Đề tài do Trưởng phòng Tin học Hoàng Việt Hùng làm chủ nhiệm.
Hơn 20 năm qua, Chi nhánh NHCSXH tỉnh Lào Cai đã góp phần quan trọng trong việc thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững, giải quyết việc làm, nâng cao đời sống Nhân dân trên địa bàn tỉnh, được cấp ủy, chính quyền địa phương đánh giá cao.
Giai đoạn 2019 - 2023, với hơn 20 chương trình đang triển khai, Chi nhánh đã hỗ trợ trên 93 nghìn lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác vay vốn với tổng số tiền đạt 5.666 tỷ đồng. Tổng nguồn vốn tín dụng chính sách đến ngày 31/12/2023 đạt 4.405 tỷ đồng; tổng dư nợ các chương trình tín dụng đạt 4.405 tỷ đồng, tăng 1.504 tỷ đồng so với 31/12/2019, với 72.484 khách hàng còn dư nợ...
Qua đó, đã giúp gần 10 nghìn lượt hộ thoát nghèo, duy trì và tạo thêm việc làm cho 21.529 lao động; tạo điều kiện cho 1.480 lượt học sinh, sinh viên vay vốn trang trải chi phí học tập; xây dựng 41.416 công trình nước sạch và nhà vệ sinh hợp chuẩn tại vùng nông thôn, góp phần cải tạo môi trường sống và xây dựng 857căn nhà.
Tuy nhiên, công tác kiểm tra, kiểm soát nghiệp vụ tín dụng tại chi nhánh mới dừng ở việc kiểm tra tính tuân thủ, chưa chú trọng kiểm tra đánh giá, cảnh báo sớm nhằm phát hiện các rủi ro tiềm ẩn để có thể cảnh báo kịp thời về những điểm yếu trong quy trình nghiệp vụ tín dụng.
Dựa trên cơ sở hoạt động của Chi nhánh giai đoạn 2019 - 2023, nhóm nghiên cứu đề tài đã phân tích, đánh giá hiệu quả công tác kiểm tra, kiểm soát nghiệp vụ tín dụng trên địa bàn tỉnh Lào Cai; tác động của công tác kiểm tra, kiểm soát nghiệp vụ tín dụng đến các mặt hoạt động của chi nhánh; những kết quả đạt được, hạn chế và nguyên nhân. Từ đó đề xuất những giải pháp nhằm nâng cao năng lực chỉ đạo điều hành, phát huy tính chủ động trong công tác phòng ngừa sai phạm và kịp thời xử lý các tồn tại, hạn chế trong hoạt động triển khai tín dụng chính sách trên địa bàn tỉnh.
Với những nghiên cứu rất có ý nghĩa và phù hợp với tình hình phát triển NHCSXH, đề tài được Hội đồng nghiệm thu xếp loại Khá.