Lư đã mạnh dạn vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội với số tiền 60 triệu đồng theo Nghị quyết số 06/2019/NQ-HĐND về việc sử dụng ngân sách địa phương ủy thác qua Ngân hàng Chính sách xã hội để cho vay phát triển kinh tế - xã hội tại các xã có tỷ lệ hộ nghèo từ 40% trở lên trên địa bàn tỉnh Lào Cai, giai đoạn 2019 - 2025. Với người dân ở xã vùng cao, số tiền đó không phải là nhỏ. Vì vậy, chồng chị Phượng là anh Vương Đức Tuấn không khỏi băn khoăn, lo lắng và do dự bởi khoản nợ này.
Hiểu được suy nghĩ của chồng, chị Phượng đã lý giải cặn kẽ mục đích, cách thức sử dụng vốn vay, hiệu quả kinh tế mang lại. Anh Tuấn vô cùng ngạc nhiên trước sự tính toán của vợ và bị thuyết phục ngay. Có được sự đồng thuận của chồng, chị Phượng sử dụng toàn bộ số tiền vay của Ngân hàng Chính sách xã hội đầu tư mua 3 con trâu sinh sản. Sau hơn một năm chăm sóc, gia đình chị có thêm 2 con nghé. Chị tiếp tục bàn với chồng, bán cặp trâu sinh sản để có tiền đầu tư chăn nuôi lợn và gia cầm, tạo thêm nguồn thu, tránh rủi ro nếu phụ thuộc vào một loại vật nuôi. Thêm một việc nữa, anh Tuấn bị thuyết phục bởi sự mạnh dạn trong việc đầu tư phát triển kinh tế gia đình của vợ. Tiếp tục nhận được sự đồng thuận của chồng, chị Phượng mua 16 con lợn, 50 con gà để nuôi. Tới đây, gia đình chị sẽ có nguồn thu nhập khá từ xuất bán lợn và gà.
Để phát triển kinh tế, ngoài nguồn lực thì cần có sự quyết tâm, mạnh dạn, tự tìm hướng đầu tư phù hợp với thị trường, lao động của gia đình và đôi khi cũng cần phải quyết đáp, nếu không sẽ khó vượt lên chính mình.
Chị Lương Thị Năm, dân tộc Giáy, ở thôn Na Hạ, xã Lùng Vai có hoàn cảnh rất khó khăn. Chồng mất, một mình nuôi hai con đang tuổi ăn học, gánh nặng kinh tế dồn hết lên đôi vai của chị. Trước áp lực về kinh tế, chị Năm đã mạnh dạn vay 100 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội để đầu tư cây giống, phân bón, thuê nhân công lao động trồng hơn 1 ha chè Shan. Sau 4 năm chăm sóc, diện tích chè trồng mới, cùng với một phần diện tích chè do bố mẹ chồng chia cho trước đó, mỗi tháng thu hái được gần 600 kg chè búp tươi, với giá bán bình quân 7.000 đồng/kg, chị Năm có thu nhập gần 40 triệu đồng/năm. Chị Lương Thị Năm cho biết: Nếu không mạnh dạn vay vốn đầu tư phát triển sản xuất thì tôi không có thu nhập để trang trải cho gia đình.
Câu chuyện của chị Sin Thị Phượng và chị Lương Thị Năm chỉ là hai trong rất nhiều phụ nữ làm chủ hộ ở Mường Khương không chỉ có nghị lực mà còn mạnh dạn thay đổi nếp nghĩ, quyết tâm tìm hướng phát triển kinh tế gia đình. Theo tổng hợp của Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Mường Khương, tính đến hết tháng 6/2024, Hội Phụ nữ huyện đang quản lý dư nợ hơn 143 tỷ đồng, tăng 4,5 tỷ đồng so với 31/12/2023, với 2.017 hộ hội viên, phụ nữ vay vốn đang còn dư nợ. Các hộ hội viên, phụ nữ vay vốn để đầu tư vào trồng trọt (chè, quế, dứa, chuối, sa nhân), chăn nuôi (trâu, bò, lợn, gà...) và giải quyết việc làm trong gia đình.
Theo đánh giá của bà Bùi Thị Huấn, Chủ tịch Hội Phụ nữ huyện Mường Khương, sở dĩ ngày càng có nhiều chủ hộ là phụ nữ đứng ra vay vốn đầu tư sản xuất, kinh doanh đã cho thấy hiệu quả mà Dự án “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em” năm 2024, thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đem lại ngày càng rõ nét. Thông qua hoạt động truyền thông, hội viên, phụ nữ trên địa bàn huyện đã thay đổi nhận thức, tích cực, chủ động, tự tin và quyết định đầu tư sản xuất, kinh doanh của gia đình, tạo ra thu nhập. Qua đó, nâng cao quyền năng kinh tế của phụ nữ, đồng thời khẳng định vị thế của phụ nữ trong việc cùng ra quyết định đối với các vấn đề của gia đình.