Đổi mới hoạt động tuyên truyền
Theo Hội LHPN tỉnh, Dự án 8: “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em” là 1 trong 10 dự án thành phần thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia - phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi (DTTS&MN), giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn 1: 2021 – 2025 (gọi tắt là Dự án 8).
Dự án hướng tới đối tượng là phụ nữ và trẻ em gái tại các xã và thôn đặc biệt khó khăn, ưu tiên phụ nữ và trẻ em gái là người dân tộc thiểu số trong các hộ nghèo, cận nghèo, nạn nhân bị mua bán, bị bạo lực gia đình, bị xâm hại tình dục, di cư lao động không an toàn/lấy chồng nước ngoài trở về, người khuyết tật.
Qua đó, đặt mục tiêu nâng cao nhận thức, thay đổi định kiến, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần, bảo vệ, chăm sóc phụ nữ và trẻ em, thực hiện mục tiêu bình đẳng giới.
Để triển khai thực hiện có hiệu quả Dự án 8, Hội LHPN tỉnh và các cấp Hội trong tỉnh đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền trên các nhóm Zalo, fanpage và trang thông tin điện tử của Hội để cập nhật, chia sẻ thông tin đến cán bộ, hội viên. Đồng thời tăng cường tập huấn cho đội ngũ cán bộ Hội cấp huyện, xã và cán bộ các thôn ở địa bàn thực hiện các nội dung trong Dự án 8 như kỹ năng lập kế hoạch truyền thông, bình đẳng giới…
Cụ thể, đối với hoạt động tuyên truyền, vận động thay đổi “nếp nghĩ, cách làm” góp phần xóa bỏ các định kiến và khuôn mẫu giới trong gia đình và cộng đồng, những tập tục văn hóa có hại và một số vấn đề xã hội cấp thiết cho phụ nữ và trẻ em; các cấp Hội khẩn trương khảo sát, làm việc với cấp ủy, chính quyền địa phương và thành tổ truyền thông tại cộng đồng với sự tham gia của các thành viên là những người có uy tín, có năng lực truyền thông trên địa bàn thôn/bản, mỗi tổ đều có sự tham gia của cả nam và nữ.
Kết quả tính đến hết năm 2023, toàn tỉnh đã thành lập được 424/423 tổ truyền thông cộng đồng tại 9/9 huyện, thị xã, thành phố với 3.738 thành viên tham gia; trong đó, có 303 tổ truyền thông được cung cấp trang thiết bị ban đầu (micro, loa kéo, loa cầm tay,…) trên cơ sở rà soát các thiết bị đã được trang bị.
Theo chị Bùi Thị Huấn, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Mường Khương: Đến nay, Mường Khương đã thành lập 15 tổ truyền thông cộng đồng tại các thôn, bản được hưởng lợi từ Dự án 8 với 150 thành viên. Hội LHPN huyện tích cực triển khai các hoạt động tập huấn, nâng cao kiến thức, kỹ năng cho các thành viên để hoạt động truyền thông đạt hiệu quả cao nhất. Những buổi tập huấn không chỉ chia sẻ kiến thức mà còn là cơ hội để các thành viên cùng tìm hiểu về cách thức triển khai thúc đẩy bình đẳng giới tại cơ sở.
Để hội viên, phụ nữ và nhân dân cùng nâng cao nhận thức, trách nhiệm trong tham gia giải quyết một số vấn đề cấp thiết liên quan đến phụ nữ, trẻ em vùng đồng bào DTTS&MN, từ năm 2022 đến nay, Hội LHPN các cấp tổ chức 45 lớp hướng dẫn thành lập và vận hành cho 2.908 thành viên tổ truyền thông cộng đồng; xây dựng 24 chương trình truyền thông bằng tiếng việt, 24 chương trình truyền thông bằng tiếng Mông, Dao, Giáy trên sóng phát thanh Đài Phát truyền - truyền hình tỉnh Lào Cai. Truyền thông trên các ấn phẩm truyền thông của Hội (Bản tin Phụ nữ Lào Cai); trên các trang thông tin (Cổng Thông tin Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh, trang Fanpage Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh, các nhóm Zalo của các cấp Hội). Phát 414 poster giới thiệu các chỉ tiêu chính dự án phát đến 138 xã đặc biệt khó khăn trên địa bàn tỉnh….
Bên cạnh đó, Hội LHPN đã phối hợp với Đoàn thanh niên và Ngành Giáo dục & Đào tạo các cấp tổ chức Cuộc thi “Sáng tác sản phẩm truyền thông nâng cao nhận thức về bình đẳng giới dành cho trẻ em vùng dân tộc thiểu số và miền núi tỉnh Lào Cai” năm 2023. Qua đó, đã có 87 video clip, 633 sáng tác tranh được gửi tham gia cuộc thi tại cấp huyện và cấp tỉnh. Tham dự cuộc thi do Trung Ương Hội LHPN Việt Nam tổ chức, Lào Cai được trao Giải thưởng "Đơn vị có nhiều bài dự thi chất lượng nhất" ở thể loại sáng tác tranh, và các giải thưởng từ khuyến khích đến giải nhất được trao cho các sáng tác tranh, thể loại video clip.
Nhiều mô hình, cách làm sáng tạo
Song song với việc đa dạng hóa công tác truyền thông nâng cao nhận thức, thực hiện Dự án 8, các cấp Hội LHPN đã triển khai xây dựng nhiều mô hình nhằm thay đổi nếp nghĩ, cách làm, nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ, thúc đẩy bình đẳng giới, đảm bảo tiếng nói của trẻ em gái như: Mô hình tổ truyền thông cộng đồng, Địa chỉ tin cậy, CLB thủ lĩnh của sự thay đổi…
Theo đó, Hội LHPN tỉnh đã tổ chức các lớp tập huấn về tư vấn thiết kế bộ nhận diện và dịch vụ truy xuất nguồn gốc và hội nghị tập huấn về quản lý nâng cao chất lượng, tư vấn hỗ trợ kỹ thuật cho tổ liên kết/Hợp tác xã cho 50 người là thành viên hợp tác xã, tổ hợp tác, cơ sở sản xuất kinh doanh; hỗ trợ 11/20 tổ nhóm sinh kế, tổ hợp tác, hợp tác xã do phụ nữ làm chủ/đồng làm chủ ứng dụng công nghệ 4.0 trong sản xuất và kết nối thiêu thụ sản phẩm.
Hội LHPN các cấp đã ra mắt các mô hình địa chỉ tin cậy, tập huấn về bình đẳng giới, thành lập 28/48 mô hình địa chỉ tin cậy, trong đó có 2 mô hình chỉ đạo điểm của tỉnh. Trang thiết bị cơ sở vật chất ban đầu cho mô hình hiện nay có 28/28 mô hình; qua đó, đã tích cực truyền thông, giới thiệu cho người dân nói chung, phụ nữ nói riêng nắm vững thông tin, kỹ năng cần thiết nhằm giúp đỡ kịp thời những nạn nhân bị bạo lực gia đình.
Đặc biệt, thông qua việc thành lập 85/85 Câu lạc bộ “Thủ lĩnh của sự thay đổi” ở các địa phương trong tỉnh đã thu hút thu hút 1.952 thành viên tham gia đã thúc đẩy góp phần đảm bảo tiếng nói và trò của trẻ em gái trong phát triển kinh tế xã hội ở các điạ phương trong tỉnh.
Thực tế cho thấy, việc thành lập các mô hình đã tạo chuyển biến tích cực trong nhận thức và hành động của người dân tại địa bàn. Đặc biệt, thông qua hoạt động của các tổ truyền thông cộng đồng, bà con dân tộc Mông, Dao, Hà Nhì, Xa Phó… đã được tiếp cận nhiều hơn với những kiến thức, như: Luật Bình đẳng giới; khuôn mẫu giới trong việc nhà; phòng chống nạn tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống...
Có thể thấy, với nhiều cách làm và mô hình sáng tạo việc tuyên truyền, triển khai Dự án 8 về “Thúc đẩy bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em” của Hội LHPN các cấp trên địa bàn tỉnh Lào Cai đã từng bước góp phần nâng cao nhận thức và trang bị những kiến thức cần thiết cho phụ nữ và trẻ em gái trong đồng bào dân tộc. Qua đó, thúc đẩy một cách mạnh mẽ và tạo sự chuyển biến nâng cao chất lượng cuộc sống, giải quyết một cách căn bản bất bình đẳng trong nhiều lĩnh vực đối với phụ nữ và trẻ em gái.